Vó ngựa miền khát
(Cadn.com.vn) - Mùa nắng nóng, ngựa không chỉ trở thành chủ đề trong nhiều đề tài cuộc sống mà còn giúp con người khắc phục "cơn khát" trong thời đại ồ ạt xe cộ ầm ầm di chuyển. Cơn khát lôi kéo nhiều nhu cầu khác trong xã hội. Ngựa đã "chạy" suốt trăm năm trên đất Vạn Lương (H. Vạn Ninh, Khánh Hòa) chở nước, phục vụ sinh hoạt cho cư dân trong vùng.
Khát khao nước đại thảo nguyên
Thôn Tân Đức Đông (xã Vạn Lương, Vạn Ninh) người dân vẫn "khát nước" lâu nay, cũng là địa điểm của trại ngựa tư nhân lớn nhất Khánh Hòa. Trại chủ là Nguyễn Đức, người có thâm niên nuôi ngựa hơn 30 năm. Trong trại, thời điểm cao nhất có khoảng hơn 20 con ngựa, không có ngựa lai, trọng lượng ngựa ở tuổi trưởng thành chỉ chừng 2 - 2,3 tạ. "Như vậy là ngựa lớn rồi, tôi nuôi ngựa bán cho nhiều nơi lắm: Đà Lạt, Đà Nẵng, Ninh Thuận,... phục vụ du lịch có, thồ hàng có, thậm chí là để... nấu cao. Tôi bán ngựa cho trại ngựa Suối Dầu để nghiên cứu huyết thanh. Ngựa dễ nuôi, hầu như không bao giờ bệnh tật gì, nên hay dùng cho nghiên cứu huyết thanh", ông Đức cho biết.
Thường khổ vì "gông sắt" lúc nào cũng đeo trên người, nhưng đó là số phận ngựa Vạn Lương. Luôn có khoảng 20 - 30 cỗ xe ngựa chuyên phục vụ việc chở hàng tại đây. Ngựa làm bạn với tiều phu, dãi dầu mưa nắng. Đi chung đường với người chở gỗ, vật liệu xây dựng, trải bao phen biến cố đời người. Mối gắn kết với con người trở thành chiếc gông nặng nhất trong đời ngựa thồ. "khi bán ngựa, đương nhiên là có đoạn xe ô-tô chở đi, nhưng tôi luôn đi cùng ngựa có khi tới hơn 10km, tôi không cưỡi vì ngựa của mình mà, phải cùng đi", anh Đức tâm sự.
Ngựa Vạn Lương ngày nay ít hơn trước, chủ yếu là mua từ nơi khác về nuôi. Ngựa con chào đời trên vùng đất này cũng sẽ nối tiếp thế hệ "ông cha", được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Có lẽ, bước nước đại trên thảo nguyên bao la, sẽ chỉ mãi là "điều trong mộng" với chúng. Ngựa trắng, móng hồng luôn được ưa chuộng nhất, có giá bán cao vì đây thường là khoái mã, trọng lượng lớn, sức khỏe tốt, có thể dùng trong du lịch.
"Gia đình tôi nuôi ngựa từ lứa này đến lứa khác, bán rồi, lại mua lứa khác về nuôi. Tôi mua ngựa ở nhiều nơi lắm. Có lúc giá lên đến 30 - 40 triệu đồng/con. Có liên hệ với nhiều trung tâm kinh doanh du lịch ở Đà Lạt, Tây Nguyên có việc là đưa ngựa đến ngay", anh Đức kể thêm. Ngựa vốn dễ nuôi, các lứa "F" sau khi chào đời trong thời gian ngắn đã đủ cứng cáp và tự nuôi mình được. Ngựa sẽ được thuần hóa sau khi luyện tập bằng phương pháp tập cưỡi và thồ hàng. Trẻ con trong vùng vẫn thường cưỡi ngựa chạy lòng vòng, phi như bay mỗi khi thấy ngựa rảnh rỗi.
Ngựa Vạn Lương chở nước. |
Ngựa khát nơi đất cháy
Thôn Xuân Tự Đông, xã Vạn Lương nhiều năm qua không hề có nước giếng hay nước máy. Nguồn nước tại đây do người dân mua từ các xe chở nước, hoặc dùng xe ngựa... thồ về. "Chỗ chúng tôi cứ mùa hè thì không có nước giếng để dùng, gần biển nên nước thường bị nhiễm mặn. Mùa mưa thì có nước mưa nên đỡ phải lấy nước hơn tí. Không chỉ chỗ chúng tôi, mà dọc biển xã này nhiều nơi như thế", bà Loan, người sống hơn 10 năm tại đây, cho biết.
Trước đây, ngựa là phương tiện chủ yếu để vận chuyển nước ngọt. Trong cuộc sống hiện đại, chúng chỉ còn là thiểu số nhưng không thể thiếu. Vạn Lương là địa điểm nghề vận chuyển nước ngọt bằng xe ngựa tấp nập nhất tại Khánh Hòa. Vạn Ninh đang đứng trước những thay đổi lớn, đặc biệt là việc mở rộng tuyến QL1A và hầm xuyên đèo Cả sẽ làm thay đổi mật độ xe lưu thông qua. Dẫu vậy, ngựa vẫn chậm rãi tiến lên, mặc bao đổi thay của dòng đời.
Vó ngựa Vạn Lương vang tiếng quanh năm, vì nhiệm vụ chở nước, phục vụ sinh hoạt. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nơi duy nhất thường xuyên sử dụng ngựa vào mục đích chở nước chính là Vạn Lương - cửa ngõ thị trấn Vạn Giã - Vạn Ninh. "Giá cả cũng không hề rẻ, khoảng vài chục ngàn/ thùng 30 lít. Chỉ là khu này thường xuyên nhiễm mặn quá, chưa có điều kiện sử dụng nước máy", một phụ nữ trong khu vực cho biết thêm. Về Vạn Lương những ngày này thường thấy xe ngựa chở nước đi trên đường. Theo lời kể từ những bậc cao niên trong vùng, hàng chục năm qua, vùng ven biển Vạn Lương mùa nắng nóng thường chịu cảnh thiếu nước vì nhiễm mặn. Vó ngựa Vạn Lương cũng vì vậy thêm phần mệt mỏi.
Từ xa xưa ngựa đã gắn liền với cuộc sống con người. Những người khai phá Vạn Lương đã tiến vào vùng đất này trên lưng ngựa. Ngựa mang từ nơi khác đến, ngựa theo chân những người mở đất. Và, ngựa vẫn tiếp tục vận chuyển nước cho vùng đất khát dưới sự điều khiển của những kỵ sĩ hiện đại.
Đức Thọ