Vỡ quy hoạch!
(Cadn.com.vn) - Theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 3-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu phát triển diện tích cây cao su của Việt Nam đến năm 2015 là 800.000ha và giữ diện tích ổn định ở mức này.
Thế nhưng, mới đây Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đưa ra một báo cáo cho thấy, đến nay diện tích cây cao su cả nước đã lên đến 955.700ha, nghĩa là vượt hơn 155.700ha so với quy hoạch! Trong số đó, vùng Đông Nam Bộ vượt trên 135.000ha; 9 tỉnh chưa nằm trong quy hoạch gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Long An, nhưng vẫn có hơn 13.000ha cao su!
Tại một hội thảo mới đây, đề cập vấn đề vỡ quy hoạch cây cao su, một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, tuy là vỡ thật rồi nhưng hậu quả cũng không quá tệ, bởi lẽ thị trường tiêu thụ mủ cao su hiện nay còn khá lớn, giá cả cũng ổn.
Bởi vậy, không nhất thiết phải tập trung xử lý hệ quả của việc vỡ quy hoạch mà cần kiềm chế không để phát sinh diện tích trồng mới. Nói tóm lại, vấn đề vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, đó chỉ là nói đến vấn đề trước mắt, nói về xử lý hệ quả, chứ ở tầm quản lý kinh tế, e rằng còn lắm chuyện đáng lo.
Không thể chối cãi, việc vỡ quy hoạch cao su phản ánh rõ sự yếu kém của cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ NN&PTNT, cũng như chính quyền các địa phương. Ngay từ đầu, với vai trò tham mưu, liệu Bộ NN&PTNT tiên liệu được sự phát triển của cây cao su để từ đó đưa ra con số 800.000ha để Chính phủ phê duyệt?
Thứ đến, khi đã đưa ra con số đó, Bộ đã không thể kiểm soát nó, chưa đến nửa chặng đường thực hiện đã bị vỡ quy hoạch. Cũng tương tự như thế, chính quyền các địa phương đã làm gì, khi hàng trăm nghìn héc-ta cao su vượt quy hoạch hiện ra trước mắt mà vẫn không hay biết, hoặc giả biết mà chẳng làm được gì để ngăn chặn?
Từ lâu, người Việt Nam đã trăn trở với câu hỏi lớn “trồng cây gì, nuôi con gì”. Đó là nỗi trăn trở qua nhiều thế hệ, đến nay, chưa phải đã hoàn toàn trả lời thấu đáo, cũng có nghĩa rằng, ngành nông nghiệp vẫn đang trong quá trình tìm hướng đi, mọi sự chệch choạc dù là nhỏ nhất xảy ra hôm nay đều có thể dẫn đến hệ lụy sau này, mà người gánh chịu, không ai khác, là hàng triệu nông dân bao đời lam lũ.
Lẽ đó, yêu cầu đối với người hoạch định, quản lý, điều hành chính sách nông nghiệp quan trọng vô cùng. Thế mà, chỉ một cái quy hoạch (trong vô số cái quy hoạch chưa rõ số phận giờ ra sao) mới 5 năm đã vỡ, không biết các vị ấy ăn nói thế nào với nông dân, với những người đang cặm cụi mưu sinh và đóng thuế?
Nguyên An