Với bác Nguyễn Tuân...
(Cadn.com.vn) - Nhà văn Đoàn Minh Tuấn được nhiều người biết đến bởi ông là nhà văn bén duyên sang điện ảnh để lại nhiều dấu ấn, vừa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng cũng là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Song có điều nghiệp văn của cây bút gốc quê Tịnh Sơn, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi này ít người biết đến đó là cái duyên viết về Bác Hồ và Nguyễn Tuân. "Với Bác Nguyễn Tuân" là cuốn sách theo như nhà văn Tô Hoài là một cách viết giai thoại chân thật: "Qua những kỷ niệm đôi khi nho nhỏ và hằng ngày mà sâu sắc như trò chuyện, tiếp xúc, cùng đi thực tế, trà dư tửu hậu, tình cảm giữa đôi bên..., Đoàn Minh Tuấn đã cung cấp cho bạn đọc thấy tính cách của Nguyễn Tuân bằng những sự việc và số liệu có giá trị khoa học, nhân văn và nghệ thuật".
Đã có nhiều người tìm hiểu và viết về sự nghiệp văn học của Nguyễn Tuân, một tác giả lớn của nền văn học hiện đại. Đoàn Minh Tuấn cũng góp vào đây một tập sách nhỏ mang tên "Với Bác Nguyễn Tuân". Song mỗi bài trong tập sách như một ký hoạ nhấn vào một khía cạnh nhất định, gộp lại thấy được hình ảnh khá toàn diện về nhân cách sống và cả sự đặc sắc, độc đáo của tài năng Nguyễn Tuân. Với Đoàn Minh Tuấn, nhà văn Nguyễn Tuân là người dễ thương nhưng cũng rất khó tính. Ông theo cụ như theo thầy học đạo, học để rút ra những tinh hoa của cụ về cách viết. Không chỉ trong nước, các nhà văn nước ngoài cũng đánh giá cao tài năng Nguyễn Tuân. Nhà văn Xô Viết Marian Tkchốp từng nhận xét: "Nguyễn Tuân là cây bút tùy bút số hai của thế giới, sau Erenbua". Phòng làm việc của Marian Tkchốp chỉ treo ảnh hai người là nhà văn Erenbua và Nguyễn Tuân, hai cây văn xuôi tài ba với những trang tùy bút chính luận nổi tiếng.
Chuyện hoàn toàn có thật, khi Marian Tkchốp, dịch giả "Vang bóng một thời" sang tiếng Nga có lần đến thưa chuyện với bác Nguyễn Tuân nhưng lại đưa theo một người bạn. Nguyễn Tuân, không tiếp và nói: "Anh đủ tư cách đi một mình, không cần đưa người bạn ấy!". Đó là người mà Nguyễn Tuân không ưa. Bữa ấy Marian Tkchốp rất buồn. Thế nhưng sau này khi được tin Nguyễn Tuân qua đời, nhà văn Nga đã trân trọng viết những dòng như thế này: "Hồi còn nhỏ Nguyễn Tuân đã cùng gia đình phiêu bạt ở các tỉnh xa... Tuy ham mê đọc sách, ham hiểu biết nhưng cậu học sinh Nguyễn Tuân đã bị đuổi khỏi trường vì tham gia bãi khóa. Sau này ông không theo học bất cứ trường nào nữa, nhưng đã trở thành người có học vấn uyên thâm nhất Việt Nam...".
Ảnh bìa cuốn sách "Với Bác Nguyễn Tuân" của Đoàn Minh Tuấn |
Đầu thập niên 70, một lần ở Ba Đình, hội trường kỷ niệm một nhân vật nào đó, Đoàn Minh Tuấn không nhớ rõ chỉ nhớ mình cũng tham dự và ngồi sau nhà văn Nguyễn Tuân. Giờ giải lao thấy đồng chí Trường Chinh cùng bác Nguyễn, tay nắm tay xòe như "oẳn tù tì" . Thấy vui vui hỏi ra mới biết, hai bác tinh nghịch hỏi, đoán tuổi nhau. Bữa ấy đồng chí Trường Chinh có khen những trang tùy bút "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" của Nguyễn Tuân là tác phẩm tốt, có tính chiến đấu cao... Lại kể chuyện về nhà văn Marian Tkchốp, trong lần đầu tiên sang Hà Nội vinh dự được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Trong bữa cơm đạm bạc, chỉ có rau, dưa, đĩa cá kho, hai ly rượu thuốc nhỏ với Người, Marian thưa chuyện bằng tiếng Việt (lúc đó Bác 72 tuổi, nhà văn Nga 30 tuổi). Bác thân mật hỏi: "Chú học tiếng Việt khi nào mà ăn nói lưu loát vậy?". "Thưa Bác, cháu học ở Moscow vào năm 1956 tại khoa Đông Phương, đại học quốc gia Lômônôxốp". "Trong các nhà văn Việt Nam, chú đã đọc và theo chú, chú thích nhà văn nào?". Marian Tkchốp không ngần ngại: "Cháu thích nhà văn Nguyễn Tuân và cháu đang chuẩn bị dịch "Vang bóng một thời". Bác cười đôn hậu: "Thế là chú giỏi, trình độ Tiếng Việt chú khá đấy. Vì thích Nguyễn Tuân phải là người nắm vững ngôn ngữ Việt Nam rồi! Tùy bút Nguyễn Tuân "có cỡ" đấy". Thế là cả hai bác cháu đều cười. Chuyện này được Marian Tkchốp kể lại với chính Nguyễn Tuân. Hôm ấy Nguyễn Tuân bất ngờ quá, vui quá, vội lấy Làng Vân -rượu quê-đãi Marian. Hai ông bạn, một già, một trẻ mãi chuyện đến khuya.
Nhà văn Nguyễn Tuân là người rất hào phóng. Giữa Moscow mà bác mở tiệc chiêu đãi các nhà văn lớn Xô Viết với tất cả nhuận bút sách dịch của mình. Trong bữa tiệc, ông đem những đoạn vui trong ký "Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi" kể cho mọi người nghe. Nguyễn Tuân là người rất thích cái bình thường, nhưng rất thanh cao và độc đáo. Nhiều người cứ tưởng "cầu kỳ" thật ra thì không phải thế. Nhà văn thường dặn "Phải dùng những từ, những hình ảnh mới, tránh đi đường mòn. Phải luôn sáng tạo không ngừng". Cho nên văn chương của Nguyễn Tuân không giống một ai, mà cũng chẳng ai bắt chước nổi. Một kiểu bình thường nhưng rất "khuôn vàng thước ngọc"...
"Tôi với nhà văn Nguyễn Tuân có khá nhiều kỷ niệm nhưng có cái mình chưa viết ra được. Vì cụ là nhà văn lớn có nhiều uẩn khúc. Có cái vì thương cụ, tôn kính cụ, oan cho cụ mà mình viết để thanh minh thôi...". Và đúng như một lời thanh minh, nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã viết "Với Bác Nguyễn Tuân". Tập sách có sức hấp dẫn không chỉ bởi cách kể chuyện mà còn ở nhân vật vốn là câu chuyện không chỉ "Vang bóng một thời".
Võ Văn Trường