Báo Công An Đà Nẵng

Với bức tranh kinh tế hiện nay, Đà Nẵng phục hồi thế nào?

Thứ năm, 03/06/2021 14:31

Đầu tháng 5-2021 làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư quay lại đã giáng một đòn mạnh vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ vốn là trụ cột kinh tế của Đà Nẵng. Từ đây, mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm thực hiện chủ đề phục hồi tăng trưởng kinh tế của TP thêm nhiều thách thức. Kịch bản nào cho kinh tế TP trong những tháng còn lại?

Hiện nay hầu hết công nhân trong các KCN ở Đà Nẵng đã được xét nghiệm COVID-19 đảm bảo môi trường an toàn để sản xuất. 

Hoạt động thương mại, dịch vụ của Đà Nẵng vừa chớm phục hồi từ đầu tháng 3-2021, bắt đầu có tăng trưởng chưa được bao lâu thì làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư quay trở lại. Các cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành và các dịch vụ tiêu dùng khác phải tạm ngừng hoạt động để chống dịch, do đó một số ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng âm. Trong tháng 5, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt khoảng 880 tỷ đồng, bằng gần 61% so với tháng trước và giảm gần 23% cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 5,2 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 11% so với tháng trước. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết, TP có gần 7.000 DN du lịch thì đã đóng cửa hơn 90%. Riêng Hiệp hội có 1.000 DN thì gần 10% đã giải thể, số còn lại đóng cửa. DN du lịch giờ không còn sức kháng cự, chỉ đặt vấn đề đóng cửa thế nào, tồn tại làm sao, chứ không đặt vấn đề bao giờ quay lại hoạt động. Cùng nhận định, ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát sơ bộ trong Hội, hiện hầu hết các khách sạn, nhà hàng, đơn vị vận tải hành khách phải đóng cửa. Các đơn vị nhà thầu, thi công vẫn duy trì hoạt động nhưng việc thu hồi công nợ, dòng tiền còn chậm. Một số DN chuyển đổi kinh doanh các mặt hàng như khẩu trang, tấm chắn giọt bắn tạm thời thay thế, bù đắp phần thiếu hụt các sản phẩm truyền thống. Nhiều DN chọn các giải pháp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như giảm giờ làm, thỏa thuận nghỉ không lương hoặc chấm dứt hợp đồng với người lao động khi đến hạn, cắt giảm các khoản chi phí, cũng như các chế độ phúc lợi. Cũng theo ông Hùng, hiện nay, hàng ngàn nhân viên bị nghỉ việc tạm thời chờ dịch ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Các DN tùy vào tình hình tài chính, điều kiện để áp dụng các giải pháp hỗ trợ người lao động phù hợp.

Tuy nhiên, bù lại sự sụt giảm của thương mại dịch vụ thì ngành công nghiệp- xây dựng vẫn duy trì tăng trưởng trở thành cứu cánh cho kinh tế TP hiện nay. Việc ổn định của lĩnh vực này cho thấy hiệu quả kiểm soát dịch trong các khu công nghiệp, công nghệ cũng như giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng tốc các dự án trọng điểm. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Đà Nẵng trong tháng 5 vừa qua vẫn tăng khoảng 1,3% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ. Chiếm gần 22% trong cơ cấu kinh tế, hiện công nghiệp của Đà Nẵng có khoảng 490 DN trong các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, với khoảng 75 ngàn lao động. Do ít bị tổn thương bởi đại dịch hơn so với ngành dịch vụ vì thế công nghiệp TP trở thành cứu cánh. Hiện TP đã xét nghiệm Covid-19 cho hầu hết lao động trong các khu CNC, KCN. Các DN sản xuất cũng tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu phòng dịch, lập các tổ chống COVID-19 trong nhà máy, chia ca làm việc, nhà ăn có vách ngăn…Chính các giải pháp nghiêm ngặt phòng dịch đã giúp hoạt động sản xuất công nghiệp duy trì, tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhân lực làm việc tại nhà máy của UAC trong Khu CNC Đà Nẵng đảm bảo giãn cách phòng chống dịch.

Trong lĩnh vực xây dựng của Đà Nẵng vẫn có tăng trưởng dù dịch COVID-19 quay lại. Nguyên nhân do TP triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Tổng vốn đầu tư công giải ngân trong tháng 5 đạt khoảng 539 tỷ đồng, tăng hơn 107% so với cùng kỳ. Nhiều dự án trọng điểm đẩy nhanh tiến độ. Nổi bật như dự án phát triển bền vững TP tổng vốn hơn 8,2 ngàn tỷ đồng trong tháng 5 đã thực hiện khoảng 55 tỷ; dự án Khu CNC tổng vốn hơn 8,8 ngàn tỷ hiện đã thực hiện hơn 3,1 ngàn tỷ (tháng 5 đạt 89 tỷ đồng); dự án nhà máy nước Hòa Liên tổng vốn hơn 1,1 ngàn tỷ đồng hiện đã thực hiện 708 tỷ đồng (tháng 5 đạt 70 tỷ đồng); dự án Cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý tổng vốn hơn 723 tỷ đồng (tháng 5 đạt hơn 27 tỷ đồng).

Để phục hồi kinh tế TP trong những tháng còn lại, ngoài kiểm soát tốt dịch bệnh để duy trì sản xuất công nghiệp, xây dựng thì Đà Nẵng cần khẩn trương hỗ trợ các DN trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Ông Cao Trí Dũng cho rằng, TP cần triển khai nhanh chủ trương cho lao động ngành du lịch vay vốn 100 triệu đồng/người từ ngân hàng chính sách trong thời gian 3-5 năm để họ duy trì cuộc sống. Trong thời gian đó đủ để ngành du lịch phục hồi, họ sẽ trả khoản vay. Hiện có gần 2.000 lao động trong ngành du lịch đã đăng ký vay. Ông Hà Đức Hùng thì cho rằng, chính sách hỗ trợ DN trong thời điểm hiện nay cần theo hướng hỗ trợ phục hồi, phát triển thay vì hỗ trợ thanh khoản để cầm cự như thời điểm 1 năm trước. Việc hỗ trợ cũng cần tập trung vào các khu vực đang có dư địa tăng trưởng mới cho kinh tế như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo…để tránh phân tán nguồn lực. Ngoài ra, ông Hùng đề xuất giãn thời gian nộp thuế, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, hạ lãi suất ngân hàng và cơ cấu lại nợ. Đặc biệt, các sở ngành cần đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; ban hành và triển khai ngay một số chính sách đặc thù kịp thời gỡ khó khăn cho các DN thuộc lĩnh vực kinh tế quan trọng của TP như lữ hành, khách sạn, ăn uống... Ông Lê Trường Kỹ, Tổng giám đốc DINCO cho rằng, vaccine covid-19 là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay để chống dịch, để ổn định và phát triển kinh tế. Nhà nước dành nguồn lực để tiêm vaccine cho người dân, lực lượng chống dịch còn DN sẽ bỏ kinh phí tiêm vaccine cho người lao động. Với sự chung tay của DN cả nước, tin chắc dịch Covid-19 sẽ bị khống chế để ổn định và phát triển kinh tế.

HẢI QUỲNH