Báo Công An Đà Nẵng

Với họa sĩ Hà Xuân Phong

Thứ bảy, 15/11/2014 12:07

(Cadn.com.vn) - LTS: Họa sĩ Hà Xuân Phong, người quận 3 (nay là Q. Sơn Trà) Đà Nẵng. Ông vào chiến trường, công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu V. Vì hoàn cảnh chiến tranh, ông chưa kịp thực hiện những bức tranh lớn nhưng đã vẽ nhiều tranh ký họa, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) và một số bạn bè. Ông hy sinh vào trung tuần tháng 11-1974 tại sông Trà Nô, Hiệp Đức, Quảng Nam trong một chuyến công tác. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của ông, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Thanh Quế về những kỷ niệm sâu sắc với họa sĩ Hà Xuân Phong.

Họa sĩ Hà Xuân Phong

Từ hớt tóc đến vẽ tranh

Hà Xuân Phong có tài hớt tóc rất khéo. Ngày ở chiến khu, anh em chúng tôi thường nhờ anh dùng kéo cắt tóc cho. Nhưng chẳng mấy ai biết chính nhờ có cái tài ấy đã dẫn anh đến với nghề hội họa. Anh kể rằng: Anh sinh ra ở quận 3, Đà Nẵng, mới hơn 10 tuổi đã tham gia thiếu sinh quân. Tập kết ra Bắc, anh được đưa vào làm thợ hớt tóc cho các đồng chí Trung ương. Sở dĩ anh giỏi nghề này vì hồi ở thiếu sinh quân, anh được một anh lớn tuổi vốn là thợ cắt tóc bày cho. Năm 1958, nghe tin ở nhà tù Phú Lợi bọn Mỹ- Diệm đã giết hại nhiều đồng chí ta bằng thuốc độc, Hà Xuân Phong tranh thủ lúc rỗi rãi đã vẽ một bức tranh áp phích tố cáo. Không ngờ, vừa vẽ xong thì nhà thơ Tố Hữu, hồi đó phụ trách Ban Tuyên giáo Trung ương đến hớt tóc. Ông nhìn bức tranh, hỏi:

- Ai vẽ bức tranh này, cậu?

Hà Xuân Phong rụt rè:

- Em vẽ chơi đấy ạ.

Tố Hữu vui vẻ hẳn lên, mặc nguyên tấm choàng cắt tóc bước khỏi ghế lại gần bức tranh xem chăm chú rồi khen:

- Cậu vẽ khá lắm. Mình sẽ nói các anh ở trường Mỹ thuật cho cậu vào học hội họa.

Thế là Hà Xuân Phong được vào học trung cấp hội họa. Sau đó, anh sang học Cao đẳng Mỹ thuật ở Liên Xô. Vừa về nước, sẵn có đợt đi B, anh xung phong về Nam. Ở chiến trường, cũng như anh chị em ở các ngành văn nghệ khác, Hà Xuân Phong phải coi việc vẽ là việc phụ mà việc gùi cõng, làm rẫy, dời nhà - những việc cần bảo tồn cho sự sống là chính. Hà Xuân Phong thường hay bị sốt rét. Lúc sốt, anh rên hừ hừ, dáng lừ đừ, ai hỏi gì cũng lắc đầu. Nhưng sốt lui là anh làm rẫy, cõng gùi rất khỏe. Thường anh cõng 5, 6 ang, có lúc tới 6, 7 ang. Trên nóc gùi, anh cột theo giấy và bút vẽ. Khi dừng lại, ai cũng tranh thủ mắc võng nghỉ thì Hà Xuân Phong đem giấy mực ra phác thảo. Đó là cảnh một con dốc bị bom pháo làm sạt lở, cây cối xác xơ đang có những cô gái bé nhỏ cõng những quả đạn DKB cao vút qua đầu lầm lũi leo lên. Đó là một cô gái dân tộc, ngực để trần căng phồng địu con làm rẫy. Đó là một lớp học bình dân trong buôn nhỏ. Những anh bộ đội gặp các cô dân công tải đạn bên một con suối...

Vẽ trên những nẻo đường đánh giặc

Hà Xuân Phong vẽ rất nhiều đề tài nhưng theo tôi thành công nhất của anh là vẽ hình ảnh những bà mẹ, những em bé. Tay bút của anh như run rẩy, xúc động khi vẽ mảng tranh này. Có lẽ khi vẽ, anh chợt nhớ lại hình ảnh của mẹ anh ở vùng biển quận 3, Đà Nẵng nơi còn lố nhố bóng giặc. Anh xa mẹ đã lâu, chưa hẹn ngày về gặp mặt... Những em bé trong tranh của anh hồn nhiên mà trang nghiêm... Đó là những em bé giao liên, canh hầm bảo vệ cho cán bộ, bộ đội, ta vẫn gặp trên những nẻo đường đánh giặc. Một lần, vào mùa hè năm 1972, Hà Xuân Phong đi thực tế một đợt dài ở bắc Bình Định, khi về anh ì ạch mang một gùi tranh, khoe:

- Mình xuống đồng bằng, bắc Bình Định được mở, bà con mua cho mình nhiều giấy bút vẽ quá. Ở chiến khu lâu nay muốn vẽ cứ phải ngẫm đi ngẫm lại vẽ cái gì cho đáng, sợ thiếu giấy, cứ trông chờ miền Bắc gửi vào. Giờ mình "phang" đã tay.

Anh đặt gùi xuống, không kịp nghỉ ngơi, giở tranh ra cho chúng tôi xem: Này là các bà mẹ, này là các em bé, này là các cô các cậu du kích. Trên tấm ni-lông làm tăng trải ngay trên nền đất, Hà Xuân Phong mở một cuộc triển lãm tranh, anh em xem cứ trầm trồ khen...

Khoảng tháng 9-1973, Hà Xuân Phong đi công tác về thì gặp nhà thơ Tố Hữu vào Khu V. Nhà thơ đề nghị Ban Tuyên huấn Khu cho Phong ra Bắc triển lãm và chữa bệnh. Ngày ra đi, Phong mang một gùi to đầy tranh và bản thảo của chúng tôi gửi ra Bắc. Đến giữa năm 1974, anh lại vào. Anh nói anh vào nhanh vì nhớ anh em và nhớ cô Nhuận, người yêu của anh ở đoàn Dân ca Khu V mà họ vừa đính hôn. Lần này, sức khỏe của Hà Xuân Phong khá hơn. Bên cạnh một ba lô nặng thư, quà bánh cho anh em, anh mang theo một con chó. Trong bữa tiệc trà, anh em thúc anh lấy vợ, Hà Xuân Phong cười:

- Trước khi vô đây, một hôm đang đi trên đường phố Tràng Tiền, mình gặp một bà cụ lạ lắm, mắt sáng quắc, da đỏ au, tự nhiên ngó mình chăm chăm rồi nói: "Cậu không bao giờ lấy vợ đâu". Có lẽ mình và cô ấy rồi sẽ trục trặc đây...

Nói xong, anh cười. Anh đi thăm nàng vài ngày rồi về chuẩn bị giấy, bút, gạo để tham gia chiến dịch Nông Sơn và Thượng Đức. Trước khi đi, anh nói với anh em:

- Đêm qua, chó của mình vừa đẻ 7 con. Nó đẻ nhiều thì chủ dễ chết lắm. Mình đi chiến dịch có gì thì mấy ông giữ tranh và chăm sóc Nhuận hộ.

Nhưng Hà Xuân Phong không hy sinh ở chiến dịch Nông Sơn và Thượng Đức. Anh trở về vui vẻ, mang theo một cặp tranh vẽ về cảnh chiến đấu của bộ đội, cảnh bà con phá rã khu dồn về làng, cảnh những con thuyền đưa bộ đội qua sông Vu Gia. Lại những bà mẹ bỏm bẻm nhai trầu và những cậu bé chăn trâu ngoan hiền. Nhưng cái chết rình rập anh ở một con đường khác... Vào một ngày đông năm 1974, nước lũ lớn gào thét trên dòng sông Trà Nô, Ban Tuyên huấn Khu ủy có cuộc họp liên tịch giữa Đảng và Công đoàn bàn về đời sống cán bộ nhân viên. Ban Tuyên huấn ở bên kia sông. Nhà văn Cao Duy Thảo, chi ủy viên và họa sĩ Hà Xuân Phong phụ trách công đoàn phải qua sông để họp. Chúng tôi dàn hàng ngang bên này sông, tiễn hai người qua sông. Hà Xuân Phong cười: "Tớ là dân biển mà lo gì. Có lo là lo cho thằng Thảo đấy".

Họp xong, Ban cấp đường sữa cho anh em văn nghệ, phóng viên bồi dưỡng sau những đợt tham gia chiến dịch dài. Trưa hôm đó, Hà Xuân Phong và Cao Duy Thảo được anh em ở đội thuyền của Ban Tuyên huấn đưa về bên này sông. Nước lũ lớn đổ đột ngột dội ầm ầm. Chiếc thuyền nhỏ bị lật. Hà Xuân Phong nói to:

- Các cậu cứu anh Thảo. Tớ sẽ tự lo.

Nói xong, Hà Xuân Phong ôm cái gùi đựng đường sữa lao giữa những con sóng lớn. Mọi người lo cứu Cao Duy Thảo, đưa qua sông. Sau đó, anh em mới chạy đi tìm xem Phong lên bờ chưa nhưng không thấy đâu cả. Anh em đội thuyền cùng chúng tôi chạy dọc hai bờ sông hú gọi, vẫn không thấy bóng dáng của Phong. Cả ngày hôm sau, nước vẫn còn lớn, chúng tôi lại chia nhau từng tốp đi dọc hai bờ sông tìm Phong nhưng vô hiệu. Tới ngày thứ ba, chúng tôi quyết định tổ chức truy điệu anh thì có một người ở chỗ sản xuất cơ quan bạn đến báo đã thấy xác anh tấp vào một con lạch. Chúng tôi đến nơi, thấy thi thể anh bị móc ở giữa những rễ cây, đùi tím bầm. Có lẽ khi bơi, anh bị nước xô vào đá, chân bị dập nên mất sức. Chúng tôi chôn Hà Xuân Phong trên một ngọn đồi gần cầu Bà Huỳnh. Con chó của anh đã bỏ cả đàn con, chạy dọc theo bờ sông rồi ra mồ anh nằm gác chân lên mồ tru thảm thiết. Chúng tôi đưa nó về, nó lại chạy trở ra mồ, cứ tru mãi suốt cả tuần, làm lòng dạ chúng tôi đau đớn khôn nguôi...

Thanh Quế