Báo Công An Đà Nẵng

Với "nỗi nhớ màu xanh"

Thứ hai, 17/11/2014 11:43

(Cadn.com.vn) - Sau năm 1975, sách báo còn rất hiếm. Biết tôi yêu thơ và đang tập tò làm thơ, người bạn cùng lớp tặng cho tôi một tập thơ... rách bìa. Nhờ những thông tin trên trang in, tôi biết đó là tập thơ "Nỗi nhớ màu xanh" của nhà thơ Lưu Trùng Dương. Tôi mang sách về dùng giấy cắt dán làm bìa và loay hoay vẽ tên cho sách, viết tên tác giả và hình như còn vẽ vài hình cỏ hoa để trang trí nữa.

Thời điểm đó rất ít sách nên có những quyển tôi đọc đến cả chục lần. "Nỗi nhớ màu xanh" như bóng cây che mát một khoảng hồn tôi với màu xanh bất tận. Năm vào lớp 10, mặc dù là học sinh lớp chuyên toán, nhưng các thầy cô thấy tôi có giải thưởng thơ của báo chí trước đó và điểm văn cũng rất cao nên chọn tôi đi thi để xếp loại vào đội tuyển văn của trường. Đề thi ra đơn giản  nhưng rất mở là cảm tưởng về một bài thơ mà em thích. Mặc dù thuộc rất nhiều thơ, nhưng lúc đó tôi lại nhớ ngay đến bài thơ "Hành quân qua nhà" trong tập thơ "Nỗi nhớ màu xanh" của Lưu Trùng Dương. Có lẽ là do tôi mới thuộc bài thơ này, hay là hình ảnh "chú bộ đội" của những năm đầu sau giải phóng đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp và sâu đậm. Lúc đó, tôi chỉ phân tích bài thơ và nêu lên cảm nghĩ của mình mà không biết gì về tác giả để nói.

Nhà thơ Lưu Trùng Dương.

Hình ảnh người chiến sĩ trong bài thơ là hình ảnh của một mẫu người lý tưởng, biết gác tình riêng để lo cho mục đích chung. Người chiến sĩ ấy có tinh thần tự giác và tính kỷ luật rất cao, vì đi ngang qua ngõ nhà mình cũng không tách khỏi đội ngũ để tạt vào thăm dù chỉ một phút. Điều này anh ta có thể làm được và đồng đội chắc cũng sẽ thông cảm. Bởi con đường tiến lên phía trước chưa biết ngày trở lại và cũng có thể là không bao giờ trở lại... Trong suy nghĩ, người chiến sĩ ấy thấy mình như giọt máu đang hòa chảy giữa dòng huyết quản của dân tộc. Giọt máu ấy chỉ có thể chảy mà không thể đọng, vì sự sống chính là sự tồn vong Tổ quốc. Lời cuối của bài thơ là lời thì thầm nhưng mang tính khẳng định, không bi lụy và cũng không nghẹn ngào, mà quả cảm hào hùng, dù đang hành quân giữa đêm đông buốt giá...

"Đêm đông lạnh hành quân qua trước ngõ

Anh định dừng một phút ghé thăm em

Nhưng đoàn quân băng băng như nước lũ

Đi giữa dòng anh không muốn tách riêng.

Như giọt máu không thể nào đọng lại

Khi ngày đêm huyết quản chảy không ngừng

Anh không muốn rời hàng rớt lại

Khi ngọn cờ đã chỉ hướng xung phong".

                (Hành quân qua nhà)

Chính cái chất lý tưởng của anh bộ đội cụ Hồ trong bài thơ Hành quân qua nhà mà tôi yêu mến tác giả của bài thơ. Mãi một thời gian sau tôi mới biết ông là người đồng hương xứ Quảng, nên càng thấy yêu mến và tự hào về ông hơn. Qua quá trình tham gia hoạt động văn nghệ, có điều kiện tìm hiểu tôi càng thêm thú vị khi biết ông còn được gắn cho danh xưng là "nhà thơ của anh bộ đội Cụ Hồ". Thời kỳ Quảng Nam-Đà Nẵng xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh, ông đã đưa thực tế cuộc sống đang diễn ra ngồn ngộn vào trong thơ của mình qua việc viết về những con người đang ngày đêm chung tay xây dựng lại quê hương sau những mất mát và điêu tàn do chiến tranh để lại.

Thanh niên tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh thuộc đủ loại thành phần, có những người trước đó từng là các tay giang hồ khét tiếng. Tôi nhớ, trong một lần đóng trại thanh niên toàn tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng biểu dương các gương lao động tiên tiến điển hình, có bài thơ của Lưu Trùng Dương ngợi ca "một tay anh chị" lao động giỏi. Bài thơ này, thời điểm đó đi đâu cũng nghe người ta đọc. Sau hơn 35 năm, tôi vẫn còn nhớ đoạn viết về cuộc đời của "tay anh chị" đó: "Vâng ngày xưa tôi từng là tướng cướp/ Từng là một thứ bụi đời/ Ven bờ bụi, dọc vỉa hè sống lang thang vất vưởng/ Cuộc sống chà đạp tôi, tôi hận thù cuộc sống/ Bị đời khinh rẻ, tôi khinh rẻ cuộc đời/ Tôi chẳng cần địa vị/ Tôi chẳng thiết tình yêu/ Chỉ có luật thú rừng làm đạo lý/ Tôi đâm chém tưởng chừng không suy nghĩ...". Những năm đầu sau giải phòng, thơ viết kiểu này quả thật nghe rất lạ. Chính Lưu Trùng Lương đã gieo cái sự lạ đó vào trong lòng bạn đọc để nhiều người còn nhớ mãi đến ông...

Bây giờ, tôi nhớ ông với "Nỗi nhớ màu xanh" của thời học trò năm đầu học cấp ba. Màu xanh ấy vẫn vẹn nguyên những tình cảm tốt đẹp dành cho một người thơ mà tôi trân trọng và yêu mến.

Mai Hữu Phước