Báo Công An Đà Nẵng

Voi rừng "đại náo" bản Cao Vều

Thứ sáu, 28/03/2014 10:44

(Cadn.com.vn) - Cứ mỗi độ tháng 3 về, người dân bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, H.Anh Sơn (Nghệ An) lại nơm nớp lo sợ vì voi rừng có thể xuất hiện và tấn công người bất cứ lúc nào.

Còn nhớ, cuối năm 2006, một đàn voi rừng gồm 5 con tràn về Bãi Lim (xã Phúc Sơn) phá hoại hoa màu của bà con và quật đổ ngôi nhà của anh Trần Văn Đường, tấn công anh Nguyễn Hữu Thân khiến anh Thân bị gãy xương. Nạn nhân của voi rừng không phải chỉ là người trong bản mà còn ở giữa rừng. Năm 2011, khi đang ngủ trong lán ở  khu vực rừng Bãi Cồi (bản Cao Vều), anh Vi Văn Sinh (41 tuổi, ở xã Lục Dạ, H.Con Cuông) và 2 người khác phát hiện có tiếng động lạ. Tưởng là trâu bò đến phá lán, anh Sinh và mọi người dậy đuổi thì bị những con voi rừng quật, 2 người chạy thoát, riêng anh Sinh bị voi giẫm chết. Tháng 4- 2013, đàn voi về khu vực Khe Ráy, xã Phúc Sơn, đã quật chết anh Lương Văn May (1982, ở xã Tam Thái, H.Tương Dương), một phu gỗ đang đi bắt cá dưới khe.

Việc các đàn voi thường xuyên ra khỏi rừng, phá hoại hoa màu, rừng trồng và thậm chí là tấn công người dân là tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do thiếu thức ăn, thiếu muối nên chúng phải đi tìm. Ngoài ra, do nơi cư trú, sinh cảnh sống của voi bị con người tác động quá nhiều... khiến chúng phải tìm đến các khu dân cư để tìm thức ăn.

Đàn voi rừng tàn phá ruộng mía tại bản Cao Vều ngày 6- 3.

Mới đây nhất, 3 giờ sáng ngày 6- 3, một đàn voi 6 con đã bất ngờ xuống núi, càn phá bãi mía của người dân tại bản Cao Vều 4, xã Phúc Sơn. Người dân, kiểm lâm đốt lửa, đánh trống, đánh chiêng để xua đuổi nhưng chúng ở lì 1 ngày 1 đêm, phá nát 10 ha mía trước khi bỏ về rừng.

Sáng 24- 3, gia đình chị Hà Thị Đạt, trú bản Cao Vều 3 đang cố thu hoạch những gì còn sót lại sau khi đàn voi bỏ đi. "Trong 8 sào mía gần thu hoạch của gia đình chúng tôi thì voi phá mất 5 sào rồi chú ơi. Ngoài số ăn, chúng còn giẫm nát hết. Giờ chúng tôi phải mót mía sau voi đây" chị Đạt rưng rưng nước mắt. Theo chị Đạt kể, rạng sáng ngày 6- 3, khi nghe điện báo voi rừng về, dường như mọi người dân ở Cao Vều 3 đều thức giấc để tham gia đuổi voi. Nhưng, đàn voi 6 con gồm: 1 con voi mẹ, 1 voi đực, 1 con trưởng thành và 3 voi con này cứ như "điếc không sợ súng", tung tăng ăn mía.

Sau hơn 1 ngày đêm tham gia đuổi voi bằng các phương pháp thủ công, thậm chí ném mìn tạo tiếng nổ nhưng không thành, người dân đành phó mặc. Nạn nhân thiệt hại nặng nhất trong đợt voi dày này là gia đình ông bà Lương Văn Tình (71 tuổi) và Hà Thị Hiển (68 tuổi), trú bản Cao Vều 3. "Thấy voi tàn phá hoa màu, nhưng đành bất lực đứng nhìn. Gia đình tui có 13 sào mía đang chờ lệnh thu hoạch thì đã bị voi tàn phá mất 8 sào. 30 triệu đồng vay của nhà máy đường để chăm bón, không biết đến khi nào mới trả được đây?", bà Hiển ngậm ngùi. Gia đình ông Lô Văn Bình cũng thiệt hại không kém khi bị voi phá mất 8/10 sào.

Người dân Cao Vều bất lực nhìn voi tàn phá ruộng mía.

Theo ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, trước đây, các hộ gia đình ở Cao Vều chuyên trồng các loại cây hoa màu như: khoai, sắn, ngô, lạc... nhưng đói nghèo vẫn hoàn nghèo đói. Tháng 2- 2013, nhà máy đường Sông Con (H.Tân Kỳ) vận động dân trồng mía để cung cấp cho nhà máy. Ngoài cung cấp giống, nhà máy còn cho mỗi gia đình vay 30 triệu đồng để mua phân bón, thuê nhân công. Mùa đầu tiên lời lãi đâu chưa thấy thì đã bị voi phá sạch. Trước những thiệt hại của người dân, lãnh đạo xã Phúc Sơn có đề nghị UBND H.Anh Sơn có biện pháp hỗ trợ, nhưng trên huyện lại chỉ đạo xuống xã: "trích nguồn dự phòng ngân sách của xã để hỗ trợ". Nhưng theo lời ông Minh thì xã làm gì có... nguồn!

Được biết, hiện ở Nghệ An có khoảng 13 - 17 con voi, sinh sống làm 3 đàn ở 3 khu vực khác nhau. Đàn voi thường xuyên về quấy rối người dân Cao Vều là đàn voi sinh sống ở vùng đệm của Vườn quốc gia Pù Mát, thường xuyên di chuyển từ H.Thanh Chương, vùng Thượng Lào và H.Anh Sơn. Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Anh Sơn, đàn voi này đã có mặt khoảng 20 năm nay. Thức ăn ưa thích của voi là nứa, giang, chuối... Ngoài bìa rừng thường có nhiều loại thức ăn này nên voi thương ra kiếm ăn. Voi là con vật rất thông minh, và cũng rất sợ người. Voi tấn công người cũng chỉ vì tự vệ mà thôi. Con người nên có cách nhìn nhận đúng về voi, để từ đó có phương án bảo vệ voi, bảo vệ tài sản và tính mạng.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, dự án bảo tồn voi khẩn cấp từ 2013 đến 2020 đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt nhằm giải quyết xung đột giữa voi và cư dân sống ven rừng. Theo đó, dự án sẽ tập trung nghiên cứu về đặc điểm, môi trường sống, bảo tồn, giám sát voi; tuyên truyền cho người dân hiểu biết về đặc tính của voi và bảo vệ voi, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân; tạo rãnh ngăn voi không ra khỏi rừng... Kinh phí thực hiện dự án trong 2 năm 2014-2015 là 30 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay tỉnh mới "rót" xuống 300 triệu đồng. "Số tiền này chỉ mới bằng 1/7 chi phí cho việc viết dự án, nên để thực hiện dự án là rất khó khăn", ông Nhàn nói.

Nỗi ám ảnh voi rừng vẫn bao phủ lên cuộc sống của người dân Cao Vều, và các giải pháp bảo vệ voi, bảo vệ tài sản cũng như tính mạng con người xem ra vẫn còn loay hoay khi dự án bảo tồn voi vẫn chưa nằm trên giấy. 

 Xuân Sơn