Báo Công An Đà Nẵng

Vội vàng trong việc trùng tu Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong

Thứ bảy, 21/01/2017 12:53

(Cadn.com.vn) - Khi công trình trùng tu, cải tạo Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (còn gọi là bia Quốc học) bước vào giai đoạn hoàn tất đã gặp phải nhiều dư luận phản đối bởi nhiều chi tiết trùng tu bị “biến dạng”. Ngày 20-1, ông Nguyễn Văn Thành- Chủ tịch UBND TP Huế có kết luận, yêu cầu các đơn vị phải có một số điều chỉnh, thay thế cho phù hợp.

Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong  trước khi trùng tu.

Nhà nghiên cứu, người dân đều bức xúc

Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, tọa lạc trước mặt Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, thuộc bờ Nam sông Hương. Công trình được xây dựng vào năm 1920 để tưởng niệm những người đã vong thân trong Thế chiến I. Qua thời gian, công trình xuống cấp nghiêm trọng và cuối tháng 11-2016 được phê duyệt trùng tu với kinh phí gần 2,5 tỷ đồng do Công viên cây xanh TT-Huế làm chủ đầu tư. Đến đầu tháng 1-2016, các hạng mục trùng tu đã gần như hoàn thành. Tuy nhiên, khi Đài tưởng niệm được sơn màu vàng khiến nhiều chi tiết trong hệ thống hoa văn trang trí bị bóc đi và làm mới đã khiến các nhà nghiên cứu và dư luận bức xúc, lên tiếng. Ông Nguyễn Xuân Hoa -nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh TT-Huế cho rằng, trước khi trùng tu công trình, đáng lý UBND thành phố nên tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, các đơn vị liên quan thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng bia Quốc học sơn màu lòe loẹt, biến dạng như hiện nay. Đằng này, sau khi công trình hoàn thành, dư luận lên tiếng thì UBND TP. Huế mới tổ chức cuộc họp, mời các nhà nghiên cứu đến góp ý. Một số ý kiến cho rằng, đây là “cách làm ngược”, hơi vội vàng mà các đơn vị trùng tu nên rút kinh nghiệm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo đơn vị tư vấn, thi công khôi phục biểu tượng kinh thánh do ông Tôn Thất Sa thiết kế và cần nêu rõ lai lịch, danh sách và khắc tên tuổi các binh sĩ vì “đó là biểu tượng rất đẹp với các họa tiết độc đáo, cần khôi phục, gìn giữ”.“Tông màu vàng của công trình trùng tu hiện nay chưa thật sự phù hợp, gây phản cảm nên cần thay đổi”-ông Hoa nói.

Còn theo TS Trần Đình Hằng, Viện phó Nghệ thuật Việt Nam tại Huế thì các họa tiết hoa văn trên công trình mới là quan trọng. Thế nhưng sau khi trùng tu, các họa tiết như bức tranh do ông Tôn Thất Sa thiết kế đã bị đơn vị thi công bóc tách hết. Ông Nguyễn Văn Tuấn (trú TP Huế) cho biết, bia Quốc học trước khi được trùng tu trông rất cổ kính, là một trong những biểu tượng của văn hóa truyền thống Huế, văn hóa Việt. Nhưng sau khi được trùng tu, công trình có màu sắc khác thường, không còn giống với màu sắc nguyên bản. “Màu sắc bia Quốc học hiện quá lòe loẹt, phản cảm, không còn nét cổ kính đã trở thành biểu tượng của văn hóa Huế”-ông Tuấn nói. Nhiều người dân ở TP Huế cho biết, ngoài việc bia Quốc học có màu sắc lòe loẹt, việc trùng tu cũng đã làm biến dạng công trình. Bia đã bị cạo hết những hoa văn trang trí rất tinh tế.

Và sau khi trùng tu đã khiến dư luận bức xúc, lên tiếng

Sẽ điều chỉnh  cho phù hợp

Ngày 20-1, UBND TP Huế đã có kết luận chính thức của Chủ tịch UBND TP Huế tại buổi thảo luận, nghe ý kiến về việc trùng tu, cải tạo Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Sau khi tiếp thu ý kiến của các đơn vị liên quan và đặc biệt là các nhà văn hóa, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế yêu cầu, về màu sắc là đúng theo màu gốc nhưng cần có điều chỉnh về gam màu cho phù hợp. Việc xác định màu sắc qua ảnh chụp, nhất là các ảnh được chụp lại từ các ảnh gốc... khó có thể chính xác nên ghi nhận phương pháp xác định màu thực tế từ hiện trạng như ý kiến của đơn vị tư vấn và một số nhà nghiên cứu. Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và tư vấn Giám sát phải làm mẫu màu để lựa chọn thông qua hội đồng do thành phố chỉ định để lựa chọn, được thực hiện trong tháng 2-2017.

Bên cạnh đó, một số chi tiết, họa tiết, hoa văn trang trí như: đắp nổi họa tiết hình lá quanh họa tiết gốm ở trụ lan can đã bị hư hỏng hoàn toàn do thời gian nhưng đơn vị thi công đã thực hiện không đảm bảo độ chính xác và chất lượng như nguyên mẫu gốc. Các chi tiết này cần phải được chỉnh sửa, thay thế sau Tết Nguyên đán 2017. “Đây là công trình chưa được công nhận là di tích, nhưng rất có giá trị về lịch sử, giá trị kiến trúc - nghệ thuật, văn hóa. Do vậy cần được ứng xử như một công trình di tích. Chủ đầu tư phải lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, có năng lực phù hợp với công trình văn hóa di tích để khảo sát, lập thiết kế - dự toán công trình. Các đơn vị phải khảo sát, đánh giá kỹ về hiện trạng, chất lượng còn lại của từng cấu kiện, chi tiết, hoa văn trang trí; từ đó đưa ra phương án thiết kế, trùng tu, tôn tạo, gia cố sửa chữa hợp lý và đảm bảo nguyên tắc theo đúng nguyên mẫu. Chú ý xử lý triệt để chống nứt, gãy ở phần móng tường, nền nhà bia; chú ý xử lý phần chân móng tiếp giáp với nền hiện trạng. Màu sắc từng chi tiết phải xử lý sao cho hài hòa, hợp lý đối với công trình cổ...”- ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế khẳng định.

H.Lan