Vòng loại thứ 3 World Cup 2022: Tuyển Việt Nam khó khăn giành quyền đá sân nhà
Với màn trình diễn ấn tượng ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, thầy trò HLV Park Hang Seo đã có vé đi đến vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup. Theo lịch thi đấu do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) ấn định, từ 2-9, tuyển Việt Nam sẽ bắt đầu chinh phục giấc mơ ra biển lớn. Tuy vậy, đến lúc này, rất nhiều khó khăn đang bủa vây những người làm bóng đá nước nhà do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc tổ chức các trận đấu của Quang Hải và các đồng đội trên sân nhà Mỹ Đình.
Nếu không thể thi đấu trên sân nhà Mỹ Đình, tuyển Việt Nam sẽ chịu nhiều thiệt thòi. |
Nhiều đội bóng cũng gặp khó Không riêng gì tuyển Việt Nam, với sự tác động của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, nhiều đội bóng là đối thủ của tuyển Việt Nam ở bảng B cũng gặp muôn vàn khó khăn. Hiện, chỉ mới có Ả rập Xê út xác nhận rằng họ có thể tổ chức trận đấu trên sân nhà tại thủ đô Riyadh thì các đội bóng bóng còn lại như Trung Quốc, Oman, Australia cũng đang trong “cuộc chiến” cam go với dịch bệnh. Nếu Oman vẫn đang chờ đợi tình hình để quyết định thì hành trình giành quyền đá sân nhà của Australia còn gian nan hơn Việt Nam. Mới đây, xứ sở chuột túi đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch trong đó yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly ít nhất 14 ngày. Trong khi đó, Trung Quốc đã dứt khoác rằng họ không có ý định tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế ở đại lục, cho tới thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh vào năm 2022. Macau đang là sự lựa chọn mà liên đoàn bóng đá nước này cân nhắc. Cùng với đó, Nhật Bản cũng đã bắt đầu nghĩ về sân trung lập. |
Cần cơ chế đặc biệt
Kết quả bốc thăm vòng loại thứ 3 đưa thầy trò HLV Park Hang Seo vào bảng B với sự góp mặt của các đối thủ: Nhật Bản, Oman, Australia, Ả rập Xê út và Trung Quốc. Các đội sẽ đá vòng tròn 2 lượt theo thể thức sân nhà- sân khách, 2 đội đứng đầu sẽ có vé đi thẳng đến Qatar còn đội xếp thứ 3 sẽ đá play-off. Với cách thức thi đấu này, tuyển Việt Nam sẽ được đá ít nhất 5 trận đấu trên sân nhà Mỹ Đình.
Tuy vậy, để tổ chức các trận đấu thành công tại Việt Nam trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh là điều không đơn giản. Mới đây, AFC đã gửi “tối hậu thư” cho các đội bóng về những quy định khi tổ chức các trận đấu. Theo đó, ngoài những yêu cầu về sân thi đấu và sân tập luyện phải đạt chuẩn, địa điểm thi đấu phải cách sân bay quốc tế không quá 40 km và phải có khách sạn 5 sao; AFC còn bắt buộc các cầu thủ phải tuân thủ quy tắc “bong bóng”, không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Nếu những vấn đề về khách sạn, sân tập, sân bay, Việt Nam đáp ứng được thì nguyên tắc “bong bóng” lại là câu chuyện cần cân nhắc. Nguyên tắc này có thể nói là đã “việt vị” với quy định phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam. Bởi, AFC yêu cầu các cầu thủ khi nhập cảnh sẽ cách ly không quá 2 ngày, trong khi Việt Nam đang áp dụng biện pháp cách ly ít nhất 7 ngày đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng dịch COVID-19.
Chưa kể đến, nếu việc cách ly 7 ngày, thậm chí nhiều hơn vẫn áp dụng với thầy trò HLV Park Hang Seo như đã từng áp dụng sau khi họ trở về từ UAE sau vòng loại thứ 2, thì tuyển Việt Nam hoàn toàn không đủ thời gian để thi đấu như lịch đã được ấn định. Cụ thể, ngày 2-9, Việt Nam đá với Ả rập Xê út trên sân khách sau đó bay về Hà Nội thi đấu với Australia vào ngày 7-9.
Trước những khó khăn này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã gửi công văn lên Tổng cục Thể dục thể thao xin phép được tổ chức các trận đấu tại sân Mỹ Đình, cùng cơ chế đặc biệt trong thời kỳ dịch COVID-19. Tổng cục Thể dục Thể Thao sẽ gửi công văn tới Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch để trình Thủ tướng Chính phủ, xin phép tổ chức thi đấu các trận sân nhà của đội tuyển Việt Nam.
Thiệt thòi lớn nếu không đá ở Mỹ Đình
Chắc chắn, trước những đề xuất của VFF, Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng về những mặt lợi, mặt hại để đi đến quyết định cuối cùng. Nếu không thể tổ chức các trận đấu trên sân Mỹ Đình, Việt Nam bắt buộc phải thuê địa điểm thi đấu ở một quốc gia khác. Điều này đương nhiên sẽ kéo theo những thiệt thòi nhất định.
Ngoài vấn đề tốn kém tài chính, điều đáng nói hơn cả đó là thiệt thòi lớn với người hâm mộ và cả đội tuyển Việt Nam. Cần biết, các đối thủ ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đều là những “hòn đá tảng” ở khu vực châu Á. Việt Nam tham dự vòng đấu này với mục tiêu cọ xát và mơ về một phép màu để có thể ra biển lớn. Để có cơ sở làm được điều đó, thầy trò HLV Park Hang Seo rất cần sự tiếp lửa từ người hâm mộ.
Nếu đá trên sân Mỹ Đình, khán giả được vào sân, tuyển Việt Nam đương nhiên sẽ thi đấu hưng phấn, quyết tâm hơn nhờ sự cuồng nhiệt của cầu thủ thứ 13. Nhìn vào thành tích của thầy trò HLV Park Hang Seo những năm qua cũng thấy, chính tình yêu bóng đá, sự cuồng nhiệt của khán giả nhà là bệ phóng để các cấp độ đội tuyển Việt Nam chinh phục những đỉnh cao vinh quang.
Tuy nhiên, nếu trường hợp được đá trên sân nhà nhưng khán giả không được vào sân thì coi như lợi thế này cũng mất đi. Đá bóng mà không có khán giả vào sân thì sân nhà cũng như sân khách. Trường hợp xấu nhất, bắt buộc Việt Nam phải đá sân trung lập, AFF cũng nên xem xét, đề xuất địa điểm nào mà đông đảo kiều bào ở nước ngoài có thể tiếp sức cho thầy trò HLV Park Hang Seo nhất có thể để Những chiến binh Sao vàng thi đấu dưới sân không cảm thấy “cô đơn”.
AFC đưa ra hạn chót ngày 16-7 để chốt việc đăng ký tổ chức cho tuyển Việt Nam đá trên sân nhà. Hiện, người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đang hồi hộp đợi chờ kết quả cuối cùng.
Thành Danh