"Vòng quanh" bán đảo Sơn Trà
Bán đảo Sơn Trà có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của TP Đà Nẵng, chính vì vậy, luôn được các lực lượng liên ngành thường xuyên tuần tra, giám sát chặt chẽ. Nhưng hiện nay, vẫn còn tình trạng các đối tượng bằng nhiều cách thức khác nhau qua mắt lực lượng chức năng hòng bẫy bắt các loài động vật hoang dã trái phép tại đây.
Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ một bẫy lồng nằm sâu trong rừng Sơn Trà. |
Theo chân "biệt đội phá bẫy"
Vừa qua, chúng tôi cùng với lực lượng liên ngành gồm lực lượng Bảo vệ rừng, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tuần tra vào sâu trong rừng Sơn Trà.
Cùng đi với chúng tôi có kiểm lâm viên Nguyễn Hữu Vinh, người đã có thâm niên nhiều năm làm công tác tuần tra, bảo vệ rừng Sơn Trà. Anh Vinh cho biết, trong thời gian qua, lực lượng chức năng trong quá trình tuần tra đã phát hiện các loại bẫy như bẫy lồng, bẫy rút, bẫy kẹp,... Đây là những loại bẫy giá rẻ, rất dễ ngụy trang vào ba-lô để qua mắt các tổ kiểm tra. "Đối với loại bẫy rút chất liệu từ dây phanh xe đạp, các đối tượng sẽ thắt tròn, đặt lên 1 chiếc hố đã được đào sẵn, sau đó phủ lên một lớp lá khô ngụy trang, đầu còn lại sẽ được nối với một cành cây được uốn cong ven đường. Khi sập chân vào hố, sợi dây sẽ nhanh chóng thắt chặt vào chân con vật và bị cành cây treo ngược lên. Càng vùng vẫy, sợi dây sẽ càng siết chặt và con vật sẽ không có cơ hội để trốn thoát", anh Vinh chia sẻ.
Về cách thức hoạt động, các đối tượng thường lẫn vào dòng khách du lịch nên rất khó phát hiện. Khi tiếp cận được khu vực có động vật hoang dã thường xuất hiện, những người này sẽ sử dụng các loại bẫy khác nhau để đặt dọc cái tuyến đường ở sâu trong rừng. Khi đặt bẫy xong, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng sẽ xuống núi, đến cuối ngày mới quay lại "nghiệm thu" kết quả.
1.370 bẫy thú bị phát hiện
Chuyến hành trình của chúng tôi vào sâu trong rừng Sơn Trà tuy không phát hiện bất cứ một loại bẫy, cũng như các đối tượng đang thực hiện hành vi bẫy bắt động vật hoang dã nhưng với lực lượng liên ngành, từ những chuyến tuần tra như vậy đã góp phần vào công tác giám sát, ngăn ngừa những hành vi trái phép như trên.
Ông Trần Thắng - Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho hay, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp các cơ quan chức năng triển khai nhiều đợt kiểm tra, truy quét trong rừng, qua đó, đã hạn chế đáng kể tình trạng chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Mới nhất, ngày 10-6 vừa qua, Tổ công tác liên ngành trong quá trình tuần tra, giám sát kịp thời phát hiện và bắt quả tang đối tượng T.T.V (1981, nguyên quán tại tỉnh Thái Nguyên, hiện trú tại P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) khi người này chuẩn bị đưa các dụng cụ vào khu vực gần Miếu Đôi (tiểu khu 62, Sơn Trà) để bẫy bắt động vật hoang dã trái phép. Tại hiện trường, tổ công tác thu giữ 1 bẫy lồng và 2 bẫy kẹp, qua đó xử phạt đối tượng 500 nghìn đồng theo đúng quy định. Tuy chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng qua đó cho thấy, sự tinh vi của các đối tượng bẫy bắt động vật hoang dã là có thừa.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các lực lượng liên ngành thường xuyên tuần tra, kết hợp nhắc nhở người dân, du khách nâng cao ý thức bảo vệ các động, thực vật quý hiếm tại đây. Đồng thời, chủ động nắm bắt các nguồn tin từ nhân dân để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp bẫy bắt động vật trái phép... Với những giải pháp trên, chúng tôi quyết tâm bảo vệ tốt nhất các loài động, thực vật quý hiếm tại bán đảo Sơn Trà", ông Thắng nhấn mạnh.
Ngọc Quốc