Báo Công An Đà Nẵng

"Vòng xoáy bạo lực" cho Haiti

Thứ sáu, 09/07/2021 11:22

Vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise đang đẩy quốc gia nghèo khó Haiti rơi vào thảm cảnh và một tương lai bất định. Câu hỏi trước mắt đặt ra là ai sẽ tiếp quản Haiti? 

Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ xung quanh hiện trường vụ ám sát Tổng thống Haiti.  Ảnh: AFP

Cả thế giới chấn động khi Tổng thống Haiti Jovenel Moise, 53 tuổi, bị một nhóm người - được cho là lính đánh thuê nước ngoài - bắn chết tại nhà riêng ở thủ đô Port-Au-Prince vào rạng sáng 7-7 (giờ địa phương). Trong bối cảnh bất ổn triền miên, mâu thuẫn chính trị gay gắt, vụ ám sát này càng đẩy quốc gia nghèo khó Haiti rơi vào thảm cảnh. Nhưng ngay trước mắt là lổ hổng quyền lực lớn về người nắm quyền tiếp quản vì người lẽ ra sẽ tiếp quản vị trí tổng thống bỏ trống này lại vừa qua đời do bệnh COVID-19. 

Ai sẽ nắm quyền tiếp quản? 

Theo ông Jean Wilner Morin, chủ tịch Hiệp hội Thẩm phán Haiti, người đứng đầu Tòa án Tối cao thường sẽ là người được chọn làm tổng thống lâm thời. Tuy nhiên Chánh án Tòa án Tối cao Rene Sylvestre lại vừa mới qua đời cách đây không lâu vì COVID-19. Tang lễ của ông Sylvestre dự kiến được tổ chức vào ngày 7-7, nhưng sau khi Tổng thống Moise bị ám sát, hiện chưa rõ lễ tang sẽ được dời sang ngày nào.

Hiện tại, ông Claude Joseph đang đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng lâm thời và tiếp quản chính quyền một cách không chính thức. Để Thủ tướng lâm thời Joseph chính thức trở thành tổng thống lâm thời, ông cần được Quốc hội Haiti thông qua. Tuy nhiên do Quốc hội Haiti đã giải thể từ tháng 1-2020 (tất cả hạ nghị sĩ và 2/3 thượng nghị sĩ của nước này đã hết nhiệm kỳ) và các cuộc bầu cử mới chưa được tổ chức nên Haiti hiện không có quốc hội và do đó, theo Hiến pháp, ông Joseph chưa thể nắm quyền.

Theo ông Morin, trước đây Haiti từng có một tiền lệ vào năm 2015 - khi Chủ tịch Quốc hội tiếp quản vị trí tổng thống. Nhưng hiện tại Haiti không có Quốc hội hay Chủ tịch Quốc hội. Ông Morin cho biết người có khả năng tiếp quản chính quyền của Tổng thống Moise vừa bị ám sát có thể là lãnh đạo Thượng viện Joseph Lambert. Theo các nguồn tin, một ngày trước khi bị ám sát, Tổng thống Moise đã đề cử bác sĩ giải phẫu thần kinh Ariel Henry làm tân thủ tướng thay thế cho ông Joseph. Tuy nhiên, ông Joseph lập luận rằng, ông Henry mới chỉ được đề cử chứ chưa được bổ nhiệm chính thức, do đó chức vụ Thủ tướng Haiti vẫn thuộc về ông.

Thế kỷ chìm trong hỗn loạn và đau thương

Tổng thống Moise không phải là nạn nhân đầu tiên của bạo lực chính trị tại Haiti. Trên thực tế, vụ việc này lại kéo Haiti trở lại những ngày đen tối bất ổn, đảo chính, ám sát triền miên.

Năm 1915, sau khi tổng thống Vilbrun Guillaume Sam bị ám sát, Mỹ đưa quân vào Haiti. Các cuộc nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Mỹ nhanh chóng bị dập tắt. Năm 1934, Washington rút quân song vẫn duy trì ảnh hưởng kinh tế cũng như để lại các di sản chính trị tại quốc gia này. Đến giữa thế kỷ XX, Haiti bị cai trị bởi chế độ độc tài kiểu "cha truyền con nối". 

Đến năm 1990, trong bối cảnh bị bủa vây bởi tình trạng hỗn loạn và tham nhũng do chế độ của Tổng thống Jean-Claude Duvalier gây ra, Haiti tổ chức bầu cử tự do, đưa ông Jean-Bertrand Aristide lên nắm quyền tổng thống với khoảng 67% phiếu bầu. Nhưng chưa đến 1 năm sau, ông bị lật đổ sau một cuộc đảo chính quân sự và phải tới Venezuela lánh nạn. Mỹ can thiệp lật đổ chế độ quân sự, ông Aristide được đưa về nước và tiếp tục nắm quyền vào năm 1994. Năm 1996, người kế nhiệm của ông Aristide là Rene Preval lên nắm quyền, đánh dấu lần đầu tiên Haiti chuyển giao quyền lực suôn sẻ sau gần 200 năm tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, những nỗ lực đảo chính sau đó và cuộc bầu cử đầy tranh cãi đã đẩy Haiti tiếp tục lún sâu vào bất ổn chính trị.

Hỗn loạn gần đây nhất ở Haiti bắt nguồn từ những bất đồng khi Tổng thống Jovenel Moise nắm quyền bằng sắc lệnh (bỏ qua sự giám sát của quốc hội) trong hơn 1 năm, khi từ chối tổ chức bầu cử quốc hội vốn được lên lịch diễn ra vào tháng 1-2020.

Cảnh báo về vòng xoáy bất ổn, bạo lực

Haiti đang đối mặt với chia rẽ chính trị sâu sắc, khủng hoảng nhân đạo, tình trạng thiếu lương thực và đã có những lo ngại tình trạng hỗn loạn sẽ lan rộng. Bạo lực trên đường phố Haiti ngày càng tăng do tình trạng nghèo đói và bất ổn chính trị. Hàng nghìn người ở Port-au-Prince buộc phải di dời và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Haiti.

Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph đã ban bố tình trạng thiết quân luật trên khắp cả nước, dừng tất cả các chuyến bay ra khỏi Port-Au-Prince, biên giới Haiti sẽ bị đóng. Quân đội và Cảnh sát Quốc gia Haiti (HNP) được trao quyền để thực thi pháp luật. Ông Joseph công bố quyết định tổ chức cuộc họp hội đồng bộ trưởng bất thường để thảo luận về tình hình đất nước, đồng thời ông kêu gọi cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra về vụ ám sát và HĐBALHQ nhóm họp về tình hình tại Haiti trong thời gian sớm nhất có thể.

KHẢ ANH

Xuất hiện video ghi lại thời khắc Tổng thống Haiti bị ám sát

Ngày 8-7, những video đầu tiên ghi lại vụ ám sát Tổng thống Moise đã xuất hiện.

Một đoạn video cho thấy, vài kẻ tấn công với vũ khí lăm lăm trong tay đang di chuyển bên cạnh một người, dường như là vệ sĩ của ông Jovenel đã bị khống chế và đang nằm dưới đất. Truyền thông cho biết những kẻ tấn công giả làm nhân viên Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA), sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Creole của người Haiti khi tiếp cận tư dinh của Tổng thống Jovenel Moise. Những kẻ này đã tước vũ khí của các vệ sĩ và bắn chết Tổng thống Jovenel. Vụ ám sát này được cho là đã được lên kế hoạch và triển khai cẩn trọng.

-------------

Đệ nhất phu nhân được đưa đến Mỹ điều trị

Đệ nhất phu nhân Haiti được đưa đến Mỹ điều trị trong tình trạng nguy kịch.  Ảnh: Local 10

Trong vụ việc Tổng thống Jovenel Moise bị sám sát, người vợ 47 tuổi của tổng thống, bà Martine Moise, cũng bị nhiều vết thương do trúng đạn trong vụ tấn công.

Bà được đưa bằng máy bay trong tình trạng nguy kịch đến sân bay quốc tế Fort Lauderdale của bang Florida, Mỹ. Bản tin đài WPLG-TV cho biết, bà đến nơi lúc 15 giờ 30 phút hôm 7-7 (sáng 8-7, giờ Việt Nam). Sau đó, bà Martine được đưa đến bệnh viện Jackson Memorial ở Miami. Hiện tình trạng của vợ Tổng thống Haiti vẫn còn nguy hiểm. Bà Martine có nhiều vết thương do đạn bắn ở cánh tay, đùi, cùng với các vết thương khác nhưng nghiêm trọng là ở bụng và tay.