Báo Công An Đà Nẵng

Vụ 4 người ngộ độc sau bữa ăn: Khả năng do món cá chép làm chua

Thứ năm, 16/03/2023 08:34
Các nạn nhân vụ ngộ độc trên đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Miền núi phía Bắc Quảng Nam.

Theo đó, nguyên nhân ban đầu được xác định có khả năng vụ ngộ độc trên do các nạn nhân ăn phải món cá chua – món truyền thống của người đồng bào.

Ngay sau khi nhận thông tin từ Trung tâm Y tế (TTYT) H. Phước Sơn về vụ việc trên, Chi cục ATVSTP Quảng Nam đã chỉ đạo TTYT huyện nắm thông tin ban đầu, đồng thời tích cực khẩn trương phối hợp với Chi cục và các đơn vị có liên quan điều tra, xử lý vụ ngộ độc theo đúng quy định.

Theo đó, Chi cục ATVSTP Quảng Nam đã thành lập 2 Đoàn điều tra, giám sát và xử lý vụ ngộ độc thực phẩm. Một đoàn điều tra, giám sát và xử lý ngộ độc thực phẩm đã đến làm việc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Miền núi Phía Bắc Quảng Nam (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc); đoàn còn lại đến làm việc tại TTYT H. Phước Sơn.

Theo lời khai của những người cùng ăn, các thức ăn trong bữa ăn chung gồm: Thịt heo kho cá khô, cá chép làm chua (gia đình tự làm), canh cải nấu bí đỏ, mít luộc xào, cơm, canh rau lủi. Trong đó, 4 người bị ngộ độc thực phẩm trên đều ăn món cá chép làm chua vào trưa ngày 6-3, gồm: Nguyễn Thị Thông (1983, đã tử vong), Hồ Văn Tý (1995), Trương Thị Thương (1982) và Hồ Thị Điệp (1996). Cá chép được bà Hồ Thị Nhương (chủ nhà, người Giẻ Triêng) mua của người bán dạo trên địa bàn rồi về làm món cá chua truyền thống, muối trong thẩu; cá khô được dùng để chế biến thức ăn trong mâm cúng được mua tại một cơ sở tạp hóa, nguồn nước sử dụng để chế biến thức ăn là nước tự chảy. Đến khoảng 10 giờ ngày 7-3 thì xảy ra các triệu chứng ngộ độc.

Điều đáng nói, trước đó anh Hồ Văn Hát (29 tuổi, con trai bà Nhương) cũng đã ăn món cá chép làm chua gia đình tự làm và đã bị những triệu chứng giống như 4 trường hợp trên. Cụ thể, chiều 1-3, anh Hát ăn món cá chua trên thì đến sáng ngày 2-3 có triệu chứng nóng người, nôn mửa, đi cầu, chóng mặt, người lâng lâng. Bệnh nhân có đến TTYT H.Phước Sơn lúc 18 giờ ngày 2-3. Đến sáng 3-3, bệnh nhân về nhà. Sau đó triệu chứng nặng hơn, như: nghẹn họng, khó thở, nóng sốt, ăn trào ngược, hoa mắt nên ngày 4-3 bệnh nhân tự đến Bệnh viện Đa Khoa Khu vực Miền núi Phía Bắc Quảng Nam để điều trị. Hiện bệnh nhân vẫn còn điều trị tại bệnh viện.

Sau khi anh Hát nhập viện, người nhà bà Nhường cho rằng con trai bị “bệnh lạ” nên đã tổ chức lễ cúng trâu nhằm chữa bệnh. Tại lễ cúng trâu, gia đình đã mời một số người thân đến dự bữa cơm trong các ngày 6, 7-3. Tại đây, những người này cũng đã dùng món cá chua mà trước đó anh Hát đã ăn.

Trong quá trình điều tra, giám sát, xử lý ban đầu, Đoàn của Chi cục ATVSTP Quảng Nam đã tiến hành lấy mẫu cá chép làm chua (phần còn lại sau khi ăn, khối lượng 50gam). Đến sáng 15-3, Chi cục ATVSTP Quảng Nam đã tiến hành gửi mẫu cá chép làm chua vào Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm độc tố Clostridium Botulinum.

Trước tình hình trên, Chi cục ATVSTP Quảng Nam đề nghị Bệnh viện Đa khoa Khu vực Miền núi phía Bắc Quảng Nam tiếp tục quan tâm điều trị tích cực đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm trên; hỗ trợ, phối hợp cung cấp thêm thông tin về diễn biến tình hình sức khỏe của các bệnh nhân để đoàn kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên trong quá trình điều tra, xử lý. Chi cục ATVSTP Quảng Nam cũng đã chỉ đạo TTYT Phước Sơn tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác đảm bảo ATTP...

Hiện quá trình điều tra, giám sát và xử lý vụ ngộ độc thực phẩm trên vẫn đang được các ngành chức năng tiếp tục làm rõ.

Bão Bình