Báo Công An Đà Nẵng

Vụ 5 quân nhân tử nạn tại Quảng Nam: Dang dở những ước mơ

Thứ năm, 18/12/2014 11:10

(Cadn.com.vn) - Chiều 17-12, tại nhà tang lễ Quân khu 5, Lữ đoàn Công binh E83 - Quân chủng Hải quân đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu 5 quân nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ tại H. Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia; Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ quốc phòng đã gửi vòng hoa đến viếng.

Lễ truy điệu 5 quân nhân hy sinh tại Nhà tang lễ Quân khu 5.

5 quân nhân hy sinh gồm: Binh nhất Nguyễn Thế Vinh (1995, quê Thái Bình); Binh nhất Phạm Viết Sỹ (1995, quê Hà Tĩnh), Binh nhất Lưu Văn Cường (1992, quê Thái Bình); Trung sỹ Trương Văn Tú (1994, quê Nghệ An) và Hạ sỹ Lương Văn Toán (1988, quê Thanh Hóa). Lễ viếng kéo dài đến 21 giờ ngày 17-12; sau đó đã được thân nhân đưa về quê nhà.

Có mặt tại nhà Nhà tang lễ Quân khu V tối 17-12, nhìn những bức di ảnh được cắt vội với khuôn mặt trẻ măng, những lá cờ được phủ lên hàng dài linh cữu, đồng đội, người thân của 5 chiến sỹ hy sinh từng tốp, từng tốp tiến vào trong lặng lẽ. Trong những di ảnh trên, người lớn nhất cũng mới 26 tuổi, người trẻ nhất mới ở tuổi 19. Các anh đã hy sinh khi trong mình còn mang bao hoài bão, để lại cho gia đình, đồng đội bao tiếc nuối. Ông Nguyễn Văn Tự (Quỳnh Phụ, Thái Bình), bố của chiến sỹ Nguyễn Thế Vinh ngậm ngùi: “2 hôm trước Vinh gọi điện về cho mẹ hỏi thăm sức khỏe. Cháu kể rằng ở khu vực biên giới nơi mình đang làm đường mưa lạnh buồn lắm. Mẹ cháu động viên con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, chỉ còn vài tháng nữa ra quân sẽ về nhà”.

Mẹ Vinh bị ung thư cổ họng, khi cậu nhập ngũ, gia đình đã giấu thông tin bảo mẹ chỉ bị viêm họng. Mãi tháng 6 vừa rồi, sau khi mẹ phải lên Hà Nội xạ trị, bệnh tình nặng mới thông báo cho Vinh. Khi nghe tin con tử nạn, mẹ Vinh đã ngã khuỵ. Nhưng ông Tự bảo, điều lo nhất khi lên đường vào Đà Nẵng nhận thi thể con chính là sức khỏe của ông nội Vinh. Ông cụ năm nay đã 83 tuổi, rất thương Vinh, lại bị huyết áp cao, sợ rằng với tin đau buồn này cụ sẽ không vượt qua nổi. Cũng theo ông Tự, tính tình Vinh hòa đồng, hoạt bát nên bạn bè rất yêu quý. Sau khi học xong lớp 12, Vinh không thi đậu vào Đại học Công nghiệp Hà Nội, cậu muốn ở nhà ôn thi tiếp nhưng ông Tự là Phó bí thư xã đã động viên con trai lên đường nhập ngũ như bao thanh niên khác trong xã. Vinh bảo “con nghe lời bố”, sau khi ra quân, cậu ấp ủ dự định sẽ về học nghề điện tử để mở cửa hàng ở quê vì Vinh sửa đồ điện tử rất giỏi.

Cán bộ Lữ đoàn 83 thăm hỏi động viên thân nhân gia đình chiến sỹ tử nạn.

Không giấu được xúc động, anh Trương Văn Tuấn (Diễn Châu, Nghệ An) là anh ruột trung sỹ Trương Văn Tú chia sẻ, lúc 8 giờ tối 16-12, một người chị họ của Tú ở miền Nam lên Facebook đọc được dòng tin ngắn ngủi từ một đồng đội của Tú về vụ tai nạn tại Nam Giang. Người chị họ đã gọi điện báo cho gia đình Tú. Thời điểm đó anh Tuấn đang làm thuê ở Hà Tĩnh đã lập tức bắt xe đò vào Đà Nẵng dự lễ truy điệu và đưa linh cữu em trai về quê. Qua lời kể của anh Tuấn, tháng 12 âm lịch này Tú sẽ ra quân. Cậu dự định sẽ trở về quê ôn thi vào Đại học xây dựng vì ở gia đình ba Tú cũng làm chủ thầu xây dựng. Tú tâm sự những ngày trong quân ngũ cậu đã học tập được nhiều nhất là tính kỷ luật. Tính của Tú hiền lành, hơn 1 năm trước cậu từng thi đậu vào trường trung cấp xây dựng, nhưng đã gác lại việc học để nhập ngũ. “Giờ đây, ước mơ của Tú đã chấm dứt rồi”, anh Tuấn nói trong đôi mắt rớm lệ.

Những chiến sỹ tử nạn khi tuổi mới mười chín đôi mươi.

Bà Lê Thị Huệ (Nông Cống, Thanh Hóa) mẹ của chiến sĩ Lương Văn Toán, cho biết khoảng 1 tuần trước Toán có gọi điện về hỏi thăm gia đình cũng như kể công việc ở đơn vị. Gia đình Toán làm nông, khó khăn, lại có 4 anh em vì thế khi Toán đi bộ đội được lái xe, làm sỹ quan chuyên nghiệp gia đình mừng lắm. Khi gọi điện, bà Huệ cũng giục Toán lo chuyện vợ con vì dù sao cũng có nghề nghiệp ổn định rồi. Toán nói nửa đùa nửa thật bảo mẹ đừng lo, Tết này về con sẽ lấy vợ. Bà Huệ nghe cũng chỉ biết vậy, nào ngờ đùng đùng nhận được tin báo Toán hy sinh.

Các anh hy sinh, những hoài bão ước mơ ấy đành dang dở.

Trong khi những đồng đội người thân luyến tiếc tiễn đưa 5 chiến sĩ hy sinh, các chiến sĩ bị thương trong vụ tai nạn cũng đã được đưa về Bệnh viện Quân Y 17 tại Đà Nẵng để cứu chữa. Ca mổ cấp cứu lái xe Phan Huy Sơn  tiến hành vào lúc 0h ngày 17-12 và kéo dài 3 tiếng. Bệnh nhân Sơn đã hoàn toàn tỉnh táo và sức khỏe tiến triển tốt. Riêng binh nhất Trần Việt Tú bị chấn thương đầu cũng đã được điều trị tích cực, đến nay đã ăn cơm được. 15 giờ ngày 17-12, hai bệnh nhân là trung úy Lê Khắc Hiếu, chiến sĩ Nguyễn Đức Nam cũng đã được đưa từ bệnh xá quân dân y Đoàn 207 nhập viện Bệnh viện QY 17. Trung tướng Lê Chiêm, UVT.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 5 và Thiếu tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu sáng 17-12 đã trực tiếp đến khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện QY 17 thăm hỏi hai bệnh nhân Trần Việt Tú và Phan Huy Sơn.

Hải Quỳnh- Hồng Vân