Báo Công An Đà Nẵng

Vụ án George Floyd bị ghì chết: Chauvin bị kết tội - “bước ngoặt” của nước Mỹ?

Thứ năm, 22/04/2021 07:12

Sau phiên tòa căng thẳng kéo dài 3 tuần tại Minneapolis, một bồi thẩm đoàn Mỹ ngày 20-4 (giờ địa phương) đã ra phán quyết là cựu cảnh sát Derek Chauvin phạm tội giết người trong cái chết của George Floyd, người Mỹ gốc Phi, trên đường phố Minneapolis vào năm 2020.

Cựu cảnh sát Derek Chauvin bị còng tay dẫn đi sau khi có phán quyết. Ảnh: Reuters

Người dân vui mừng đến rơi nước mắt bên ngoài tòa án sau khi phán quyết được công bố.

Cựu cảnh sát Derek Chauvin, 45 tuổi, được các nhân chứng quay cảnh quỳ lên cổ ông Floyd hơn 9 phút, trong lần ông Floyd bị bắt vào tháng 5-2020. Đoạn phim được lan truyền đã làm dấy lên các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và dùng vũ lực quá mức của cảnh sát, khiến cả nước Mỹ chìm trong bạo loạn suốt nhiều tháng trong năm 2020.

Kết án 3 tội danh

Chauvin bị kết tội cho cả ba tội danh: giết người cấp độ hai, giết người cấp độ ba và ngộ sát. Ông Chauvin sẽ bị giam giữ cho đến khi bị kết án và có thể ngồi tù hàng chục năm.

Tất cả 12 thành viên của bồi thẩm đoàn phải nhất trí đồng ý với phán quyết, và được thông báo rằng họ không thể về nhà cho đến khi đưa ra quyết định. Phán quyết đã được hoan nghênh. Ngay bên ngoài tòa án, hàng trăm người hò reo khi kết quả được công bố. Luật sư của gia đình George Floyd, Ben Crump, nói rằng, phán quyết đánh dấu “bước ngoặt lịch sử” với nước Mỹ. Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã gọi điện cho gia đình Floyd ngay sau phán quyết. “Chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn thế nữa. Đây sẽ là phát súng đầu tiên trong việc đối phó với nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống”, BBC dẫn lời Tổng thống Biden nhấn mạnh. Và trong bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc sau đó, ông Biden nói: “Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống là một vết nhơ trong tâm hồn cả dân tộc”. Tổng thống Biden nêu rõ đây là thời điểm nước Mỹ phải sát cánh cùng nhau và người dân nước này phải đoàn kết. Ông Biden gọi việc tuyên án nói trên là một “bước tiến”, nhưng cho rằng bản án đối với cựu cảnh sát Chauvin là quá hiếm hoi tại một đất nước đang chìm trong nạn phân biệt chủng tộc.

Trong khi đó, bà Harris kêu gọi các nhà lập pháp thông qua dự luật George Floyd nhằm cải cách chính sách cảnh sát ở Mỹ. “Dự luật này là một phần di sản của George Floyd. Công việc này chúng ta lẽ ra đã phải làm từ lâu”, bà nói. Liên đoàn cảnh sát Minneapolis, một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho cảnh sát - cảm ơn bồi thẩm đoàn vì sự “tận tụy với công việc”, và nói họ đã gánh vác “gánh nặng to lớn”. Các nhà hoạt động nói rằng, công lý đã được thực thi, và họ sẽ cảm thấy như thể gánh nặng nào đó được gỡ bỏ. Với nước Mỹ, đây là một vụ án mang tính bước ngoặt với việc cảnh sát sử dụng vũ lực với người da đen, và bản án đánh dấu bước ngoặt đáng kể. Rất ít cảnh sát bị truy tố tội ngộ sát hoặc giết người, và số cảnh sát bị kết án còn ít hơn nữa. Nhưng người biểu tình nói rằng, những lời kêu gọi đòi công lý cho George Floyd không dừng lại sau phán quyết này.

Lại xảy ra vụ cảnh sát nổ súng bắn chết người da màu

Reuters dẫn nguồn tin từ giới chức thành phố Columbus, bang Ohio (Mỹ) cho biết ngày 20-4 (giờ địa phương) đã xảy ra vụ cảnh sát bắn chết một thiếu nữ da màu khi đang xử lý một vụ đâm dao.

Theo cảnh sát, vụ nổ súng này xảy ra tại khu vực phía Đông Nam của thành phố Columbus, sau khi cảnh sát nhận được thông báo về một vụ đâm dao. Hình ảnh camera được cảnh sát công bố vài giờ sau đó cho thấy viên cảnh sát đã nổ súng nhằm vào thiếu nữ da màu này khi nhìn thấy đối tượng này đang vung thứ được cho là dao và lao vào một phụ nữ đang bị ngã về phía sau. Ngay sau phát súng đó, nữ thiếu niên ngã đập vào một ô-tô đang đậu trên đường. Hình ảnh sau đó cho thấy có 1 con dao bếp nằm trên vỉa hè gần nơi thiếu nữ ngã xuống. Đối tượng được xác định là Makiyah Bryant, 16 tuổi.

Cơ quan chức năng Mỹ chưa công bố danh tính người cảnh sát nổ súng, song cho biết nhân viên cảnh sát này sẽ tạm thời bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Hiện, Cơ quan điều tra tội phạm (BCI) bang Ohio đã mở cuộc điều tra vụ việc và sẽ sớm công bố kết quả điều tra. Khi đoạn ghi hình được công bố, truyền hình địa phương đưa tin ngày càng đông người tham gia biểu tình trên đường phố. Tin tức cho biết một nhóm nhỏ cảnh sát phải đối mặt với nhiều người biểu tình ở gần hiện trường vụ nổ súng.

Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường vụ việc. Ảnh: Reuters

Điều gì đã xảy ra với George Floyd?

Người đàn ông 46 tuổi này đến mua một bao thuốc lá tại một cửa hàng ở Nam Minneapolis tối 25-5-2020.

Một người bán hàng báo tin Floyd đã trả tiền bằng tờ 20 USD giả và gọi cảnh sát sau khi ông Floyd từ chối trả lại bao thuốc lá. Khi cảnh sát đến, họ ra lệnh cho Floyd ra khỏi chiếc xe đang đậu bên đường và còng tay ông. Một cuộc giằng co xảy ra sau đó khi các cảnh sát tìm cách đẩy Floyd đang la hét vào xe. Họ vật ông xuống và dùng sức mạnh ghìm ông dưới đất. Chauvin đè đầu gối vào gáy ông Floyd trong hơn 9 phút, khi nghi phạm và một số người ngoài cuộc cầu xin tha mạng. Khi bị khống chế, ông Floyd đã hơn 20 lần nói ông không thể thở được, gọi mẹ và van nài “làm ơn, làm ơn, làm ơn”. Khi xe cấp cứu đến, ông Floyd đã bất động. Ông được tuyên bố qua đời khoảng 1 giờ sau đó.

Trong phiên tòa xét xử Chauvin, bồi thẩm đoàn đã nghe từ 45 nhân chứng và xem nhiều đoạn video trong vài giờ đồng hồ. Các nhân chứng chuyên môn đại diện cho bên công tố khai rằng, ông Floyd chết vì thiếu oxy do cách kiểm soát của Chauvin và các đồng nghiệp của ông đã dùng. Bản thân Chauvin đã chọn không làm chứng, viện dẫn quyền không tự buộc tội. 12 thành viên bồi thẩm đoàn được giao nhiệm vụ sẽ quyết định xem Chauvin sẽ phải ngồi tù hay được tha bổng.

KHẢ ANH