Vụ án tại Cty xây dựng 78, Tổng Công ty miền Trung: Bị cáo tiếp tục kêu oan
(Cadn.com.vn) - Sau 6 năm khởi tố vụ án và bị can, vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, lợi dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ" ở Cty xây dựng 78 (Cty 78) thuộc Tổng Cty Miền Trung (TCTMT), cụ thể là dự án Nhà máy gỗ MDF trải qua nhiều lần hoãn xét xử, trả hồ sơ để điều tra lại. Sau đó, bản án được tuyên nhưng vụ án vẫn chưa khép lại khi nhiều bị cáo tiếp tục kháng cáo lên TAND Tối cao và các cấp ngành để kêu oan. Chặng dài dính vào lao lý, có bị cáo nay tuổi "thất thập" phải than rằng: "Chúng tôi hy vọng vào phiên tòa phúc thẩm, mong được xem xét thấu đáo"...
Khoảng cuối tháng 2-2014, tại TP Đông Hà (Quảng Trị), TAND Tối cao tại Đà Nẵng hoãn phiên xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm tại Cty 78. Lý do là bị cáo Đặng Ngọc Thành, một trong 4 bị cáo kháng cáo, bị xuất huyết dạ dày điều trị ở bệnh viện không thể có mặt nên phiên tòa.
Trước đó, tháng 9- 2013, VKSND Tối cao truy tố ra trước TAND tỉnh Quảng Trị xét xử vụ án trên, bị can Hoàng Công Uyên (GĐ Cty 78) bị ung thư máu được tạm đình chỉ vụ án nên chỉ còn lại 6 bị cáo hầu tòa. Phiên xét xử sơ thẩm kết thúc với phán quyết, tuyên phạt các bị cáo: Đặng Ngọc Thành (1958, nguyên Trưởng BQL Dự án nhà máy gỗ MDF) và Lê Văn Xưởng (1953, nguyên PGĐ, kiêm kế toán trưởng Cty 78) mỗi bị cáo 3 năm tù treo, Hồ Sỹ Quảng (1957, nguyên là kế toán trưởng Cty CP gỗ MDF), Lê Chơn (nguyên GĐ Cty EC5, Bình Định), Nguyễn Khắc Thương (1952, nguyên PGĐ Cty EC5) mỗi bị cáo 2 năm tù treo, Hoàng Xuân Thuận (1952, nguyên kế toán trưởng TCTMT) 1 năm cải tạo không giam giữ.
Các bị cáo chuẩn bị hàng đống tài liệu để chứng minh mình vô tội trước tòa. |
Sau đó, bị cáo Thành và Xưởng đã có đơn kháng cáo lên TAND Tối cao không chấp nhận nhiều nội dung của bản án sơ thẩm và còn gửi đơn kêu oan lên nhiều cấp, trong đó có UBMTTQVN tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị về việc mình không hề tư lợi chiếm đoạt, là cấp dưới thực hiện theo quyết định cấp trên... 6 năm đằng đẵng, hai bị cáo này dường như thuộc lòng luận chứng để bảo vệ cho mình. Không phải là vài trang giấy mà là từng chồng hồ sơ với chi chít con số, hàng ngàn văn bản liên quan.
Sau khi tiếp nhận đơn, UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị đã có Văn bản số 232 gửi TAND Tối cao tại Đà Nẵng cùng VKS đồng cấp. Tại văn bản này, UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị có ý kiến: qua nghiên cứu nội dung văn bản liên quan và nắm bắt dư luận của nhân dân, Ban thường trực thấy rằng trong cùng vụ án, ông Trần Xuân Đính (Tổng giám đốc), người chịu trách nhiệm chính của Cty đã được đình chỉ điều tra, trong khi đó 2 đương sự (ông Thành và Xưởng) là người thực thi các quyết định của Tổng giám đốc thì bị đưa ra xét xử; hầu hết các dự án mà đương sự trình bày trong đơn đều được các cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai; đồng thời dự án nhà máy gỗ triển khai đi vào hoạt động nhiều năm qua đã đạt kết quả, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp thuế cho ngân sách địa phương. Từ những căn cứ trên, Ban thường trực nhận thấy các đương sự viết đơn kêu oan đến các cấp là có cơ sở nên đề nghị TAND Tối cao và VKS đồng cấp xem xét, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp chính đáng, công bằng cho người dân.
Cũng giải quyết đơn thư, ông Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đã có ý kiến trong phiếu chuyển đơn của ĐBQH đến TAND Tối cao Đà Nẵng. Theo vị ĐBQH này thì qua xem xét đơn và một số tài liệu liên quan đến vụ án nhận thấy đơn kêu oan có cơ sở, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét thấu đáo để không oan sai.
Đầu năm mới 2014, nhà máy gỗ MDF mở rộng thêm dây chuyền 2 tại KCN Quán Ngang. Đây là tin vui đối với những người đầu tiên "đẻ" ra dự án này và xây dựng nó, trong đó có nhiều bị cáo trong vụ án. Những đúng sai còn chưa được "chốt" lại, còn chờ phiên tòa phúc thẩm nhưng không phủ nhận được dự án sau khi hoàn thành chuyển giao công ty khác đã lãi 22 tỷ đồng.
Bị cáo Lê Văn Xưởng ngậm ngùi cho biết quá trình điều tra ông không bị tạm giam nhưng theo án chừng ấy năm quả là mệt mỏi, khi tuổi già sức càng yếu. Bị cáo Thành cũng đau ốm liên miên, còn bị cáo Lê Chơn nay cũng xấp xỉ 70 tuổi. Theo bị cáo Lê Văn Xưởng, trong phần tuyên nội dung bồi thường dân sự, có khoản cào bằng chia đều giữa các bị cáo Xưởng, Thành và ông Uyên là vô lý (nếu có phạm tội) bởi "cấp trên khác cấp dưới". Trong khi đó, bị cáo Xưởng cũng cho rằng ông Hoàng Công Uyên đã bị đình chỉ, chưa bị truy ra xét xử trước tòa, chưa xác định được công tội thì việc tuyên ông này phải bồi thường dân sự và nộp án phí dân sự sơ thẩm (đối với Hoàng Công Uyên là hơn 34 triệu đồng) như các bị cáo khác là bất hợp lý.
Bài, ảnh: Bảo Hà