Báo Công An Đà Nẵng

Vụ án thất thoát 26 tỷ đồng tại dự án thủy điện Đăk Drinh: Tòa án cấp cao trả hồ sơ vụ án để điều tra lại

Thứ bảy, 25/05/2019 13:04

Ngày 23-5, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử phúc thẩm các bị cáo trong vụ án gây thất thoát 26 tỷ đồng tại Dự án thủy điện Đắk Drinh, (H. Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 5 bị cáo trong vụ án, gồm: Hà Văn Tiên (nguyên Trưởng phòng TN&MT H. Sơn Tây), Nguyễn Anh Dũng (nguyên Trưởng phòng NN&PTNT H. Sơn Tây) và Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh, Trần Minh Việt (nguyên cán bộ địa chính các xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long, H. Sơn Tây).

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Đồng loạt kháng cáo kêu oan

Theo cáo trạng, trong quá trình lập phương án bồi thường đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân tại Dự án thủy điện Đăk Drinh khu vực các xã Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Dung, ông Tô Cước (nguyên Phó chủ tịch UBND H.Sơn Tây, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng Dự án thủy điện Đăkdrinh- đã chết) và bị cáo Hà Văn Tiên biết rõ trong khu vực lòng hồ thủy điện có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định. Tuy nhiên, Hà Văn Tiên vẫn đề xuất khi lập phương án đền bù thì đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi.

Với vai trò Chủ tịch Hội đồng bồi thường, ông Tô Cước đã chỉ đạo thực hiện chủ trương trên. Các Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thủy điện Đắk Đrinh là Hà Văn Tiên, Nguyễn Anh Dũng trực tiếp triển khai. Các bị cáo Cường, Anh và Việt là cán bộ địa chính 3 xã nói trên biết rõ là sai quy định Nhà nước nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của ông Tô Cước, Hà Văn Tiên và Nguyễn Anh Dũng dẫn đến hậu quả là thiệt hại cho nhà nước khoảng 26 tỷ đồng.

Vụ án đã được TAND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra xét xử sơ thẩm ngày 19-12-2017 và tuyên phạt bị cáo Hà Văn Tiên 3 năm tù treo, Lê Khắc Tâm Anh 2 năm tù treo, miễn hình phạt cho các bị cáo: Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Vỹ Cường, Trần Minh Việt về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau đó, 4 bị cáo: Hà Văn Tiên, Nguyễn Anh Dũng, Lê Khắc Tâm Anh, Nguyễn Vỹ Cường có đơn kháng cáo kêu oan, 62 người có nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo cho rằng án sơ thẩm tịch thu số tiền họ đã nhận là không đảm bảo quyền lợi của họ và yêu cầu tòa phúc phẩm xem xét lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Hà Văn Tiên, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh giữ nguyên yêu cầu kháng cáo kêu oan. Các bị cáo đều cho rằng, thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án thủy điện Đăk Drinh theo sự chỉ đạo của Huyện ủy và UBND H. Sơn Tây, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nên các bị cáo không phạm tội.

Đồng thời trong quá trình thực hiện công việc, ngoài các bị cáo còn nhiều người khác cùng tham gia, kể cả Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long nhưng họ không bị xét xử mà chỉ xét xử các bị cáo là không công bằng, nên yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại cho các bị cáo. Bị cáo Trần Minh Việt mặc dù không có kháng cáo, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm cũng cho rằng bị cáo bị oan ức mong HĐXX xem xét lại cho bị cáo.

Nhiều cán bộ có dấu hiệu vi phạm tội

Trong vụ án này, ngoài các bị cáo trên còn có những người khác tham gia thực hiện nhiệm vụ và cũng có dấu hiệu phạm tội cụ thể như sau: Đối với ông Nguyễn Văn Diện -Trưởng phòng Tài vụ Công ty Thủy điện Đắk Đrinh, là Ủy viên thường trực của Hội đồng bồi thường cùng một số cán bộ, nhân viên của Công ty Thủy điện Đắk Đrinh và H. Sơn Tây được Hà Văn Tiên phân công tham gia phối hợp với tổ giúp việc Hội đồng bồi thường xác minh nguồn gốc đất các xã Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Dung.

Những người này biết việc đưa tên danh sách những người không đủ điều kiện vào phương án để họ hưởng tiền chuyển đổi nghề nghiệp là trái quy định nhưng vẫn thống nhất thực hiện, hành vi này có dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các xã Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Dung được phân công làm Tổ trưởng tổ bồi thường các xã, theo lời khai của những người nói trên, do bận giải quyết công việc nên không trực tiếp tham gia kiểm kê, xác minh nhưng lại ký xác nhận kết quả xác minh, chính quyền ký xác nhận thì địa phương mới có cơ sở để đền bù, hỗ trợ nên hành vi của những người trên có dấu hiệu phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với ông Bùi Tấn Nguyên là Tổ trưởng tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định phương án đền bù, được Hà Văn Tiên phân công thực hiện việc thẩm định dựa trên các văn bản Nhà nước, tiến hành kiểm tra đối chiếu số liệu có trong hồ sơ do Hội đồng bồi thường gửi đến, mặc dù biết phương án đó là trái pháp luật nhưng vẫn thẩm định, hành vi nói trên của ông Bùi Tấn Nguyên cũng có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”…

Các bị cáo luôn kêu oan và cho rằng chủ trương quy về chủ cũ để bồi thường về đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là theo sự chỉ đạo của Bí thư Huyện ủy Đinh Kà Để và Chủ tịch UBND H. Sơn Tây Phạm Tấn Hoàng, thế nhưng trong quá trình điều tra chưa tiến hành đối chất để làm rõ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều yêu cầu xin được đối chất với ông Đinh Kà Để và ông Phạm Tấn Hoàng để làm rõ chủ trương trên, xét yêu cầu của các bị cáo là chính đáng vì có liên quan đến trách nhiệm hình sự của các bị cáo nên tòa chấp nhận. Đồng thời trong quá trình điều tra lại, nếu việc chỉ đạo là không đúng thì cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật…

Từ những chứng cứ đã được phân tích trên, HĐXX tòa án cấp phúc thẩm xét thấy cần chấp nhận Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 07, ngày 17-1-2018 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, hủy toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 02, ngày 19-12-2017 của TAND tỉnh Quảng Ngãi và chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh Quảng Ngãi để điều tra lại.

THANH HOA

Thủy điện Đăk Drinh có công suất 125MW với tổng mức đầu tư 3.423 tỷ đồng được khởi công tháng 1-2011.

Dự án nằm ở các xã Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Dung của H. Sơn Tây (Quảng Ngãi) và H. Kong Plong (Kon Tum). Từ cuối năm 2012 Ban đền bù dự án thủy điện Đăk Drinh bắt đầu chi trả tiền đất đai, hoa màu, nhà cửa cho dân với tổng số tiền 142 tỷ đồng.