Báo Công An Đà Nẵng

Vũ Bằng với bốn mùa thương nhớ

Thứ sáu, 11/11/2016 10:16

(Cadn.com.vn) - Tôi đọc rất nhiều sách với nhiều thể loại khác nhau nhưng lại rất ít khi gặp được lối viết cảm xúc, tình cảm tự nhiên như Vũ Bằng viết "Thương nhớ mười hai". Lật từng trang sách, nhiều khi tôi bắt gặp chính mình ở đó...

Lúc còn trẻ, thú thật, cũng giống như biết bao người khác, khi nghe nói đến "Thương nhớ mười hai", tôi cứ ngỡ đó là một cuốn tiểu thuyết tình cảm. Mà thể loại đó tôi thực sự chẳng mấy mặn mà đối với văn học trong nước. Chẳng thể được như "Cuốn theo chiều gió", "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", "Nếu còn có ngày mai", hay "Martin Idon"... Rồi lại được biết loáng thoáng là không phải tiểu thuyết tình cảm mà là nói về món ăn, không phải là đề tài tôi quan tâm. Và tôi nghĩ rằng cũng khó có thể nào bằng Nguyễn Tuân viết được... Rồi trong một ngày thu mưa gió xa nhà, tôi đã đọc "Thương nhớ mười hai" và thật sự ấn tượng, cảm xúc, như thấy lại Hà Nội của những năm tháng nào xa lơ xa lắc. Hà Nội của Thạch Lam, của Khái Hưng trong các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn tôi một thời yêu thích, một Hà Nội chỉ còn trong hoài niệm... Mười hai tháng thương nhớ của ông là hình ảnh của Hà Nội Xuân, Hạ, Thu, Đông... Là một Hà Nội đặc trưng của "Tháng giêng trăng non rét ngọt",  của "tháng hai tương tư hoa đào"... Là cây sầu đâu tháng ba nở như cười, tháng tư đỏ trời hoa gạo rồi cái nóng tháng năm nằm mơ ngọn gió, tháng sáu ngọt ngào hương nhãn, rồi mùi hương trầm tháng bảy... Bằng giọng văn nhẹ nhàng, khúc chiết, bằng những nuối tiếc lẫn nhớ thương đau đáu, Hà Nội trong "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng cứ bàng bạc như một bức tranh thủy mạc.

 

Tôi đọc "Tháng chín": "Tôi nhớ lại những buổi chiều vô liêu tháng chín, trở lạnh gió lê thê buồn, không đi ra ngoài, ăn cơm xong, tráng miệng bằng cam rồi không biết làm gì ngồi châm một ngọn đèn dầu lên hút thuốc rồi lấy những cái vỏ cam bóp vào ngọn lửa; nước ở trong vỏ tia ra làm bùng ngọn lửa đèn, tạo cho mình một sự thích thú và hồi hộp đến kỳ lạ".

Vài dòng vậy thôi, Vũ Bằng ơi hỡi Vũ Bằng! Ông đã đưa tôi về tận cái thôn heo hút vùng quê nghèo có những con người chịu thương chịu khó, có những cánh đồng cằn cỗi hanh hao của những năm 80 còn chưa có ánh điện. Ông đưa tôi vào cái xó bếp đầy tro xám và bồ hóng huyền nhung. Nơi có bà mẹ già đang hong hai bàn tay xương xẩu lên bếp lửa liu riu khói...

Tôi đã đọc "Bốn mươi năm nói láo", "Cai", "Văn hóa gỡ", "Miếng ngon Hà Nội", và giờ là "Thương nhớ mười hai". Ông đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Luôn thông minh, hoạt kê, trào phúng nhưng luôn chân thực, sâu sắc. Lẩm cẩm, tỉ mẩn đến tinh tế. Dân dã, đời thường đến cao siêu...

"Thương nhớ mười hai" không chỉ là mười hai tháng trong một năm với trời cây mây nước, với biết bao phong tục tập quán, bao thói quen từ dân dã tới thanh tao của người miền Bắc (đôi khi cũng xen lẫn cả miền Nam), mà còn là cả tâm tình thương nhớ của một người chồng dành cho người vợ thất lạc xa xôi. Mà người chồng lại là một kẻ hư hỏng sa đà được quay trở lại nhờ sự tận tình thương yêu của vợ. Vũ Bằng thật khéo lồng ghép giữa tâm tư tình cảm bản thân, gia đình và thời tiết khí hậu, cái ăn cái mặc...

Giá trị gia đình to lớn được ông viết thật nhỏ nhẹ:

"...Ăn một miếng cá như thế, muốn nói gì thì nói, cũng phải nhận là thú vị không tả được, mà vừa nhắm nhót vừa thấy thú vị trong lòng, ngon một mà cũng thành ra ngon mười, gia đình dù có túng thiếu ít nhiều cũng vẫn chan hòa một bầu không khí vui tươi ấm cúng...". Ông viết chuyện của ông mà khiến người đọc cứ ngỡ như chính mình trong đó. Từ những chuyện rất đời thường, giản dị cũng được ông lột tả một cách chân thực, chính xác mà đẹp. "Thương nhớ mười hai" còn đặc biệt hơn nữa với những "miếng ngon", là những đồ ăn thức uống. Chẳng phải là kỳ trân dị bảo, mà những "miếng ngon" của Vũ Bằng ngon ở cái bình dân, ở cái hợp thời, ở cái khả năng gợi nhớ và nhắc nhở. Ngon từ củ khoai mẹ lùi trong tro bếp những ngày đông giá, ngon đến "miếng chả nhái nhâm nhi với chén rượu mà rung đùi tưởng chừng như có thể gãy cả thang giường", ngon như con chim ngói úp trên nồi xôi "nếp cái mới" vào cuối thu... Ngon tưởng có thể "chết ngay đi được!".

Vũ Bằng sinh ra và lớn lên ở Hàng Gai, trung tâm Hà Nội, gia đình khá giả, là một bậc ăn chơi có tiếng. Tuy chơi bời như vậy nhưng Vũ Bằng vẫn là người có tấm lòng nhân hậu, yêu vẻ đẹp của non sông đất nước, thương người dân nghèo lam lũ kiếm được hạt thóc thì muôn phần cay đắng.

Có lẽ vì thế mà ông đã dâng tặng cho họ một "món ngon", một "Thương nhớ mười hai" chẳng phải cao sang quyền quý như những tiến phẩm trong cung đình, không thăng hoa xúc cảm như bát phở của Nguyễn Tuân, mà thật dân dã chất phác như chính những con người lao động cần cù lam lũ ở làng quê nước Việt.  "Thương nhớ mười hai" là một trong những áng văn bất hủ viết về đất nước quê hương. Phải là một con người nặng lòng yêu thương Tổ quốc, yêu thương quê hương, yêu thương Hà Nội hơn ai hết thì mới viết được một cuốn sách như thế!

Phú Quảng