Báo Công An Đà Nẵng

Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà và những hệ lụy

Thứ hai, 23/12/2019 10:53

Do hệ lụy từ vụ cháy này và trong lúc nỗ lực sửa chữa và trùng tu vẫn tiếp tục sau 8 tháng xảy ra hỏa hoạn, lần đầu tiên trong hơn 200 năm (kể từ năm 1803), Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp sẽ không tổ chức thánh lễ Giáng sinh năm 2019.

Nhà thờ Đức Bà đang trong giai đoạn trùng tu và dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Ảnh: AP

Nguy hiểm từ hàng chục tấn bụi chì độc hại

Đã hơn 8 tháng trôi qua, kể từ ngày Nhà thờ Đức Bà bị ngọn lửa lớn thiêu rụi, AP công bố báo cáo mới nhất cho thấy lỗ hổng nguy hiểm trong các quy định an toàn toàn cầu đối với chì, vật liệu xây dựng độc hại được tìm thấy trên nhiều thành phố lịch sử nổi tiếng.

AP dẫn nguồn tin đưa ra ngày 22-12 cho biết, vụ cháy nhà thờ Đức Bà hồi tháng 4 thải ra hàng chục tấn bụi chì độc hại vào bầu khí quyển chỉ sau vài giờ, và lúc đó, chính quyền Paris đã phát hiện ra vấn đề với các quy định an toàn công cộng của thành phố: không có ngưỡng nào để họ đánh giá mức độ nguy hiểm tiềm tàng - ô nhiễm chết người là từ bụi chì. Và điều này không chỉ là mối lo của Pháp. Các quan chức ở các thủ đô lịch sử khác của Châu Âu như Rome và London, cũng như Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng không có hướng dẫn về nguy cơ bụi chì ngoài trời như vậy.

Lý do, theo họ, là mặc dù có các quy định về chì, nhưng không ai dự tính về “vụ hỗn chiến trên không” tại một tòa nhà đầy chì như của nhà thờ Đức Bà. Sau khi 250 tấn chì ở nhà thờ Đức Bà bị nhấn chìm trong ngọn lửa vào ngày 15-4, chính quyền đã cảnh báo người dân Paris về nguy cơ sức khỏe môi trường và cùng nhau nghiên cứu và hoàn thành nghiên cứu để đưa ra mức độ an toàn tạm thời, trấn an người dân. “Khi vụ cháy xảy ra, chúng tôi không có bất kỳ ngưỡng nào thể hiện mức độ nguy hiểm ở ngoài trời”, ông Anne Anne Souyris, Phó Thị trưởng phụ trách tòa án Paris, nói với AP và nhấn mạnh: “Đây là lời cảnh tỉnh quan trọng... lượng chì bị đốt cháy ở nhà thờ Đức Bà là chưa từng có”. Các quan chức rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, trong khi có các hướng dẫn an toàn ở Pháp đối với mức độ chì trong các tòa nhà và trường học, cũng như ô nhiễm sơn, đất và không khí, thì không có hướng dẫn nguy hiểm nào đối với sự tích tụ chì trong không gian công cộng.

Một số cơ quan truyền thông báo cáo, mức độ ô nhiễm chì tại các địa điểm xung quanh nhà thờ bị hỏa hoạn dao động trong khoảng từ 500-800 lần so với mức an toàn chính thức. Mức nhiễm độc cao nhất có ở nhiều điểm trong và gần nhà thờ. Tuy nhiên, nhà chức trách đã không hoàn thành việc vệ sinh tẩy độc khu vực này ngay sau vụ cháy mà mất đến 4 tháng sau mới hoàn thành.

Lần đầu tiên không có thánh lễ Giáng sinh sau hơn 200 năm

Do hệ lụy từ vụ cháy này và trong lúc nỗ lực sửa chữa và trùng tu vẫn tiếp tục sau 8 tháng xảy ra hỏa hoạn, lần đầu tiên trong hơn 200 năm (kể từ năm 1803), Nhà thờ Đức Bà sẽ không tổ chức thánh lễ Giáng sinh.

AP cho biết, ngay cả trong những năm xảy ra hai cuộc chiến tranh thế giới kinh hoàng, kể cả giai đoạn Đức Quốc xã chiếm đóng Paris, Nhà thờ Đức Bà của Pháp vẫn chưa bao giờ phải hủy bỏ đại lễ quan trọng như vậy. Nhưng năm nay, mọi việc phải hủy bỏ do hệ lụy từ vụ cháy kinh hoàng ngày 15-4. Nhà thờ đã hư hại nghiêm trọng, trong đó phần tháp nhọn, phần mái và nhiều cổ vật quý giá đã bị tiêu hủy. Theo nguồn tin từ văn phòng báo chí của nhà thờ cho biết, đại lễ lúc nửa đêm (24-12) vẫn được cử hành bởi linh mục quản nhiệm nhà thờ Patrick Chauvet, nói, nhưng sẽ được tổ chức tại nhà thờ Saint-Germain l'Auxerrois ở gần đó. Và lễ mừng Giáng sinh tại nhà thờ Saint-Germain lAuxerrois năm nay được xem là khoảnh khắc lịch sử.

Nhà thờ 800 năm tuổi này đang trong giai đoạn trùng tu, trong đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt mục tiêu trong vòng 5 năm sẽ hoàn tất.

T.NGUYÊN