Vũ điệu thần tiên trong từng đôi mắt nhỏ (*)
(Cadn.com.vn) - Không ai có thể quay lại tuổi thơ nhưng cũng xin đừng ai quên lãng tuổi thơ. Tuổi thơ đối với tôi như vũ điệu thần tiên. Nó lung linh lấp lánh, lúc ẩn lúc hiện với muôn màu đa sắc, góp phần làm nên cuộc sống kỳ diệu hôm nay. Từ miền ký ức được lưu giữ bấy lâu, hôm nay, xin vẽ lại những mảng màu khó phai nhạt để gửi đầy ắp yêu thương về miền quê cũ, về những người thân yêu ở chốn xa xăm...
Bìa sách "Vũ điệu thần tiên". |
Đó là lời tự bạch của nhà văn Nguyễn Thị Phú trong tập truyện Vũ điệu thần tiên (NXB Văn học). Và chúng ta dễ dàng cảm nhận điều này trong từng mẩu chuyện nhỏ lung linh sắc màu tuổi thơ; tìm thấy cả chính mình trong mỗi trang truyện giàu cảm xúc. Truyện gồm 24 câu chuyện kể về miền ký ức xa xăm của Kim Mít-một cô bé đầy cá tính, giàu tình cảm và ước mơ. Kim Mít thật thà, vô tư và giàu yêu thương, biết sống vì người khác nên hầu như ai cũng yêu mến em, nhất là bạn bè cùng trang lứa. Với lời văn trong sáng, lối miêu tả và kể chuyện tự nhiên, giàu chất thơ, tác giả của Vũ điệu thần tiên mang đến cho tuổi thơ sống ở thành phố hôm nay những ngạc nhiên, thú vị về các trò chơi đậm nét dân gian như Đứng trên cầu ao, rớt xuống sông, Bịt mắt bắt dê... Hoặc sẽ bật cười bởi những nét hồn nhiên có phần ngớ ngẩn của các nhân vật Kim Mít, cu Tìn, cu Lượm, bé Ba trong Thủ môn... giấy, Hiểu lầm, Trúng chưởng, Lý sự, Cái răng sữa, Ở với con Hưu, Tập làm thơ...
Điều đáng quý là mỗi trang truyện đều chan chứa yêu thương. Không chỉ là tình thương yêu trong gia đình mà lan tỏa đến mọi người. Có lúc là thương bạn ốm, nhìn thấy bạn đang được bác sĩ truyền thuốc thì hai đứa tôi ứa nước mắt; nhìn thấy một cụ già bị con "bỏ quên" trong bệnh viện thì điếng người và xót xa, thương cụ già cô độc. (Chiều gió mùa đông bắc). Nhìn thấy người điên trên phố cũng chạnh lòng Cuộc sống của người điên thật đáng thương!, Ông điên thật đáng thương! (Người đàn ông điên).
Và cũng có lúc những cảm xúc chân thành của tuổi thơ trong truyện lại nhuốm sắc màu cổ tích mang đến cho người đọc những dịu ngọt lạ kỳ. Thương em gái, Kim Mít từng sợ em biến mất Tôi giật mình kéo tay bé Út. Tôi nắm thật chặt. Tôi sợ nó biến thành Tí Cô Nương rồi xì-trum đi mất (Bé Út). Hoặc vì thương mẹ, cô bé mơ về một cõi thần tiên Mẹ cầm lấy hai bàn tay Tiên. Rồi cả ba bỗng nhiên biến mất. Giấc mơ Tiên. Mẹ đã thành Tiên rồi. Mẹ ơi! (Giấc mơ Tiên).
Đến với Vũ điệu thần tiên, độc giả trung niên như tìm thấy chính mình trong đó, bởi những thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ XX cũng được tái hiện từ những điều rất đỗi bình thường như Coi hát cải lương, Thổi nhầm cái răng, Chuyện con Lu, Người đàn ông điên, Chiều gió mùa đông bắc..., nhà văn đã đưa ta về với không gian và thời gian ấy bằng những liên tưởng khá bất ngờ để rồi ta tự thốt lên "Ôi, sao giống chuyện ở xóm mình quá!". Một trong những nét khá đặc biệt về nghệ thuật là nhà văn không chỉ tập trung vào nhân vật chính, mà từ nhân vật chính, làm nổi bật hình ảnh bạn bè, hoặc những người thân yêu, để từ đó làm chất keo kết dính nhiều sự kiện của hàng loạt nhân vật khiến cho những trang truyện thêm phần lung linh, mở ra nhiều liên tưởng và cảm xúc.
Có thể nói, từ những chất truyện và chất thơ trong sáng, chân thực, tự nhiên mà nhà văn Nguyễn Thị Phú mang vào trong tác phẩm Vũ điệu thần tiên đã mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc, không chỉ những độc giả nhỏ tuổi thích thú tìm đọc, mà cả những người lớn tuổi đọc để hồi ức về tuổi thơ, chiêm nghiệm về cuộc sống đa sắc màu. Để từ đó, thấy yêu thêm con người, cuộc sống, và đặc biệt là tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng-đẹp và đáng yêu như những vũ điệu thần tiên trong từng đôi mắt nhỏ.
Trần Thăng Hoa
(*) Đọc "Vũ điệu thần tiên" (NXB Văn học) của nhà văn Nguyễn Thị Phu