Báo Công An Đà Nẵng

Vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ: Nhà Trắng lo sốt vó

Thứ tư, 01/11/2017 08:00

Cuộc điều tra về việc Nga can thiệp bầu cử năm 2016 chuyển sang giai đoạn mới và nguy hiểm hơn cho Nhà Trắng sau khi 3 trợ lý thân cận cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump đã bị buộc tội.

Ông Paul Manafort rời tòa án sau khi bác bỏ mọi cáo buộc trong vụ điều tra việc Nga can thiệp bầu cử năm 2016 ở Mỹ. Ảnh: AFP

Theo nguồn tin của AFP ngày 31-10, cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Paul Manafort bị buộc tội rửa tiền và âm mưu chống lại nước Mỹ. Đây là quan chức đầu tiên bị buộc tội trong vụ điều tra liên quan cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Ông Manafort cùng đối tác kinh doanh Rick Gates bị buộc tội che giấu hàng triệu USD có được do làm việc cho cựu chính trị gia Ukraine Viktor Yanukovych cùng đảng chính trị thân Nga của ông này. Công tố viên đặc biệt Robert Mueller cũng đã công bố 12 cáo buộc nhằm vào hai ông Manafort và Gates.

Tập trung vào Ukraine

Ông Manafort từng là chủ tịch chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Trump. Ông và đồng sự Gates đều bị cáo buộc liên quan đến số tiền mà họ nhận được từ cựu Tổng thống Ukraine, ông Viktor Yanukovych.

Cả ông Manafort và Gates đã bị quản thúc tại gia. Trong khi ông Manafort phải nộp 10 triệu USD tiền bảo lãnh, đồng sự Gates cũng bị yêu cầu nộp 5 triệu USD. Hôm 31-10, ông Manafort xuất hiện tại tòa, bác bỏ cáo buộc tội âm mưu chống nước Mỹ, rửa tiền và một số cáo buộc khác sau khi các cáo trạng trong cuộc điều tra được niêm phong. Một phụ tá khác của chiến dịch Trump, ông George Papadopoulos cũng đã nhận tội nói dối Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về những người liên quan đến Điện Kremlin.

Ông Manafort là một trong những người tham gia cuộc họp vào ngày 9-6-2016 tại Tòa tháp Trump với một luật sư liên quan đến Điện Kremlin, động thái làm dấy lên nghi ngờ về sự thông đồng giữa những người trong chiến dịch tranh cử của ông Trump và Moscow. Cuộc họp được con trai cả của Trump, Donald Jr, sắp đặt với hy vọng nhận được thông tin gây tổn hại cho bà Clinton. Bản cáo trạng của Manafort đã không đề cập đến sự tham gia của Nga vào cuộc bầu cử của Mỹ, thay vào đó tập trung vào các mối quan hệ trước đây của ông Manafort với Ukraine.

Ông Trump phản ứng như thế nào?

Hồi tháng 1, các cơ quan tình báo Mỹ kết luận, Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, nhằm giúp ông Trump đánh bại ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton bằng cách tấn công mạng, làm rò rỉ các thư điện tử của bà Clinton, cũng như mở chiến dịch công kích trên mạng xã hội nhằm mục đích hạ thấp uy tín của vị cựu Ngoại trưởng Mỹ. Tuy nhiên, Moscow phủ nhận các cáo buộc.

Những công bố này đã thúc đẩy phản ứng tức giận và thách thức từ Tổng thống Trump. Bản thân ông Trump cũng chỉ trích cuộc điều tra về mối quan hệ giữa đội ngũ vận động tranh cử và chính phủ nước ngoài là một cuộc săn lùng nặng định kiến, cản trở các sách lược mà ông đang thúc đẩy. Trong vụ việc mới nhất này, người phát ngôn Nhà Trắng, bà Sarah Sanders tuyên bố các bản cáo trạng ngày 30-10 của 2 thành viên trong chiến dịch tranh cử không liên quan tới ông Trump hoặc chiến dịch tranh cử của ông và không cho thấy bằng chứng về việc thông đồng giữa chiến dịch này và Nga.

Trả lời họp báo, bà Sanders nêu rõ: “Chúng tôi đã nói ngay từ đầu rằng không tồn tại bằng chứng về sự thông đồng Trump-Nga, và không có gì trong bản cáo trạng hôm nay thay đổi điều đó”. Ngoài ra, bà Sanders khẳng định, Tổng thống Trump không có kế hoạch hay ý định thay thế công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người có nhiệm vụ điều tra về khả năng thông đồng trong nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Nhưng rõ ràng, theo giới phân tích, động thái này cho thấy, cuộc điều tra việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang chuyển sang giai đoạn mới và nguy hiểm hơn cho Nhà Trắng, đánh dấu cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với chiếc ghế tổng thống của ông Trump.

KHẢ ANH