Báo Công An Đà Nẵng

Vụ giết chủ nợ rồi phi tang xác: Sự tàn độc và tận cùng nỗi đau

Thứ hai, 01/10/2018 13:10

Sáng 29-9, hàng trăm người dân đổ về khu chung cư C2, đường Dương Vân Nga (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) để theo dõi phiên tòa lưu động xét xử cặp vợ chồng hờ Nguyễn Hùng Dũng (1969), Lê Thị Phương Oanh (1968). Để thực hiện âm mưu “xù” nợ, cả hai đã lên kế hoạch và tước đi  mạng sống một con người. Đằng sau sự tàn độc ấy là tận cùng nỗi đau.

Chồng bị hại nghẹn ngào khi nhắc đến cái chết của vợ.

Cho rằng không còn khả năng trả món nợ 170 triệu đồng cho bà Văn Thị Thanh Nga (1962), Dũng và Oanh lên kế hoạch giết nạn nhân rồi phi tang xác để xóa nợ. Theo đó, vào tối 19-6-2018, Dũng và Oanh bàn bạc với nhau, Dũng nói với Oanh: “Để anh giết bà Nga giải thoát nợ”. Oanh hỏi lại: “Làm răng để giết?”. Dũng nói: “Lấy dây siết cổ là không kêu được”. Oanh đồng ý. Để thực hiện kế hoạch này, khoảng 6 giờ ngày 20-6-2018, Oanh nhắn tin nhờ bà Nga đi chợ mua giùm đồ ăn để dụ bà Nga qua nhà (phòng 612 khu chung cư C2). Trong lúc ngồi nói chuyện với Oanh ở phòng ngủ, bà Nga bị Dũng dùng dây dù siết cổ từ phía sau. Oanh dùng tay đè chặt 2 chân để bà Nga không chống cự được. Khi thấy bà Nga tử vong, Dũng dùng tấm vải phủ lên thi thể nạn nhân, Oanh ra phòng khách lục túi xách nạn nhân lấy 5,6 triệu đồng, 3 điện thoại, sau đó cùng với con thuê nhà nghỉ ở. Để qua mắt cơ quan điều tra, Dũng, Oanh phi tang tư trang bà Nga vào thùng rác của chung cư rồi đưa xe máy nạn nhân đi giấu ở Bệnh viện Phụ sản Nhi. Đến 17 giờ 30 cùng ngày, Dũng và Oanh về nhà lấy dây thép buộc tay chân nạn nhân bỏ vào thùng xốp rồi dùng dây cao su quấn quanh thùng. Đến 1 giờ ngày 21-6, Dũng và Oanh bưng thùng xốp chứa thi thể bà Nga vứt ở cầu Mân Thái.

Tại phiên xét xử, bị cáo Oanh thành khẩn khai báo, đồng thời nhận hết tội lỗi mà mình đã gây ra. Bị cáo khai, cuộc đời bị cáo vốn là một mảng màu buồn. Từ nhỏ đã không biết mặt cha, đến cả ngày sinh của mình bị cáo cũng không biết. Năm 2000, bị cáo “gá nghĩa” với Dũng và có 1 con chung nhưng cả hai không có hôn thú. Thời gian có con, bị cáo không có tiền để trang trải cuộc sống nên đã mượn tiền bà Nga và một số người khác. Cũng vì nợ nần, quẫn quá nên bị cáo không nghĩ được gì nhiều nên đã cùng Dũng ra tay sát hại bà Nga.

Khi được hỏi về mối quan hệ với bà Nga, bị cáo Oanh khai “bà Nga là ân nhân” của bị cáo vì lúc khó khăn, lúc con bị cáo đau ốm bà Nga đã không ngần ngại cho bị cáo mượn tiền. Hai bên không hề có mâu thuẫn, thậm chí về việc nợ nần bà Nga cũng không hề thúc ép.  Nói về ý định giết bà Nga, Oanh cho rằng Dũng là người khởi xướng và bị cáo là người đồng tình hưởng ứng. Sau khi gây án xong, bị cáo chủ động nhắn tin cho chị Vân, vờ hỏi về bà Nga nhằm đánh lạc hướng... Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng dẫu thưa nhưng vô cùng khó thoát, Oanh đã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Nếu như thái độ Oanh thành khẩn bao nhiêu thì Dũng lại quanh co bấy nhiêu. Dũng cho rằng cáo trạng có nhiều điểm không đúng với diễn biến vụ án. Cụ thể như: Bị cáo và Oanh không hề bàn bạc, tất cả hành vi giết, phi tang xác đều do một mình bị cáo thực hiện. Dũng khẳng định, sở dĩ Oanh khai như vậy là vì “vợ bị cáo rất thương bị cáo nên muốn chia sẻ tội với bị cáo”... Khi nói về hành vi giết bà Nga, Dũng khai: “Tôi giết bà Nga rất là nhanh, chỉ trong vòng 5 phút, không ai có thể trở tay kịp...”. Bị cáo còn cho rằng những lời khai trước đây là do “u u mê mê” nên mới như vậy, đó không phải là sự thật. Trước sự chối cãi của bị cáo, đại diện VKS đã công bố nhiều bút lục có trong hồ sơ vụ án, là bản tự khai của bị cáo ở những thời điểm khác nhau nhưng cùng có chung nội dung, thừa nhận hành vi giết người của bị cáo và Oanh. Trước những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo Oanh, Dũng cúi đầu thừa nhận.

Nói thêm về Dũng, bị cáo có nhân thân xấu, năm 1995 bị TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phạt 5 năm tù về tội “Hiếp dâm”. Mãn hạn tù, Dũng về đời thường nhưng vợ con y quay lưng, cắt đứt liên lạc. Chính Oanh là người chào đón Dũng bằng tấm chân tình nên cả hai về sống chung với nhau từ đó đến nay. Đã từng vào tù, đáng lẽ Dũng phải lấy đó làm bài học sâu sắc cho bản thân, đằng này lại trượt sâu vào vũng bùn tội lỗi, nên cái giá mà Dũng phải trả cũng vì thế mà đắt hơn.

 Bị cáo Dũng và Oanh.

Có lẽ, trong phiên xét xử ngày hôm ấy, dấu chấm lặng buồn thực sự khiến HĐXX, người dự khán day dứt chính là gia đình bị hại. Tiếng nấc xé lòng của người con khi nhắc đến mẹ, trái tim buốt nhói, đớn đau, nghẹn ngào của người chồng gọi tên người vợ quá cố, khiến cho hàng trăm người không cầm được nước mắt. Với họ, đó là sự mất mát không gì bù đắp được, là nỗi đau không thể gọi thành tên. Chỉ trong phút chốc, họ mất đi người thân. Sự thương đau đó không chỉ đơn giản là vắng khuyết cái bát, đôi đũa hay chỗ ngồi trong một bữa cơm mà nó đã khuyết đi từ tận sâu trong tâm khảm của mỗi người. Theo gia đình bị hại, kết quả giám định cho thấy “nạn nhân chết do ngạt nước” cũng có nghĩa là bị cáo cố tình 2 lần tước đi mạng sống của nạn nhân. Chính vì vậy, sự tàn độc vô độ này cần phải được xử lý thật nghiêm minh.

Nhận thấy bị cáo Dũng giết người có tổ chức với động cơ đê hèn, ra tay một cách tàn độc không còn tính người nên cần phải xử lý nghiêm minh để làm gương. HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Dũng 6 năm về tội “Cướp tài sản”; tử hình về tội “Giết người”, tổng hình phạt tử hình. Bị cáo Oanh 5 năm về tội “Cướp tài sản”, Chung thân về tội “Giết người”, tổng hình phạt chung thân.

TRANG TRẦN