Báo Công An Đà Nẵng

Vũ khí hạng nặng tràn vào Ukraine trước trận chiến Donbass

Thứ tư, 27/04/2022 14:38
Một quân nhân Ukraine mang vũ khí chống tăng NLAW trong cuộc tập trận trong Chiến dịch Liên hợp, ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, vào ngày 15-2. Ảnh: AP

Phương Tây ồ ạt gửi hàng, có vượt "lằn ranh đỏ"

Theo Politico, trong 2 tuần qua, chính quyền Tổng thống Biden đã bắt đầu chuyển lượng lựu pháo trị giá 1,2 tỷ USD, khoảng 200.000 viên đạn pháo, hàng loạt xe bọc thép, radar phản lực và máy bay không người lái vũ trang tấn công liều chết đến Ukraine.

Lô hàng này là một bước tiến đáng kể so với các lô hàng vũ khí nhỏ và tên lửa chống tăng vác vai Javelin vốn chiếm ưu thế trong 8 tuần giao tranh đầu tiên, và được cho là đã giúp Ukraine ngăn cản các cuộc tấn công của Nga về phía thủ đô Kiev trong những tuần đầu xung đột. Cuối tuần qua, Pháp và Canada lần đầu tiên công bố kế hoạch mới gửi các hệ thống pháo tầm xa, trong khi Anh đang tìm cách trang bị thiết giáp hạng nặng cho Ba Lan nếu Warsaw gửi xe tăng tới Ukraine. Theo công bố mới, Pháp cho biết đang cung cấp một số pháo tự hành Caesar cho Ukraine và hiện đang đào tạo 40 binh sĩ Ukraine tại Pháp về cách sử dụng các loại pháo uy lực gắn sau xe tải 6 bánh.

Điện Kremlin đã nhiều lần đe dọa sẽ tấn công các đoàn xe tải chở đầy vũ khí qua biên giới Ba Lan, hiện có tải trọng hàng hóa lớn hơn nhiều, bao gồm đại bác, xe bọc thép cỡ lớn và phụ tùng cho máy bay chiến đấu MiG của Ukraine. Các quan chức phương Tây từ lâu cũng tỏ ra lo ngại về những chuyến hàng này và lo ngại trong việc vượt "lằn ranh đỏ" của Nga trong việ cung cấp vũ khí cho Kiev, vốn có thể làm bùng nổ căng thẳng hơn nữa với Moscow.

Ukraine lo thiếu vũ khí nghiêm trọng

Sự chuyển biến nhanh chóng trong nỗ lực viện trợ phản ánh sự thừa nhận của phương Tây rằng cuộc chiến mới có thể sẽ bị chi phối bởi các trận địa pháo và xe tăng khi các đơn vị bộ binh đổ bộ những cánh đồng bằng phẳng ở miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, việc đưa những vũ khí mới này tới được mặt trận một cách nhanh chóng cũng sẽ rất quan trọng trong những ngày tới. Khi những tính chất của cuộc chiến thay đổi, một làn sóng đội quân thiết giáp của Nga đang nhắm vào các đơn vị Ukraine trấn giữ phòng tuyến phía bắc của "chảo lửa" Mariupol, nơi hàng trăm tay súng tiếp tục cố thủ trong những đường hầm ngầm bên dưới nhà máy thép Azovstal.

Trung úy Ivan Skuratovsky của Ukraine bày tỏ lo ngại, nếu lực lượng tiếp viện dưới dạng nhân lực và vũ khí hạng nặng - đặc biệt là hỗ trợ trên không - không đến kịp trong vài ngày tới, quân đội của anh có thể rơi vào tình thế tương tự như ở Mariupol. "Tôi không biết chúng tôi còn lại bao nhiêu sức lực", Skuratovsky nói và cho biết thêm rằng binh sĩ dưới quyền chỉ huy của anh xung quanh thành phố Avdiivka, gần Donetsk, đã chiến đấu không ngừng nghỉ kể từ khi xung đột bắt đầu. Ít nhất 13 người đã bị thương trong những tuần gần đây, và họ đang cạn kiệt đạn dược một cách nguy hiểm.

Trong khi đó, các lực lượng Nga dường như tập hợp theo thế gọng kìm, bắt đầu từ phía bắc và phía nam, nhằm kẹp ít nhất 30.000 quân Ukraine ở phía đông và có thể cắt đứt nguồn tiếp tế của họ.

Hiện tại, vũ khí và viện trợ cho Ukraine đang tới, nhưng khi giai đoạn tấn công mới của Nga bắt đầu, việc phản công từ xa có thể sẽ là chìa khóa thành công của Ukraine. Pháo binh là một phần quan trọng trong nỗ lực của Ukraine, và các đơn vị tình nguyện đã sử dụng hiệu quả phi đội máy bay không người lái thương mại và tự chế để phát hiện các vị trí của Nga, cho phép tấn công pháo chính xác vào các dãy xe bọc thép.

KHẢ ANH

Nga khẳng định lập trường không chấp nhận chiến tranh hạt nhân

"Không thể chấp nhận" một cuộc chiến tranh hạt nhân là lập trường mang tính nguyên tắc của Nga, sự nguy hiểm của một cuộc xung đột như vậy không nên bị đánh giá thấp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố như vậy trong một chương trình trên kênh Channel One của Nga hôm 25-4 (giờ địa phương).

Theo hãng tin TASS của Nga, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã nhắc lại rằng vào tháng 1 năm nay, 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có Nga, đã ra tuyên bố về việc không thể chấp nhận một cuộc chiến tranh hạt nhân. Ngoại trưởng Lavrov khẳng định đó là lập trường mang tính nguyên tắc của Nga và Moscow không muốn nguy cơ này bị thổi phồng một cách giả tạo khi mà những rủi ro là khá lớn và có thực. Do đó, ông cho rằng không nên coi thường sự nguy hiểm của cuộc xung đột hạt nhân. Ông nhấn mạnh Nga đã và đang làm nhiều việc để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.