Vụ lao xe kinh hoàng ở Đức: Động cơ tấn công là gì?
Các nhà điều tra người Đức đang rất bối rối trong việc điều tra động cơ đằng sau vụ lao xe vào đám đông tại một nhà hàng ngoài trời ở thành phố Muenster hôm 7-4, vốn khiến 3 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer ngày 8-4 đã đến đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công ở Muenster. Ảnh: AO |
Một kẻ lái ô-tô đã đâm sầm vào nhóm người bên ngoài quán bar ở thành phố Muenster, thuộc phía tây nước Đức, giết chết 2 người và khiến 20 người khác bị thương trước khi tự tử.
Những hình ảnh trên truyền hình cho thấy, hiện trường vương vãi bàn ghế dính đầy máu. Cảnh sát phải đợi một đội xử lý bom để dọn dẹp chiếc xe sau khi phát hiện dường như trong xe có cài bom. Cuối cùng, cảnh sát chỉ tìm thấy vũ khí kẻ tấn công đã sử dụng để tự tử, một khẩu súng lục và một số pháo hoa. Một cuộc điều tra quy mô được mở ra ngay lập tức. Căn hộ của kẻ tấn công bị lục soát vào cuối ngày 7-4. Tại đây, cảnh sát tìm thấy nhiều pháo hoa và một khẩu súng AK47.
Không phải khủng bố?
Các nhà điều tra người Đức đang rất bối rối trong việc điều tra động cơ đằng sau của vụ đâm xe này. Martin Botzenhardt, công tố viên cao cấp ở thành phố Muenster cho biết: “Cho đến nay không có manh mối nào về động cơ của kẻ tấn công. Chúng tôi đang cố gắng điều tra tất cả các khả năng có thể”.
Vào cuối ngày 7-4, các nhà chức trách Đức gần như chắc chắn rằng, không có bất kỳ mối liên hệ Hồi giáo cực đoan nào trong vụ việc này như những sợ hãi ban đầu. Bộ trưởng Nội vụ bang Nordrhein-Westfalen của Đức ông Herbert Reul khẳng định: “không có dấu hiệu Hồi giáo cực đoan trong vụ đâm xe tại thành phố Munster”. Báo Sueddeutsche Zeitung cũng dẫn một số thông tin cho biết, thủ phạm gây ra vụ việc không có lý lịch liên quan đến khủng bố. Truyền thông cũng cho biết, tên này chỉ được xác định là Jens R, có thần kinh không ổn định. Tuy nhiên, trước đó, báo German Rheinische Post dẫn một số nguồn tin cảnh sát cho rằng, đây có khả năng là một vụ tấn công khủng bố.
Hiện cơ quan chức năng đang điều tra về một số thông tin cho rằng đã có 2 người nhảy ra khỏi xe và rời hiện trường sau khi vụ việc xảy ra.
Nỗi sợ hãi lan rộng
2 người thiệt mạng là một phụ nữ 51 tuổi và một người đàn ông 65 tuổi, cả hai đến từ miền bắc nước Đức. Trong khi đó, trong số 20 người bị thương, có 6 người đang trong tình trạng nguy kịch. Thủ tướng Đức Angela Merkel gửi lời chia buồn các nạn nhân và cho biết, bà “thật sự bị chấn động mạnh” bởi vụ việc. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định, giới chức điều tra sẽ nỗ lực xác định động cơ của kẻ tấn công là gì.
Cảnh sát có vũ trang thiết chặt an ninh ở khu vực rộng khắp hiện trường vụ tấn công, kêu gọi người dân tránh xa khu vực trung tâm thành phố để cho phép các nhà điều tra bắt đầu làm việc giữa những nỗi sợ hãi về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công cực đoan khác. Đức đặc biệt cảnh giác cao với các cuộc tấn công của các phe phái Hồi giáo sau khi nhóm cực đoan IS tuyên bố nhận trách nhiệm đứng sau một số vụ tấn công ở nước này và ở Pháp.
Vụ lao xe lần này đánh dấu làn sóng tấn công mới nhất trên khắp Châu Âu, trong đó xe tải được sử dụng để lao vào đám đông ở những nơi công cộng. Trong cuộc tấn công ở thủ đô Berlin vào tháng 12-2016, một công dân Tunisia tìm kiếm tị nạn ở Đức, Anis Amri đã bắt cóc một xe tải và giết chết tài xế người Ba Lan trước khi lao xe vào đám đông ở khu chợ Giáng sinh khiến 11 người chết và hàng chục người khác bị thương. Y đã bị cảnh sát Italia bắn chết ở Milan 4 ngày sau đó khi đang chạy trốn.
KHẢ ANH