Báo Công An Đà Nẵng

Vụ lừa đảo hơn 10 tỷ đồng ở Lâm Đồng: Trách nhiệm của văn phòng công chứng Vương Đình Hợp đến đâu?

Thứ năm, 18/04/2019 11:56

Thản nhiên công chứng ủy quyền để giao toàn quyền định đoạt số tài sản là 18 ô-tô các loại và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để bị cáo lừa đảo trót lọt 10,3 tỷ đồng, trong khi biết rõ trên cổng thông tin dữ liệu công chứng của Sở Tư pháp Lâm Đồng thể hiện những ô-tô này đang là tài sản thế chấp cho ngân hàng và có chủ sở hữu khác. Vậy nhưng, đại diện Văn phòng công chứng viện đủ lý do để thoái thác trách nhiệm.

Các bị cáo Võ Cảnh, Trần Thị Thu Trang và Phạm Thị Tùng Thanh (từ trái sang phải)

KINH DOANH TIỀN ĐỂ HƯỞNG PHẦN TRĂM

Cáo trạng số 08/CT-VKS ngày 28-1-2019 truy tố bị can Trần Thị Thu Trang (1975, trú 49-Nguyễn Du, TT  Di Linh, H. Di Linh) về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, truy tố 2 bị cáo Võ Cảnh (1980,  trú 35-Phú Đức, P. Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và Phạm Thị Tùng Thanh (1971, trú P.1, Q. 3, TPHCM) về tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” thể hiện: Từ cuối năm 2016 bà Trang có vay mượn tiền của nhiều người sau đó cho người khác vay lại để hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, những người vay tiền của bà Trang không trả dẫn đến bà Trang bị nợ nần chồng chất. Song song với việc kinh doanh tiền để hưởng phần trăm, bà Trang đã thuê hàng chục ô-tô của 4 người tại H. Di Linh là Phạm Minh Dũng, Vũ Mạnh Lâm, Vũ Văn Hiển, Nguyễn Duy Chương với giá từ 16 triệu đến 24 triệu đồng/tháng rồi cho người khác thuê lại với giá cao hơn.

Đến giữa năm 2017, do tiền lãi thu được không bao nhiêu, trong khi hàng tháng phải trả tiền thuê xe cho các chủ xe với số tiền hàng trăm triệu đồng nên Trang đưa các xe đã thuê đến cầm cố cho bà Võ Thị Kim Nga (1972, trú tổ dân phố 7, thị trấn Di Linh) để vay tiền. Do những xe Trang mang đi cầm không có giấy chứng nhận đăng ký bản gốc nên bà Nga không đồng ý. Bà Nga chỉ đồng ý cầm xe khi có giấy chứng nhận đăng ký bản gốc và hợp đồng ủy quyền. Để thực hiện ý đồ, Trang đã thuê Võ Cảnh làm giả giấy chứng nhận đăng ký mang tên Trang với giá 4 triệu đồng/giấy. Trang đã chụp hình các giấy chứng nhận đăng ký bản phô-tô gửi cho Cảnh qua zalo. Sau khi có thông tin, Cảnh đã nhờ Phạm Thị Tùng Thanh làm giả giấy tờ cho Trang với giá 1.800.000 đồng/giấy. Kết quả là Thanh và Cảnh đã làm giả 23 giấy chứng nhận đăng ký ô-tô và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên Trang có địa chỉ tại 28-Lê Lai, P. 5, TP Đà Lạt. Trong phi vụ làm ăn này, Cảnh thu lợi bất chính 54,6 triệu đồng, Thanh thu lợi 46,4 triệu đồng.

TRÁCH NHIỆM CỦA VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG VƯƠNG ĐÌNH HỢP?

Đại diện Văn phòng công chứng Vương Đình Hợp trình bày trước tòa.

Có được những giấy tờ giả này, Trang mang 18 ô-tô các loại và 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giả) đến cầm cho bà Nga để vay 10,3 tỷ đồng. Những hồ sơ vay tiền này đều được Văn phòng công chứng Vương Đình Hợp công chứng ủy quyền theo yêu cầu của bà Trang để giao toàn quyền định đoạt số tài sản cầm cố cho bà Nga trong khi biết trên cổng thông tin dữ liệu công chứng của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng thể hiện những ô-tô này đang là tài sản thế chấp cho ngân hàng và có chủ sở hữu khác, không phải bà Trang.

Trong phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng ngày 16-4, đại diện Văn phòng công chứng Vương Đình Hợp, ông Mai Xuân Sơn thừa nhận, về nguyên tắc là phải kiểm tra tính xác thực của tài sản và căn cứ dữ liệu trên cổng thông tin của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường thì từ chối công chứng. Khi chủ tọa chất vấn, ông Sơn đã viện lý do nhìn bằng mắt thường không phát hiện được các giấy tờ bà Trang mang đi công chứng là giả và có nhiều văn phòng công chứng cũng thực hiện công chứng như văn phòng của ông. Những đấu hiệu này cho thấy, Văn phòng công chứng Vương Đình Hợp đã vi phạm Điều 40 Luật Công chứng năm 2014.

Trước đó, tại cơ quan điều tra, đại diện Văn phòng công chứng Vương Đình Hợp cũng trình bày không biết các giấy chứng nhận đăng ký xe là giả. Vì thế cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Văn phòng công chứng này.

CÒN NHIỀU KHOẢN VAY NHƯNG NẠN NHÂN KHÔNG YÊU CẦU XỬ LÝ

Liên quan đến vụ án này, quá trình điều tra cơ quan CA còn làm rõ, trong năm 2017 Trang nói với bà Phạm Thị Thu Vy (1978, trú 51-Mỏ Cọ, TT Di Linh) rằng mình đang hợp tác cùng người khác mua nhiều ô-tô để kinh doanh và muốn thế chấp xe cho bà Vy để vay tiền. Kết quả là Trang đã thế chấp cho bà Vy 11 ô-tô các loại để vay tổng cộng 6 tỷ đồng, trong đó có 9 xe mang giấy đăng ký giả do Trang đứng chủ sở hữu. Trang cũng mang những hồ sơ này đến Văn phòng công chứng Vương Đình Hợp làm hợp đồng ủy quyền cho bà Vy. Sau này Trang đã lấy lại 5 xe từ Vy để mang đến thế chấp cho bà Nga.

Đến tháng 4-2018 khi các chủ xe đòi xe thì Trang mới nói thật với bà Vy rằng những xe đang thế chấp không phải xe của Trang và đề nghị cho xin lại xe để trả về cho chính chủ. Trong vụ việc này, bà Vy không làm đơn tố cáo, số tiền nợ bà Vy đồng ý cho Trang trả dần. Ngoài ra Trang còn vay của nhiều người khác với số tiền 1,4 tỷ đồng bằng thủ đoạn thuê ô-tô của các nạn nhân rồi mang đi cho thuê lại hoặc làm giả giấy tờ rồi cầm cố.

Sau một lần hoãn phiên tòa do yêu cầu của luật sư, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 16-4, TAND tỉnh Lâm Đồng cũng 2 lần tạm dừng phiên tòa để hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Văn phòng công chứng Vương Đình Hợp trong vụ án.

MAI KHÔI