Báo Công An Đà Nẵng

Vụ máy bay Malaysia mất tích: Trung Quốc lo khủng bố

Thứ ba, 11/03/2014 09:07

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc đang lo sốt vó khi có tin là 153 người dân nước này đi trên chuyến bay định mệnh MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích hôm 8-3.

Bất chấp nỗ lực cứu hộ và tìm kiếm đa quốc gia, số phận máy bay mất tích của Hãng hàng không Malaysia Airlines vẫn hoàn toàn bí ẩn. Trước mối lo ngại khủng bố “từ Tân Cương” ngày càng tăng, Trung Quốc ngày 10-3 hối thúc Malaysia tăng cường các nỗ lực tìm kiếm và điều tra vụ việc.

Theo Reuters, Bắc Kinh cử một nhóm công tác gồm quan chức các bộ ngoại giao, công an và giao thông vận tải, tới Malaysia để điều tra vụ việc và giúp đỡ thân nhân các hành khách bị nạn. Một đội an ninh cũng đã đến Kuala Lumpur, giúp đỡ điều tra vụ 2 hộ chiếu giả.

Cầu nguyện cho những hành khách trên chuyến bay MH370 bị mất tích. Ảnh: Reuters

TRUYỀN THÔNG TRUNG QUỐC CHỈ TRÍCH MALAYSIA

Theo các nguồn tin, gần 2/3 trong số 239 người trên chuyến bay MH370 là người Trung Quốc. Nếu thông tin máy bay bị mất tích được khẳng định thì đây sẽ là thảm họa hàng không tồi tệ thứ 2 trong lịch sử nước này.

Ngày 10-3, tại một khách sạn Bắc Kinh, các quan chức Đại sứ quán Malaysia tích cực xử lý thị thực cho thân nhân đến Kuala Lumpur để cùng chứng kiến các hoạt động cứu hộ. Nhiều người đứng tụm nhóm, tay nắm chặt tay, khuôn mặt đẫm nước mắt. Nhiều người khác nói sẽ không đi. “Họ thậm chí còn không tìm thấy chiếc máy bay nào”, một người phụ nữ nói với AFP. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama đã nói chuyện qua điện thoại, trong đó ông chủ Nhà Trắng bày tỏ sự cảm thông và nói rằng, Mỹ đang sẵn sàng hợp tác “toàn diện” với Trung Quốc trong các nỗ lực cứu hộ.

Động thái này diễn ra khi ngày càng có nhiều nghi vấn về khả năng sai sót an ninh, đánh bom hoặc không tặc làm máy bay rơi, sau khi Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) khẳng định, ít nhất 2 hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp đi trên chuyến bay này. Bất chấp việc chính quyền Bắc Kinh yêu cầu các phương tiện truyền thông trong nước không độc lập phân tích hay bình luận về vụ việc này theo chiều hướng gây tâm lý bất mãn, truyền thông nhà nước mạnh miệng chỉ trích Malaysia và hãng hàng không quốc gia nước này về cách thức xử lý vụ việc, đồng thời kêu gọi phản ứng nhanh hơn và siết chặt an ninh sân bay.

“Phía Malaysia không thể né tránh trách nhiệm”, bài xã luận của Global Times mở đầu với lời lẽ gay gắt. “Phản ứng đầu tiên của Malaysia là không đủ nhanh nhạy. Có những lỗ hổng trong hoạt động của Malaysia Airlines và giới chức an ninh. Nếu đó là do sự cố kỹ thuật chết người hoặc lỗi của phi công, sau đó Malaysia Airlines nên thừa nhận trách nhiệm. Nếu đây là một vụ tấn công khủng bố, vấn đề nằm ở khâu kiểm tra an ninh tại sân bay Kuala Lumpur và trên máy bay”, nội dung bài xã luận nêu rõ.

MỐI LO KHỦNG BỐ GIA TĂNG

Trong khi đó, China Daily – tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc - nhận định, “không thể loại bỏ yếu tố khủng bố do giới chức Malaysia và quốc tế vẫn lúng túng giải thích vì sao ít nhất 2 hành khách lại có thể lên máy bay bằng hộ chiếu đánh cắp của người Italia và người Áo”.

Thật sự, nghi vấn về khả năng khủng bố nổi lên sau khi cơ quan chức năng phát hiện ít nhất 2 hành khách trên máy bay sử dụng hộ chiếu đánh cắp. “Họ là ai và tại sao sử dụng hộ chiếu giả?”, China Daily đặt câu hỏi. Theo báo này, thực tế một số các hành khách sử dụng hộ chiếu giả đi trên máy bay là lời cảnh báo cho toàn thế giới rằng, an ninh hàng không cần phải siết chặt hơn nữa, đặc biệt là tại các sân bay, kể từ khi chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy. Ngay sau đó, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar khẳng định đã xác định danh tính của 1 trong 2 người sử dụng hộ chiếu giả thông qua băng ghi hình giám sát tại sân bay. Theo ông Bakar, đối tượng trên không phải là người Malaysia song không tiết lộ gì thêm.

Giờ đây, mối lo ngại nguy cơ máy bay bị khủng bố ngày càng gia tăng khi người đứng đầu cơ quan tình báo Đài Loan (Trung Quốc) cho biết đã nhận được cảnh báo tấn công khủng bố nhằm vào sân bay và hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Bắc Kinh. Thông tin nhận được 4 ngày trước khi máy bay Boeing 777 trên gặp nạn khi đang thực hiện hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.

Tuy nhiên, hiện chưa có gì chắc chắn liệu có mối liên hệ nào giữa hai vụ việc này hay không và các giới chức cũng tuyên bố hiện còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào trong khi Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra.

NHỮNG CÂU HỎI  BÍ ẨN

Vụ mất tích bí ẩn này đang làm dấy lên nhiều câu hỏi quanh số phận của chuyến bay định mệnh MH370 này.

Theo Tân Hoa Xã, câu hỏi quan trọng thứ nhất, vì sao máy bay đột ngột mất liên lạc?. Theo đó, giới phân tích cho rằng, máy bay có thể bay vào vùng mây tích mưa và mất kiểm soát hoặc các phi công lái máy bay có thể mắc lỗi và cuối cùng là do liên lạc giữa mặt đất và máy bay bị lỗi. “Việc không gửi tín hiệu báo nguy cho thấy đã xảy ra chuyện rất đột ngột và rất dữ dội”, ông William Waldock, người dạy về điều tra tai nạn tại Đại học hàng không Embry-Riddle ở Arizona, Mỹ, cho biết. Bởi dù chỉ gặp sự cố nhỏ hoặc thậm chí là nặng như tắt cả 2 động cơ, phi công vẫn có đủ thời gian để liên lạc xin giúp đỡ.

Vậy điều gì đã xảy ra với máy bay? Việc máy bay mất tích quá bí ẩn do nó đang bay ở độ cao hành trình - giai đoạn được cho là an toàn nhất - không phải ở giai đoạn nguy hiểm là cất cánh và hạ cánh. Các chuyên gia phỏng đoán máy bay có thể đột ngột vỡ trên không hoặc lao thẳng xuống biển với tốc độ rất cao. Khả năng máy bay bị khủng bố cũng được đặt ra. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không cho rằng, dù có bị khủng bố, phi công vẫn có đủ thời gian thông báo sự việc do các khoang lái máy bay đều đã được lắp cửa chống đạn.

Giờ đây, nhiều người tự hỏi liệu có hy vọng sống sót nào cho những người trên máy bay? Có một câu nói nổi tiếng trong ngành hàng không “Thà đâm vào đồi núi hơn là lao xuống biển”. Vì vậy, nếu máy bay phát nổ và lao xuống biển, cơ hội sống sót cho hành khách dường như là số 0. Tuy nhiên việc tìm kiếm máy bay sẽ trở nên dễ dàng hơn do các mảnh vỡ sẽ nằm rải rác trên một cự ly khoảng hơn 100km. Nhưng vì sao các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã hoạt động tích cực trong nhiều ngày qua vẫn vô vọng? 3 máy bay, 46 tàu cùng nhân lực từ 8 quốc gia tham gia tìm kiếm máy bay mất tích này. Đã 3 ngày trôi qua, người ta vẫn chưa tìm được bất kỳ mảnh vỡ nào.

“Thật không may, chúng tôi không tìm thấy bất cứ cái gì có vẻ như là các mảnh vỡ từ máy bay”, Azharuddin Abdul Rahman, Tổng Giám đốc bộ phận hàng không dân dụng Malaysia, nói với các phóng viên hôm 10-3.

Khả Anh