Báo Công An Đà Nẵng

Vụ nổ ga tàu điện ngầm New York: Nhằm trả đũa “quyết định Jerusalem” của ông Trump?

Thứ tư, 13/12/2017 11:29

Giới chức chưa tiết lộ động cơ của kẻ tấn công hôm 11-12 tại ga tàu điện ngầm Manhattan, New York làm 5 người thiệt mạng, nhưng một kênh tuyên truyền ủng hộ IS tuyên bố, vụ đánh bom nhằm trả đũa việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

 

Vụ nổ xảy ra vào khoảng 7 giờ 20 trong đường hầm đông đúc nối ga tàu điện ngầm Times Square và ga tàu điện ngầm Port Authority, bên dưới trạm xe buýt Port Authority, gần Quảng trường Thời đại, nơi có đến 220.000 lượt hành khách mỗi ngày.

Theo một quan chức thực thi pháp luật, nghi phạm được phát hiện lần đầu tiên trên camera an ninh khi y bắt đầu leo lên cầu thang của ga tàu điện ngầm tới bến tàu 18 Avenue F. ở Brooklyn lúc 6 giờ 25. Sau đó, y chuyển sang chuyến tàu A ở trạm dừng Jay St./Metro Tech ở Brooklyn trước khi rời khỏi ga tàu tại bến xe buýt Port Authority ở Manhattan. Cảnh trên camera cho thấy, người đi bộ đang đi trong đường hầm thì một vụ nổ phun khói mù mịt vào hành lang. Sau khi khói tan bớt, một người đàn ông nằm trên mặt đất.

Kẻ tấn công cam kết trung thành với IS

Theo người phát ngôn của Bộ An ninh Nội địa Tyler Houlton, nghi phạm tên là Akayed Ullah, 27 tuổi, người Bangladesh đến Mỹ từ năm 2011 theo thị thực di dân gia đình F43. Y là một cư dân hợp pháp thường trú ở Brooklyn. Y từng cam kết trung thành với IS. Y khai đã thực hiện vụ này là để trả đũa cho những hành động của người Israel chống lại người Hồi giáo Palestine tại dải Gaza. Giới chức chưa tiết lộ động cơ của Ullah nhưng một kênh tuyên truyền ủng hộ IS tuyên bố, vụ đánh bom nhằm trả đũa việc Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ullah gần đây làm công việc thợ điện gần ga Port Authority cùng với anh trai của y, người đang sống trong cùng một căn hộ với nghi phạm. Ullah mang theo ít nhất 2 thiết bị nổ song chỉ có một cái phát nổ. Đó là một quả bom ống có chứa bột màu đen, pin, dây điện, móng tay và đinh vít. Thiết bị nổ tự chế này được gắn lên người Ullah bằng dây buộc thô sơ. Theo một quan chức, nghi phạm chế tạo quả bom này vào tuần trước tại căn hộ của y ở Brooklyn. Quan chức New York Andrew Cuomo cho biết đó là “thiết bị công nghệ cao”, nhưng may mắn chỉ chất nổ bốc cháy còn quả bom ống không nổ, làm giảm tác động của nó. “May mắn cho chúng tôi, quả bom phát nổ một phần”, ông nói. Ullah bị bỏng ở tay và vùng bụng. Không có vết thương nào nguy hiểm đến tính mạng. Y hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bellevue.

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio gọi vụ việc là “nỗ lực tấn công khủng bố”, trong khi cảnh sát James O’Neill gọi đó là “sự cố liên quan tới khủng bố”.

Lỗ hổng an ninh

Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh an ninh đã được thắt chặt tại New York, đặc biệt ở Quảng trường Thời đại, nơi hàng nghìn người sẽ tụ tập trong đêm Giao thừa để đón chào năm mới. Vụ đánh bom cũng cho thấy những vấn đề về an toàn khi New York với lực lượng an ninh khổng lồ và hàng loạt biện pháp đảm bảo an ninh vẫn không thể nào loại trừ những phần tử đánh bom tự sát. Akayed Ullah đã chứng minh điều đó khi y thực hiện vụ khủng bố ngay tại khu vực có máy quay an ninh và lực lượng an ninh dày đặc của nhà ga gần Quảng trường Thời đại.

Đây là lần thứ hai trong 2 tháng New York trở thành mục tiêu của tấn công khủng bố. Các vụ tấn công khủng bố trong thời gian gần đây tại Mỹ thường diễn ra theo kiểu “sói đơn độc”. Vụ nổ trên xảy ra chỉ chưa đầy 2 tháng, sau vụ một người nhập cư từ Uzbekistan đâm xe tải vào người đi bộ khiến 8 người thiệt mạng. Hồi tháng 9-2016, một đối tượng cũng làm bị thương hơn 20 người sau khi cho nổ một quả bom tự chế tại khu vực Chelsea của New York.

Chuyên gia Darrell West của Viện nghiên cứu Brookings nhận định, vụ nổ tại New York cho thấy, Mỹ hoàn toàn có thể bị tấn công, trong bối cảnh tổ chức IS cùng các mạng lưới khủng bố khác có tầm ảnh hưởng rất lớn và đã truyền cảm hứng cho nhiều vụ tấn công do các cá nhân thực hiện trên toàn thế giới.  Giới chuyên gia cũng cho rằng, vụ tấn công cho thấy những thách thức mà chính quyền Washington đang phải đối mặt. Trong một xã hội cởi mở, nơi mà người dân có thể tự do đi lại mà không sợ bị cảnh sát thẩm vấn nếu không có lý do hợp lệ, các vụ tấn công có thể và sẽ xảy ra. Theo cựu Phó Giám đốc Văn phòng tình báo Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Wayne White, có hàng triệu địa điểm trên khắp nước Mỹ có thể trở thành “mục tiêu mềm” cho các vụ tấn công, như siêu thị, khu mua sắm, nhà thờ, khu dân cư...

Chính sách nhập cư lỏng lẻo

Tổng thống Trump cho rằng, chính sách nhập cư lỏng lẻo là nguyên nhân gây ra sự cố này, đồng thời nhấn mạnh, vụ tấn công đã làm nổi bật “nhu cầu cấp bách” của Quốc hội để ban hành luật về cải cách nhập cư.

Ông cho biết, nghi phạm của vụ tấn công đã nhập cảnh vào Mỹ bằng hình thức thị thực dựa trên kết nối gia đình, hay còn được gọi là “chuỗi nhập cư” - chính sách vốn bị Tổng thống Mỹ coi là hiện “không còn phù hợp với an ninh quốc gia”. Chính vì thế, Nhà Trắng kêu gọi cải cách hệ thống nhập cư, cho rằng, vụ nổ ở thành phố New York là bằng chứng cho thấy Mỹ cần tăng cường an ninh biên giới.

Trong buổi họp báo nhanh, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nêu rõ: “Vụ tấn công này nêu bật sự cần thiết của việc Quốc hội làm việc với Tổng thống về cải cách hệ thống nhập cư nhằm tăng cường an ninh quốc gia và an toàn công cộng”.

AN BÌNH

Nghi phạm Akayed Ullah bị bỏng ở tay và bụng sau vụ nổ bom. Ảnh: New York Post