Báo Công An Đà Nẵng

Vụ phá rừng pơmu tại khu vực biên giới: Khẩn trương khởi tố điều tra, làm rõ vụ việc

Thứ sáu, 15/07/2016 12:10

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-7, CAH Nam Giang (Quảng Nam) phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục vào hiện trường kiểm đếm, điều tra vụ phá rừng pơmu tại khu vực gần cột mốc biên giới 717, giáp ranh với nước bạn Lào. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng phát hiện số lượng cây pơmu bị triệt phá lên đến 60 cây, không như thông tin ban đầu là 30 cây.

Theo chân đoàn kiểm tra, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có dịp tiếp cận hiện trường vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng trên. Từ con đường tuần tra biên giới, chỉ chưa đến một giờ đi bộ men theo đường mòn, chúng tôi dễ dàng tiếp cận địa điểm phá rừng trên. Khu vực rừng bị phá được xác định nằm ở khoảnh 10, tiểu khu 351. Tại hiện trường nơi rừng bị phá, cảnh tượng kinh hoàng như vừa mới bị dội bom. Hàng chục cây pơmu cùng các loại cây khác nằm la liệt. Nhiều phần cây, phách gỗ chưa kịp đưa ra khỏi rừng nằm rải rác khắp nơi. “Tôi công tác nhiều năm ở huyện miền núi này, nhưng chưa thấy vụ phá rừng nào đặc biệt nghiêm trọng như vụ này. Mức độ rừng bị tàn phá quá khủng khiếp. Hàng chục cây pơmu quý hiếm bị đốn hạ không thương tiếc. Trung bình mỗi cây có khối lượng 10m3. Số gỗ còn lại ở hiện trường rất nhiều”- Trung tá Hà Thế Xuyên- Phó trưởng CAH Nam Giang xót xa nói.



Lực lượng chức năng tiến hành đo đếm hiện trường nơi rừng pơmu bị phá.

Pơmu là loại cây sống theo quần thể, do vậy khi bị lâm tặc đốn hạ thì cả quần thể rừng bị triệt hạ theo. Từ cây có đường kính vài chục centimet đến cả mét đều bị đốn hạ. Hiện trường để lại cho thấy diện tích rừng trên bị phá chỉ cách đây khoảng 1 tháng. Điều đáng nói, để đốn hạ, xẻ gỗ ra thành phách lâm tặc dùng máy cưa lốc. Một cán bộ địa phương cho biết, khi máy cưa lốc hoạt động thì người dân nằm trong bán kính từ 5 đến 7 km đều nghe thấy. Trong khi đó, nơi rừng bị triệt phá chỉ cách Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang khoảng 4km.

Lý giải cho vụ việc trên, chiều 14-7, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang Nguyễn Tấn Lạc cho rằng đây là vụ việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn mà lực lượng biên phòng không phát hiện kịp.  “Khu vực trên thuộc sự quản lý của chúng tôi, thế nhưng anh em đi tuần tra chỉ đi trên trục đường tuần tra nên không phát hiện được. Có thể người phía bên Lào qua phá rừng chứ nếu người bên mình qua đó thì đã bị lực lượng biên phòng phát hiện rồi...”- ông Lạc lý giải.

Những gốc pơmu bị triệt hạ có đường kính cả mét.

Sau khi kiểm tra tại hiện trường và chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá khủng khiếp, Trung tá Hà Thế Xuyên khẳng định: “Sau khi phát hiện sự việc trên, CAH huy động toàn bộ lực lượng phối hợp với Đồn CA Chà Vàl, lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ. Hiện chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ vụ việc. Quan điểm của chúng tôi là nhanh chóng, khẩn trương xử lý nghiêm vụ này”.

Còn ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cũng quả quyết: “Chúng tôi sẽ dốc lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng sớm hoàn tất khám nghiệm hiện trường, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án sớm nhất có thể. Vì đây là vụ phá rừng nghiêm trọng, có quy mô lớn, triệt phá gỗ pơmu là loại gỗ quý hiếm thuộc nhóm 2A”.

Liên quan đến 280 phách gỗ với khối lượng 28m3 bị phát hiện trước đó, hiện số gỗ trên đang được tập kết tại Trạm Kiểm lâm địa bàn Chà Vàl (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung). Gỗ được xẻ theo quy cách, có chiều dài 2 đến 2,2m, rộng 15-20cm. Số lượng gỗ trên được lực lượng Kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt để phục vụ cho quá trình điều tra.

Trần Tân