Báo Công An Đà Nẵng

Vụ Rừng phòng hộ Sông Kôn bị tàn phá: Cần làm rõ trách nhiệm chủ rừng

Thứ bảy, 31/03/2018 15:00

Liên quan đến vụ Rừng phòng hộ Sông Kôn (H. Đông Giang, Quảng Nam) bị tàn phá, ngày 30-3, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu đã có chuyến thực tế kiểm tra tình trạng phá rừng tại đây. Có mặt tại hiện trường, ông Lê Trí Thanh nhìn nhận, mức độ tàn phá rừng tại H. Đông Giang khá nghiêm trọng. Sờ tay lên một thân cây gỗ chò đã bị đốn hạ, ông Thanh buồn bã nói: "Tôi thật sự đau xót khi tận mắt chứng kiến những cây cổ thụ ngã xuống như thế này, nó đau như máu trong người tôi đổ xuống vậy".



Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng đoàn công tác kiểm tra hiện trường sáng 30-3.

Sau hơn 1 tiếng băng rừng, vượt suối ghi nhận hiện trường vụ việc, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tại UBND xã Jơ Ngây (H. Đông Giang) để nghe thông tin cụ thể về tình trạng phá rừng, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể để xử lý vụ việc cũng như những góp ý để quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn.

Tại buổi làm việc, ông Hồ Văn Minh - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn (chủ rừng) cho rằng, đơn vị đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuần tra, bảo về rừng trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán theo Kế hoạch 147 của UBND tỉnh. Cụ thể, các tổ Kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với chủ rừng tăng cường tuần tra giám sát tại các điểm trọng yếu. "Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, cả đơn vị chỉ có 21 đồng chí, trong đó, 3 đồng chí quản lý khu vực H. Đại Lộc, địa bàn quản lý lại quá rộng nên công tác tuần tra gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, đơn vị đã kiểm điểm các cán bộ thuộc Trạm kiểm lâm số 3 vì đã để xảy ra sự việc trên"- ông Minh lý giải. Bản thân là người đứng đầu nhưng đã để xảy ra tình trạng trên ông Minh cho biết cũng đã tự kiểm điểm nhận trách nhiệm.

Về mặt quản lý địa phương, ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND H. Đông Giang cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin của lực lượng CAH về việc phát hiện vụ phá rừng, UBND huyện đã nhanh chóng chỉ đạo cho CQĐT triển khai công tác điều tra, xác minh làm rõ. Ngày 21 và 22-3, CQĐT CAH đã tiến hành khám nghiệm hiện trường. Kết quả cho thấy có 33 cây gỗ chò, xoan đào đã bị khai thác thuộc nhóm III đến VII với tổng khối lượng cây đứng là 72,662m3, còn tại hiện trường 8 phách gỗ xẻ, 5 lóng gỗ tròn và một thân cây gỗ, tổng khối lượng 13,154m3. "Trước mắt, kiểm điểm các cá nhân chủ chốt của UBND các xã Tà Lu, Zà Hung; kiểm điểm tập thể BQL rừng phòng hộ Sông Kôn, Hạt Kiểm lâm Đông Giang - Tây Giang vì đã buông lỏng trong công tác quản lý bảo vệ rừng thuộc lâm phận được giao"- ông Hươm nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ phá rừng trên, Đại tá Nguyễn Đình Hùng - Trưởng CAH Đông Giang thông tin thêm, trước đó qua công tác tuần tra, lực lượng CA phát hiện một xe tải đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh thuộc xã Zà Hung. Khi phát hiện lưc lượng CA, các đối tượng đã vứt gỗ xuống đường rồi bỏ chạy. Qua kiểm tra, phát hiện có 5,077m3 gỗ có kích thước lớn, tiếp tục tiến hành điều tra, xác định đây là gỗ thuộc khu vực Đông Giang nên đơn vị đã báo cáo lên UBND tỉnh, cùng phối hợp với Kiểm lâm tiến hành vào cuộc điều tra. "Sau thời gian điều tra, chúng tôi đã phát hiện, bắt quả tang 3 đối tượng là Vũ Văn Trứng (1982), Vũ Văn Cưng (1978, cùng trú xã A Ting, H. Đông Giang), Nguyễn Hùng (1992, trú xã Jơ Ngây, H. Đông Giang) khi đang khai thác gỗ trái phép tại khu vực tiểu khu 140 và 41 thuộc rừng phòng hộ Sông Kôn, tịch thu nhiều máy cưa, máy xẻ gỗ. Qua đấu tranh, bắt giữ thêm 2 đối tượng Bnướch Hồng (1983), A Ting Bnóc (cùng trú xã Jơ Ngây). Hiện CQĐT đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can"- Đại tá Hùng nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của chủ rừng và chính quyền địa phương đã để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian dài như trên. Đại tá Dũng cũng lưu ý CQĐT cấp huyện, trong quá trình điều tra, xét thấy vụ việc phức tạp thì nên chuyển hồ sơ lên cấp trên để được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Gỗ bị phá còn bỏ tại hiện trường.

Sau khi nghe các ngành chức năng và chính quyền địa phương báo cáo, ông Lê Trí Thanh nhìn nhận rằng, diện tích rừng tại Quảng Nam lớn, bên cạnh đó lực lượng Kiểm lâm lại mỏng nên công tác quản lý rừng xưa nay là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Mặc dù lực lượng chức năng đã phối hợp thực thiện rất tốt Kế hoạch 147 của UBND tỉnh nhưng lâm tặc quá tinh vi và manh động, lợi dụng thời điểm Tết Nguyên đán, công tác quản lý yếu để ra tay.

Qua vụ việc lần này, ông Thanh yêu cầu các lực lượng chức năng phối hợp một cách khoa học, chủ động tuần tra linh hoạt tùy vào điều kiện thực tế. Cần phải quyết liệt, nắm bắt nguồn tin từ nhân dân, vận động người tố giác tội phạm. "Hiện vụ việc đã xác định được đối tượng, các cơ quan chức năng nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can tiến tới xử lý đúng người đúng tội, có tính răn đe. Các đơn vị liên quan có báo cáo cụ thể để xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể để có hướng xử lý tùy theo mức độ vi phạm..."- ông Thanh nhấn mạnh.

LÊ VƯƠNG