Vụ thủ lĩnh đối lập Navalny: Nga sẽ đáp trả biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, EU
Ngày 2-3, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 7 quan chức cấp cao của Nga và 14 thực thể liên quan tới vụ bắt giữ thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny.
Thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny đến Tòa án quận Babuskinsky ở Moscow, Nga, hôm 20-2. Ảnh: EPA |
EU - gồm 27 quốc gia thành viên - đã áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản trong Châu Âu của lãnh đạo Cơ quan Quản lý nhà tù liên bang Alexander Kalashnikov, người đứng đầu Ủy ban Điều tra Alexander Bastrykin, Tổng công tố liên bang Igor Krasnov và Chỉ huy lực lượng Vệ binh quốc gia Viktor Zolotov. EU cho biết, 4 quan chức trên bị liệt vào danh sách trừng phạt do vai trò của họ trong vụ bắt giữ tùy tiện, khởi tố và kết án ông Navalny, cũng như đàn áp người biểu tình ôn hòa phản đối việc ông Navalny bị đối xử một cách bất hợp pháp.
Trong khi đó, theo một số quan chức cấp cao Mỹ, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 7 thành viên của chính phủ Nga, trong đó có Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov. Theo lệnh trừng phạt, Mỹ sẽ phong tỏa tài sản, ngoài ra, bất kỳ giao dịch nào từ nước này với những người trong danh sách trừng phạt sẽ bị truy tố. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ bổ sung 14 nhóm vào danh sách các thực thể bị trừng phạt vì sản xuất tác nhân sinh học và hóa chất, bao gồm 9 tổ chức thương mại ở Nga, 3 ở Đức và 1 ở Thụy Sĩ. Lệnh trừng phạt bao gồm kiểm soát xuất khẩu đối với các thực thể này.
Nga tuyên bố “ăn miếng trả miếng”
Không giống như các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên nền kinh tế Nga vào năm 2014 để đáp trả việc sáp nhập Crimea, các chuyên gia cho rằng các lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản hiện không mấy hiệu quả, bởi giới chức chính phủ Nga không có quỹ ở các ngân hàng EU và cũng chẳng đi đến EU.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev tuyên bố Moscow sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của EU và Mỹ trong vụ việc liên quan đến chính trị gia đối lập Alexey Navalny. Thượng nghị sĩ Kosachev khẳng định “với EU và Mỹ, tình hình hiện nay không quan trọng mà chỉ là cái cớ để bôi nhọ lãnh đạo Nga”. Theo ông, đây là “kỹ thuật không thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế”, “và chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng của Nga”.
Ông Alexey Chepa, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga, cùng ngày cho rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào những người đứng đầu cơ quan thực thi công vụ của EU và Mỹ là vô nghĩa, bởi họ không thể hành động theo cách khác và vi phạm pháp luật. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga ngày 2-3 đã bình luận rằng các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt sau EU là “cái cớ để tiếp tục công khai can thiệp vào công việc nội bộ” của Nga. Bà Maria Zakharova khẳng định Moscow “sẽ phản ứng trên nguyên tắc có đi có lại, không nhất thiết phải tương xứng”.
Yêu cầu thả ông Navalny
Ông Navalny, 44 tuổi, đã ngã bệnh trên một chuyến bay ở Siberia vào tháng 8-2020 và được đưa tới Đức. Các bác sĩ tại Đức kết luận ông đã bị hạ độc bằng chất độc thần kinh. Điện Kremlin phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong vụ việc và cho biết không có bằng chứng xác thực ông bị hạ độc.
Ngay sau khi từ Đức trở về Moscow hôm 17-1, ông lập tức bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm điều khoản án treo. Hôm 2-2, một tòa án ở Moscow tuyên phạt ông Navalny 2 năm 8 tháng tù vì vi phạm các điều khoản án treo mà ông bị tuyên liên quan tới một vụ biển thủ 400.000 USD hồi năm 2014.
Quyết định từng phạt Nga của Mỹ được đưa ra sau khi một đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ kết luật “với độ tin cậy cao” rằng các sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để đầu độc ông Navalny, điều mà Moscow luôn bác bỏ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi việc truy tố và bắt giữ lãnh đạo đối lập Navalny là “mang động cơ chính trị” và khẳng định chính phủ Nga phải thả ông Navalny ngay lập tức. Các quan chức cấp cao Mỹ khẳng định, các bước đi đang được triển khai với sự phối hợp của EU, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden yêu cầu Nga trả tự do cho ông Navalny.
Sự khác biệt của ông Biden
Mặc dù các lệnh trừng phạt này chủ yếu mang tính biểu tượng, song các biện pháp trừng phạt lần này là hành động cứng rắn đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden với Nga kể từ khi ông nhậm chức. Trong khi hầu hết các Tổng thống khi nhậm chức đều tuyên bố sẽ tìm cách điều chỉnh quan hệ với Nga thì ông Biden đã làm điều ngược lại. Các quan chức Mỹ cũng nhận định rằng điều đó cho thấy ông Biden sẽ đối xử với Nga khác biệt so với người tiền nhiệm.
Tổng thống Biden khẳng định ông sẽ phản đối ông Putin trước những động thái có thể gây tổn hại cho Mỹ hoặc các đồng minh của nước này, trong khi vẫn tìm cách hợp tác với Moscow về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. “Lệnh trừng phạt không phải một “viên đạn bạc” cũng như không thể chấm dứt những khó khăn trong quan hệ với Nga. Chúng tôi cho rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục là thách thức trong thời gian tới. Chúng tôi đã chuẩn bị cho điều đó, chúng tôi không tìm cách điều chỉnh lại quan hệ với Nga nhưng cũng không muốn làm leo thang căng thẳng”, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay.
AN BÌNH