Báo Công An Đà Nẵng

Vụ tiết lộ “Hồ sơ Panama”: Những bí ẩn chấn động thế giới

Thứ ba, 05/04/2016 09:51

(Cadn.com.vn) - Nhiều nhà lãnh đạo thế giới, nhiều ngôi sao sân cỏ và điện ảnh cùng hàng chục tỷ phú đều có tên trong “Hồ sơ Panama” - tài liệu mật hé lộ những vụ rửa tiền và trốn thuế chấn động thế giới.

Chưa bao giờ, giới báo chí thế giới lại sục sôi như thế này, khi hơn 11 triệu tài liệu chứng từ thuế “siêu tuyệt mật” của Cty luật Mossack Fonseca - có trụ sở ở Panama - bị rò rỉ, qua đó tiết lộ những “tài sản xa bờ” bí ẩn của khoảng 140 chính trị gia nổi bật trên khắp thế giới.

“Hồ sơ Panama” là thành quả điều tra trong hơn 1 năm qua của báo Sueddeutsche Zeitung ở Đức, nơi được cung cấp kho tài liệu của Mossack Fonseca, cùng với hơn 100 tập đoàn truyền thông trên toàn thế giới. “Hồ sơ Panama” được Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố vào hôm 3-4 (ngày 4-4, giờ Việt Nam). Số tài liệu mật này, được lấy từ hệ thống nội bộ của Cty luật Mossack Fonseca, thật sự gây chấn động vì liên quan đến khoảng 214.000 Cty ma tại các nước cùng các nhân vật nổi tiếng, giàu có đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra còn có tên ít nhất 33 cá nhân và Cty nằm trong “danh sách đen” vì có những hành vi sai trái như giao dịch với những trùm ma túy Mexico, những tổ chức khủng bố như Hezbollah hoặc các nước bị trừng phạt như Iran và Triều Tiên.

Tuy nhiên, Mossack Fonseca lên tiếng bác bỏ những cáo buộc này và khẳng định, trong gần 40 năm hoạt động, họ chưa bao giờ bị cáo buộc phạm tội sai trái nào cả. Một trong những người sáng lập Cty luật Mossack Fonseca, Ramon Fonseca nói với AFP rằng, việc rò rỉ lần này là “một tội ác” và cho rằng, đây là “một cuộc tấn công vào Panama”.

Tên tuổi Tổng thống Mauricio Macri có trong danh sách trốn thuế tại “Hồ sơ Panama”,
nhưng chính phủ Argentine bác bỏ mọi cáo buộc. Ảnh: Telegraph

Bật mí “những thiên đường” trốn thuế, rửa tiền

Trong “Hồ sơ Panama”, tên tuổi của khoảng 140 chính trị gia và quan chức thế giới, trong đó có 12 nhà lãnh đạo cấp cao, có những giao dịch tài chính ngầm ở nước ngoài đã bị phanh phui.

Đó là Thủ tướng Iceland Sigmundur  Gunnlaugsson, Thủ tướng Pakistan Nawar Sharif, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Tổng thống Argentine Mauricio Macri, Quốc vương Salman của Saudi Arabia... Các nhà điều tra cũng cáo buộc một phụ tá thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bí mật hoán đổi 2 tỷ USD thông qua các ngân hàng và các Cty ma để trốn thuế. Hồ sơ cũng cho thấy gia đình của ít nhất 8 quan chức cấp cao của Trung Quốc có tài sản bí mật ở nước ngoài, trong đó có một người thân của Chủ tịch Tập Cận Bình. Một số nhà lãnh đạo từng rất có thế lực như cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi cũng tìm đến Mossack Fonseca. Trong khi đó, các nhân vật nổi tiếng như diễn viên Thành Long (Trung Quốc) hay ngôi sao bóng đá Lionel Messi cũng đều có tên trong danh sách mật này.

Và điều quan trọng, “Hồ sơ Panama” cho thấy “con đường” mà các ngân hàng đang đi để tạo ra những “thiên đường” trốn thuế. Theo đó, Mossack Fonseca thiết lập hơn 15.000 Cty ở nước ngoài cho khách hàng theo yêu cầu của hàng trăm ngân hàng trên khắp thế giới.

Chính phủ và các nhà lãnh đạo nói gì?

Năm 2010, Wikileaks từng làm rúng động thế giới khi công khai những tài liệu quân sự và ngoại giao mật của Mỹ, khiến mối quan hệ giữa Nhà Trắng và các nước căng thẳng. Tuy nhiên, xét về mọi mặt, “Hồ sơ Panama” còn tác động lớn hơn khi đây là một trong những vụ phanh phui tài liệu lớn nhất và gây chấn động nhất trong lịch sử truyền thông thế giới. “Tôi nghĩ, những tài liệu rò rỉ lần này là cú đánh lớn nhất thế giới nhằm vào các hoạt động rửa tiền, trốn thuế trên thế giới”, Giám đốc ICIJ Gerard Ryle tuyên bố.

Trên thực tế, mặc dù hầu hết các giao dịch bị phanh phui trong “Hồ sơ Panama” là hợp pháp, nhưng nó gây ra tác động nghiêm trọng đến nhiều người, nhất là các chính trị gia. Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson có nguy cơ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm về cáo buộc bí mật đầu tư hàng triệu USD vào các ngân hàng trong khi đất nước đang gặp khủng hoảng về tài chính. Phe chống đối cho rằng, Thủ tướng Gunnlaugsson nên báo cáo trung thực và phải từ chức nếu không đạt tín nhiệm. Tuy nhiên, ông Gunnlaugsson vẫn bác bỏ mọi cáo buộc. “Tôi chưa bao giờ giấu giếm tài sản. Vấn đề là các bạn đang buộc tội tôi về một cái gì đó không có thực”, Thủ tướng Gunnlaugsson nói với giọng khá giận dữ.

Chính phủ nhiều nước cũng phản ứng gay gắt trước vụ việc này. Tại Nga, Điện Kremlin cho rằng, những thông tin trong “Hồ sơ Panama” là “hoàn toàn bịa đặt”. Chính phủ Argentine cũng bác bỏ cáo buộc nhằm vào Tổng thống Macri, cho rằng, nhà lãnh đạo này chưa từng có cổ phần trong Cty Fleg Trading, có trụ sở tại Bahamas, bị cáo buộc tham gia trốn thuế và rửa tiền. Theo thông báo của chính phủ Argentine, gia đình ông Macri đã mở Cty Fleg Trading vào năm 1998 nhưng đã giải thể vào năm 2009, khi ông giữ chức Thị trưởng Buenos Aires. Trong khi đó, các quan chức FIFA - vốn cũng bị liệt kê trong “danh sách đen” mô tả đây là vụ việc “vô lý” và “thái quá”.

Tuy nhiên, một số chính phủ đang hành động. Giới chức Anh, Australia và Mexico cam kết sẽ điều tra các trường hợp có thể trốn thuế. Trong tuyên bố mới nhất, chính phủ Panama khẳng định sẽ “không khoan nhượng” đối với bất kỳ giao dịch mờ ám nào và tuyên bố sẽ “hợp tác mạnh mẽ” với bất kỳ cuộc điều tra pháp lý nào về vụ việc này.

Khả Anh

Mossack Fonseca giúp trốn thuế như thế nào?

Các tài liệu trong “Hồ sơ Panama” cho thấy, Cty luật Mossack Fonseca đã giúp các khách hàng rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt và trốn thuế ra sao, mặc dù đã tuân thủ theo đúng quy định của luật quốc tế.

Cty bình phong - có nghĩa là một Cty mà nhiều người nhìn vào sẽ lầm tưởng là một doanh nghiệp hợp pháp. Nhưng thực tế, Cty này không hoạt động gì ngoài việc quản lý tiền cũng như che giấu thân phận của chủ sở hữu. Đội ngũ quản lý bao gồm luật sư, kế toán hoặc thậm chí người quét dọn. Khi chính quyền điều tra để tìm ra người chủ thực sự, đội ngũ quản lý sẽ chịu trách nhiệm.

Trung tâm tài chính nước ngoài - nếu đã thành lập một Cty bình phong nhưng lại không muốn đặt trụ sở tại London hay Paris, những nơi có thể dễ dàng bị điều tra, thì trung tâm tài chính nước ngoài, hay còn gọi là “thiên đường thuế”, là biện pháp tối ưu. Những “thiên đường” như thế này thường ở các quốc đảo nhỏ như quần đảo Virgin thuộc Anh, Macao, Bahamas và Panama.

Cổ phiếu, trái phiếu vô danh - tức là mua và giao dịch các loại trái phiếu và cổ phiếu không ghi tên người mua cả trên chứng chỉ cũng như trên sổ sách của nhà phát hành. Điều này có thể giúp người mua lợi dụng kẽ hở để trốn thuế và rửa tiền một cách dễ dàng. Lý do này cũng giúp giải thích tại sao chính phủ Mỹ ngừng bán trái phiếu vô danh từ năm 1982.

Chế tài - là một trong những cách hạn chế quyền lực của tổ chức. Các chế tài thường được sử dụng như hạn chế nhập khẩu các thiết bị quân sự, đạn dược, cấm xuất khẩu dầu mỏ và hàng hóa, và trừng phạt cá nhân, đóng băng tài khoản ngân hàng của bạn bè, gia đình. Nhưng sự xuất hiện ngày càng nhiều tài khoản ngân hàng bí mật và Cty bình phong trên thế giới, cùng với sự “nhắm mắt làm ngơ” của các quan chức, là “thủ phạm” chính khiến chế tài bị phá vỡ.

B.Dương