Báo Công An Đà Nẵng

Vụ tôm tươi có chất lạ trắng đục: Phát hiện tạp chất Agar

Thứ năm, 22/09/2022 15:04
Biên bản xét nghiệm của Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng II.

Trước đó, sau khi mời các bên làm việc, cơ quan chức năng lấy mẫu tôm của người bán (ký hiệu T-01) và mẫu tôm của người mua (ký hiệu T-02). Các vật mẫu được niêm phong được UBND quận Sơn Trà gửi Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng II để yêu cầu thử nghiệm mẫu. Sau khi xét nghiệm, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng II đã có thông báo kết quả thử nghiệm. Cụ thể, mẫu tôm của người bán (ký hiệu T-01) không phát hiện tạp chất tinh bột và Agar, còn mẫu tôm của người mua (ký hiệuT-02) có phát hiện tạp chất Agar.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bột agar là một sản phẩm được chiết xuất từ tảo đỏ có khả năng tạo sự kết dính thực phẩm, thường được sử dụng trong chế biến thạch rau câu, giò chay, bánh và một số món ăn khác. Vì giá thành rẻ, không màu, không mùi nên agar thường được các gian thương sử dụng để tăng trọng lượng, đồng thời "phù phép" cho tôm trở nên bắt mắt hơn. Thông thường, các gian thương sẽ hòa bột agar với nước nóng, sau đó dùng bình và bơm tự chế để tiêm vào tôm. Từng con tôm sau khi được phun độn thân sẽ phì ra, tròn vo múp míp. 1 kg tôm sau khi độn sẽ thành 1,2 - 1,3kg, cỡ tôm cũng được nâng lên, ví dụ từ loại 30 con/kg, sau khi bơm sẽ chỉ còn 23 - 24 con/kg, do đó giá cũng tăng lên. Đánh giá chung thì Agar được chiết xuất từ thực vật và hoàn toàn không gây độc hại. Tuy nhiên, khi được sử dụng với mục đích sai trái này thì lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Theo các chuyên gia, thủy sản nói chung và tôm nói riêng khi bị bơm tạp chất (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển. Nếu ăn phải sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa.

Sau khi có kết quả thử nghiệm, UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Ban Quản lý các chợ quận Sơn Trà mời hộ kinh doanh Lê Thị Hòa lên làm việc và yêu cầu bà Hòa cung cấp thông tin để truy xuất nguồn gốc tôm, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm khi kinh doanh tại chợ. Bà Hòa sau đó đã cung cấp thông tin về người bán, số điện thoại cũng như địa điểm mua hàng cho cơ quan chức năng. UBND quận Sơn Trà chuyển thông tin này và đề nghị Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp.Đà Nẵng vào cuộc có giải pháp kịp thời truy xuất nguồn gốc, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nhằm tránh tình trạng tôm không đảm bảo chất lượng được phân phối khắp các địa phương trên địa bàn.

Trước đó, vào sáng 10-9 tại chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, bà Nguyễn Thị Thu Hà (P.Nại Hiên Đông) đã đến chợ mua số lượng tôm từ quầy của tiểu thương Lê Thị Hòa. Sau khi mang về sơ chế, bà Hà phát hiện tại phần đầu của các con tôm đều có một cục bột giống đông sương, màu trắng đục, kích thước bằng hạt cam. Sợ bị bơm tạp chất nên chị Hà không chế biến mà mang đến trả lại cho người bán. Đôi bên sau đó xảy ra tranh cãi, tranh chấp. Sự việc được báo cáo đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý như đã nói ở trên.

Lê Anh Tuấn