Báo Công An Đà Nẵng

Vụ xe chở du khách Việt Nam trúng bom: Tương lai nào cho du lịch Ai Cập?

Thứ hai, 31/12/2018 07:51

Trong khi khách du lịch vẫn tiếp tục đổ về khu vực kim tự tháp Giza nổi tiếng, những người Ai Cập làm việc tại đây cho biết, họ bị chấn động sau vụ nổ bom nhằm vào xe chở du khách Việt Nam hôm 28-12 và lo ngại ảnh hưởng đến việc kiếm tiền của mình.

Xe buýt chở du khách bị xé toạc sau vụ đánh bom. Ảnh: AFP

Đám đông khách du lịch đến chiêm ngưỡng các kim tự tháp Giza gần Cairo hôm 29-12 không nản lòng trước một vụ đánh bom trước đó chỉ 1 ngày, vốn khiến 3  du khách Việt Nam và 1 hướng dẫn viên thiệt mạng.

Vụ tấn công xảy ra khi ngành du lịch quan trọng của Ai Cập đã bắt đầu hồi phục sau nhiều năm bất ổn và bạo lực thánh chiến khiến du khách sợ hãi. “Tôi nghĩ khủng bố có thể tấn công bất cứ nơi nào trên thế giới”, AFP dẫn lời du khách tên Somand Yang nói và nhấn mạnh: “Các bạn phải cẩn thận nhưng nó còn phụ thuộc vào may rủi”. Khi nhìn thấy lực lượng an ninh bảo vệ lối vào của khu vực tham quan đang ngổn ngang, du khách này cho biết, cô không cảm thấy lo sợ. “Sét không bao giờ đánh 2 lần xuống cùng một nơi. Vì vậy tôi nghĩ giờ chỗ này an toàn hơn”, cô nói.

Các du khách háo hức cưỡi lạc đà và xếp hàng để vào ngôi mộ khi họ chụp ảnh Kim tự tháp vĩ đại (Great Pyramid) - công trình duy nhất còn sót lại trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Những người bán rong vẫn đeo bám du khách, mời chào các món đồ rẻ tiền và quà lưu niệm.

Cộng đồng quốc tế lên án

Tối 28-12 (giờ địa phương), xe du lịch chở đoàn khách Việt Nam bị trúng bom cài ven đường. Thiết bị nổ tự chế này đã được gài gần một bức tường dọc theo phố Mariyutiya ở quận Al-Haram, gần khu vực Kim tự tháp Giza nổi tiếng của Ai Cập. Vụ đánh bom bên đường cướp đi sinh mạng của 3 khách du lịch người Việt Nam và 1 hướng dẫn viên người Ai Cập khi chiếc xe chở họ bị xé toạc. Theo AFP, có 15 du khách Việt Nam trên xe du lịch khi quả bom tự chế phát nổ. 10 người Việt Nam khác bị thương và 2 người Việt Nam còn lại đã may mắn thoát chết.

Cộng đồng quốc tế kịch liệt chỉ trích vụ tấn công khủng bố hèn nhát này. Mỹ, Anh, Nga, Kuwait, Italia, Bỉ, Tây Ban Nha, Saudi Arabia... ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ khủng bố, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng của vụ đánh bom. Trong tuyên bố mới nhất, chính phủ Ấn Độ hôm 30-12 lên án hành động tấn công khủng bố khiến nhiều người vô tội thiệt mạng. Ấn Độ cũng gửi lời chia buồn đến gia đình của các nạn nhân thiệt mạng, mong muốn những người bị thương sẽ nhanh chóng hồi phục. Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định nước này sẽ sát cánh với chính phủ và nhân dân Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố. Truyền thông Ấn Độ cũng dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ sự “đau buồn sâu sắc” trước vụ tấn công tại Ai Cập. Giáo hoàng Francis trước đó cũng lên án vụ đánh bom, và gửi lời chia buồn tới các nạn nhân cùng gia đình.  Trong bức điện gửi đến Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, Thủ tướng Vatican Pietro Parolin cho biết, Giáo hoàng Francis rất đau buồn khi nghe tin vụ đánh bom, đồng thời lên án hành vi vô nhân đạo và tàn ác này, đồng thời cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ.

Cho đến nay, Ai Cập đã tiêu diệt 40 kẻ khủng bố sau vụ đánh bom trên. Thông báo của Bộ Nội vụ Ai Cập nêu rõ, trong 2 vụ đột kích tại các khu vực do chính quyền thành phố Giza kiểm soát, cảnh sát đã tiêu diệt 30 kẻ khủng bố, trong khi 10 kẻ khủng bố còn lại bị tiêu diệt ở khu vực Bắc Sinai.

Người dân Ai Cập vẫn chấn động

Trong khi khách du lịch vẫn tiếp tục đổ về khu vực kim tự tháp Giza nổi tiếng, những người Ai Cập làm việc tại đây cho biết, họ bị chấn động sau vụ nổ bom nhằm vào xe chở du khách Việt Nam hôm 28-12 và lo ngại có thể ảnh hưởng đến việc kiếm tiền của mình. “Tôi biết người hướng dẫn viên du lịch đã thiệt mạng hôm qua”, Dalia Sadaka, người đang theo kèm một nhóm du khách, nói và chỉ vào đôi mắt sưng húp của mình. Cô nói thêm: “Tôi hoàn toàn suy sụp nhưng sáng nay tôi vẫn phải đi làm”.

Ai Cập từng hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công đẫm máu khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, lượng khách gần đây đến quốc gia kim tự tháp này đã dần phục hồi. Tháng 10-2015, một máy bay chở 224 du khách Nga đã bị cài bom khi bay qua bán đảo Sinai, khiến toàn bộ người trên khoang thiệt mạng. Một nhánh địa phương của nhóm cực đoan IS nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công này. Vụ việc đã giáng đòn nặng nề vào ngành du lịch của Ai Cập, nơi vẫn đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng bắt đầu từ cuộc nổi dậy năm 2011 vốn buộc nhà lãnh đạo kỳ cựu Hosni Mubarak từ bỏ quyền lực.

Theo các con số thống kê, lượng khách đến Ai Cập đạt 8,2 triệu trong năm 2017, tăng so với mức 5,3 triệu của năm trước. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn thua mức tăng kỷ lục trong năm 2010 với hơn 14 triệu lượt khách đến nước này. “Tôi lo sợ vụ việc ngày hôm qua có thể ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của chúng tôi. Thật tiếc. Chúng tôi chỉ mới vui mừng khi thấy du lịch bắt đầu khởi sắc”, một người đàn ông lớn tuổi cưỡi lạc đà nói, nhưng từ chối cho biết tên.

KHẢ ANH