“Vua cá kho” kể chuyện làm giàu
(Cadn.com.vn) - Cá kho làng Vũ Đại không chỉ nổi tiếng cả nước mà còn được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới. Người có công lớn nhất đưa đặc sản làng ra thế giới chính là lão nông Trần Bá Luận (61 tuổi, xã Hòa Hậu- Lý Nhân- Hà Nam) mà người dân hay gọi là “vua cá kho”. Tại hội thảo Khởi sự kinh doanh trong thương mại điện tử do Sở Công thương Đà Nẵng tổ chức hôm 14-6, “vua cá kho” đã chia sẻ kinh nghiệm tận dụng internet để khởi sự từ 1 triệu đồng vốn trong tay để thu lãi trên 5 tỷ đồng/năm khiến hàng trăm doanh nhân trẻ Đà Nẵng rất tâm đắc.
“Vua cá kho” Trần Bá Luận chỉ vào hình ảnh niêu cá kho làng Vũ Đại được đưa lên web. |
Kho cá…trả nợ
Làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao nay là làng Đại Hoàng xã Hòa Hậu- Lý Nhân- Hà Nam nơi ông Luận sinh sống quanh năm người dân chỉ biết bấu víu ruộng đồng, cuộc sống khó khăn chồng chất. Cũng như nhiều gia đình khác, để thoát nghèo, ông Luận khuyên ba đứa con trai phải cố gắng học hành giỏi giang. Không phụ lòng ba mẹ, cả 3 con ông Luận đều tốt nghiệp đại học. Ông Luận kể, nhà nghèo nên khi những đứa con học đại học tại Hà Nội, vợ chồng ông phải kho cá gửi lên cho chúng ăn để đỡ tốn tiền mua những thức ăn đắt đỏ ở phố thị. Tuy vậy, tới năm 2008, khi cả 3 tốt nghiệp đại học thì cũng là lúc số nợ ông Luận phải gánh hơn 100 triệu đồng. Với người nông dân quanh năm bên ruộng đồng, đó là số tiền rất lớn. Trăn trở đủ cách để trả nợ nhưng ở cái làng thuần nông bao bọc bốn bề là lũy tre, có gì để làm ra tiền? Nghĩ mãi, cuối cùng ông Luận bàn với gia đình chỉ còn cách phát triển món cá kho đặc sản của làng.
Thế nhưng, tuy là món ăn cổ truyền được nhiều người yêu thích nhưng cũng chỉ truyền tai nhau sau lũy tre làng, nếu không có bí quyết riêng sẽ rất khó để đưa món cá kho của làng vươn ra xa hơn. Từ đó, ông Luận ngược xuôi Nam Bắc để tìm trên 10 loại thảo dược, kết hợp chúng với nhau tạo ra một loại nước gia vị đặc biệt chuyên dùng để kho cá. Khi những niêu cá đầu tiên ra lò, ông giao cho các con mang lên Hà Nội tiếp thị ở những mối quen biết, mời họ ăn, thậm chí biếu không để lấy tiếng. “Khó khăn lắm, có những lúc tưởng phải bỏ cuộc vì người ta chê đắt. Nhưng tôi kiên trì lắm, nói với các con lần này mà thất bại thì đổ nợ, không ngẩng đầu lên được nữa”- ông Luận kể bằng giọng chân chất của một lão nông thứ thiệt. Mưa dầm thấm lâu, món cá kho làng Vũ Đại của ông cũng được người dùng dần cảm nhận được vị ngon và giá trị của nó. Từ chỗ làm ra bị lỗ, những niêu cá kho cũng đem đến cho gia đình ông lợi nhuận vài ba triệu/tháng.
Món cá kho làng Vũ Đại được chế biến công phu. |
Phất lên nhờ internet
Năm 2009, thấy đám thanh niên trong làng tối ngày cứ sà vào các quán internet, ông Luận hỏi các con trên mạng có cái gì mà bọn trẻ cứ chúi đầu vào không biết chán. Khi nghe các con nói có đủ thứ, như ở xã hội bên ngoài, lão nông liền nảy ra ý định phải đưa ngay món cá kho nhà mình lên mạng. Tất nhiên, việc lập một trang web đưa món cá kho làng Vũ Đại lên quảng bá chẳng có gì khó khăn với 3 đứa con được tốt nghiệp đại học của ông. Thật bất ngờ, từ khi đưa thông tin sản phẩm, giá, phương thức thanh toán, địa chỉ, cách chế biến…món cá kho lên mạng, số lượng khách truy cập, gửi thư điện tử cho ông Luận đặt mua hàng tăng vùn vụt. Nhiều khách cũng lên web phản hồi rất tốt về sản phẩm. “Lên mạng, thông tin về cá kho của tôi lan nhanh hơn điện, nhất là dịp tết người ta mua làm quà biếu, họ gọi điện cho tôi cháy máy”- ông Luận chia sẻ.
Chỉ sau 1 năm cá kho làng Vũ Đại được giới thiệu trên internet, số lượng đơn hàng tăng theo cấp số nhân, từ chỗ chỉ mình bà vợ kho cá, ông Luận đã phải mướn công, mở rộng cơ sở lên 60 người, mỗi năm kho gần 30 tấn cá, lãi ròng hơn 5 tỷ đồng. Trong số đơn hàng của ông Luận không chỉ có người dùng trong nước mà có nhiều đơn hàng từ Singapore, Nhật Bản. Tùy theo quãng đường và chi phí của khách mà cá kho làng Vũ Đại được đóng gói gửi đi bằng đường hàng không hoặc đường bộ. Tuy vậy, dù trong hay ngoài nước thì thời gian sử dụng cũng không quá 5 ngày bởi vì món cá kho làng Vũ Đại không sử dụng bất kỳ chất bảo quản nào. “Kinh doanh trên mạng, điều quan trọng phải giữ uy tín, nếu cá kho của tôi không đạt chất lượng, khách trả lại, tôi sẽ hậu tạ và tặng thêm sản phẩm mới. Phương châm kinh doanh của tôi là lấy lãi từ số đông khách hàng chứ không lấy lãi từ tiền của khách hàng”- ông Luận chia sẻ. Từ một lão nông học chưa qua tiểu học, khởi sự với 1 triệu đồng, bằng một sản phẩm chẳng mấy ai nghĩ tới là cá kho, vậy nhưng nhờ nắm bắt tốt thời cơ, đặc biệt biết tận dụng sức mạnh của internet, ông Luận đã để lại bài học quí giá cho những doanh nhân trẻ đang bắt đầu khởi nghiệp từ thương mại điện tử.
Hải Hậu
Ông Nguyễn Kỳ Minh – Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cho biết, hiện thế giới có hơn 3,3 tỷ người dùng internet, hơn 1 tỷ web, 1,6 tỷ tài khoản facebook, 2,4 triệu Smartphone được cung ứng ra thị trường mỗi ngày. Ở Việt Nam, sau 15 năm tỷ lệ người dùng internet đã tăng từ 0,3% dân số (năm 2000) lên gần 50% dân số (2015). Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hà Bắc- PGĐ Sở Công thương cho biết 45% doanh nghiệp có trang web song phần lớn chỉ để quảng bá thông tin chứ ít có hoạt động kinh doanh, giao dịch, tìm đối tác... |