Báo Công An Đà Nẵng

Vui buồn nghề thợ khóa

Thứ sáu, 14/04/2017 10:06

(Cadn.com.vn) - Thợ khóa không có "danh phận" nào, chỉ lặng lẽ, khiêm tốn trên một góc nhỏ vỉa hè tô điểm thêm cho bức tranh cuộc sống và đặc biệt phải giữ cho tâm hồn trong sáng giữa ranh giới tốt- xấu. Có như thế, họ mới tồn tại với nghề.

Nhọc nhằn "nghệ thuật vạn năng"

Người làm nghề thợ khóa không phải hơn thua nhau ở bộ đồ nghề, mà quan trọng nhất là nhờ "chiếc chìa khóa vạn năng". Chiếc chìa ấy chính là đôi bàn tay tài hoa và những nỗ lực học hỏi bền bỉ.

Có quan sát quá trình sản xuất ra một chiếc chìa khóa hay mở thành công một loại khóa bất kỳ nào mới thấy được rằng công việc của họ đòi hỏi cần có sự khéo léo, tỉ mỉ và nhẫn nại đến thế nào. "Người hành nghề cần có đôi mắt tinh tường, nhận biết từng loại chìa, ổ khóa nhằm tìm ra cách xử lý có hiệu quả và nhanh nhất có thể"- ông Tĩnh, hành nghề ở một góc đường Điện Biên Phủ (Đà Nẵng) nói về nghề.

Nép mình khiêm tốn bên góc nhỏ đường Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng) tiệm làm khóa của ông Lê Đình Tân (58 tuổi) có thâm niên gần 40 năm. Ông không nhớ nổi từ trước đến nay đã mở được thành công  bao nhiêu loại khóa, nhưng ông dường như đã "khóa" cuộc đời mình trên góc phố này ngần ấy năm. Có thể do năng khiếu ông Tân theo nghề, chứ không hề "tầm sư học đạo". "Nghề dạy nghề. Tôi đã mua không biết bao nhiêu ổ khóa về rồi đập ra nghiên cứu"- ông tâm sự.  Đến nay, dù đã trải qua hơn một phần hai cuộc đời gắn liền với khóa, nhưng ông vẫn miệt mài "nghiên cứu" vì sợ dễ bị lạc hậu vì ngày càng ra đời nhiều loại khóa mới với công nghệ mới. "Các loại khóa đều có nguyên lý cơ bản, để mở được một loại phải nhớ cấu tạo để lần sau mở các loại khác cùng dạng, dòng sản xuất, nhãn hiệu"-  ông Tân chia sẻ.

Cũng đồng sở thích như ông Tân, anh Khôi mở tiệm sửa khóa trên đường Yên Bái và nổi tiếng với việc làm khóa xe Vespa, ô-tô và được xem là "thánh" trong thủ thuật mở két sắt. "Ở khóa như có một ma lực lôi kéo tôi ngay từ những ngày đầu chạm tay vào nó", anh Khôi bộc bạch.

Trước đây, đồ nghề của những người thợ khóa khá đơn giản chỉ là chiếc ê-tô và cái cưa sắt. "Người thợ phải làm các công đoạn hoàn toàn thủ công, cưa chìa rồi soi, sửa, tra chìa. Công đoạn này thao tác lui tới không biết bao nhiêu lần để "tạc" nên một chiếc chìa khóa thành phẩm. Nhưng với những người thợ cao tay chỉ cần dùng đèn pin soi vào lỗ khóa đã biết vị trí và độ cao thấp của từng viên bi bên trong để cắt đúng răng chìa khóa"- anh Khôi phân tích. "Hiện nay, đồ nghề của thợ sửa khóa chuyên nghiệp hóa hơn, nên một chiếc chìa khóa hoàn chỉnh mất từ 2-5 phút để chế tác. Điều đó đồng nghĩa với việc phải bỏ ra một nguồn kinh phí khá cao để đầu tư máy móc", anh Khôi nói về xu thế mới của nghề nghiệp.

Yêu nghề như thế, liệu nghề có "yêu" mình?, trả lời câu hỏi này, ông Lê Thanh Thuận (52 tuổi), người có thâm niên hơn 30 năm làm nghề tiết lộ với giọng đượm buồn: "Chi phí đầu tư khá cao, thế nhưng thu nhập bấp bênh. Nếu khách gọi đến nhà thì có thêm chút đỉnh tiền công, còn làm khóa tại chỗ trung bình dao động từ 10-15 nghìn đồng tùy chìa. Thi thoảng mới gặp những chiếc két sắt, khóa công phu thì kiếm khoảng vài trăm, đủ sống qua ngày". Còn chị Sáu, một phụ nữ tần tảo hơn 20 năm gắn với nghiệp làm khóa tại Nguyễn Hoàng tiết lộ một khía cạnh khác: "Đa số những người làm nghề thợ khóa rất dễ bị những bệnh về tai bởi phải luôn tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn trong điều kiện khách quan".

Ông Lê Thanh Thuận ngày ngày miệt mài làm khóa.

Nghề chọn người có "tâm"

Nói đến khóa, người ta dễ liên tưởng đến những chủ nhân của chúng và các đối tượng... trộm cắp, đột nhập! Vậy, những người thợ khóa đứng về phía nào? "Tréo ngoe lắm, công việc tưởng như chẳng ai bận tâm như thợ khóa song mỗi khi trong khu dân cư hay địa bàn lân cận mất trộm thì thợ khóa lại là "đối tượng" được cơ quan chức năng "soi"  trước tiên.  Bởi hơn ai hết, thợ khóa là người nằm lòng mọi thủ thuật giúp "vừng ơi mở ra". Do đó, trở thành một thợ khó và sống được với nghề phải có cái tâm trong sáng. Nghề đã đặt giữa hai ranh giới thiện và ác, điều quan trọng cần có là cái tâm vững vàng để không bị lung lay trước mọi cám dỗ"- ông Thuận trải lòng.

Nhưng chỉ thiên về cái tâm và đức thì chưa đủ, người thợ khóa phải có con mắt nhìn người tỏ tường. Những thợ khóa có thâm niên nhìn qua sẽ nhận ra  ngay ai là người tốt, ai là kẻ gian để quyết định có làm cho họ hay nhận làm đồ đệ để truyền nghề. Thông thường những đơn đặt hàng mang tính "bịp bợm" như in hình dáng chìa khóa lên bánh xà phòng, xốp, cắt theo mẫu vẽ trên giấy,... sẽ bị các gian hàng làm chìa khóa từ chối ngay tắp lự. Bởi, "chỉ có những tên trộm mới sử dụng hình thức làm chìa kiểu này thôi"- anh Khôi nhận xét. Trường hợp khác mà người thợ khóa luôn dè chừng là khách nhờ đến nhà mở khóa. Có không ít trường hợp thợ khóa vì tin khách hàng và chủ quan mà đến tận nhà giúp, cuối cùng lại bị vào tròng và bị gán cho là đồng phạm của phường trộm cắp. Đơn cử, ngày đầu chập chững bước vào nghề, vì tin người ông Lê Đình Tân (đường Trần Cao Vân) được một cô hàng xóm nhờ đến mở khóa tủ của người chị bà con sống chung nhà. Nào ngờ khi đã mở thành công người này vơ vét hết tài sản mang đi bán lấy tiền đánh bạc. Sự việc được phát giác, ông đươc gọi lên cơ quan CA làm việc thì mới tá hỏa mình vừa tiếp tay cho kẻ xấu. Qua tiếp nhận và điều tra cơ quan chức năng chỉ nhắc nhở, cảnh cáo và cho ông về. "Đây được xem là bài học xương máu, nhớ đời của tôi", ông Tân chiêm nghiệm.

Ở khía cạnh khác, những người thợ khóa lại là trợ thủ đắc lực cho CA. Ông Định cho biết cách đây không lâu có một thanh niên xăm trổ đầy mình, dẫn bộ chiếc xe máy hiệu Air Blade đến nhờ ông mở khóa với lý do đánh mất chìa. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cộng với dáng vẻ lấp liếm, khả nghi của người này, ông Định bí mật báo cho CAP đến giải quyết và sự thật xe đó là vật chứng tên này vừa trộm được.

Bên cạnh niềm vui vì đã làm một việc có ích cho cộng đồng như trên, thợ khóa cũng có những niềm vui  rất dung dị. Ông Tân chia sẻ:  "Vui nhất là khi đến làm tại gia, được gia chủ trân trọng, mời nước. Nhất là những lần nửa đêm gà gáy hay tối khuya, điện thoại khách gọi, sự có mặt của mình đôi khi giúp họ tránh một lần phải đứng ngoài đường, hay thiếu một thứ giấy tờ nào đó trong thời điểm khẩn cấp... Nghe tiếng thở phào của khách hàng khi mình mở được khóa, nắng hay mưa, gió hay rét đều tan biến".  Vì vậy, với ông và có thể rất nhiều thợ khóa khác, "con cháu khuyên nên nghỉ, nhưng tôi sợ  phải xa nghề. nhiều bữa dọn ra ế ẩm nhưng cũng thấy vui".

Nghề thợ khóa không khoa trương, ồn ã. Họ lặng lẽ bên góc nhỏ mỗi con đường và có mặt mỗi khi người khác cần...

Thanh Hương