Báo Công An Đà Nẵng

Vun đắp nghĩa tình Quảng Xương - Hòa Vang

Thứ ba, 19/05/2020 15:00

Tháng 5 này đánh dấu tròn 60 năm ngày kết nghĩa giữa 2 huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) - Hòa Vang (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây, nay thuộc TP Đà Nẵng). Dù trong chiến tranh khốc liệt, gian khó hay trong hòa bình, 2 địa phương anh em đều cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, động viên, hỗ trợ nhau cùng phát triển, dựng xây quê hương. Được nhiều thế hệ vun đắp, nghĩa tình Quảng Xương - Hòa Vang ngày càng sâu đậm hơn và đã trở thành biểu tượng đẹp.

Lãnh đạo 2 huyện Quảng Xương và Hòa Vang bàn kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa.

Như anh em ruột thịt

Ngược thời gian về những năm tháng cả nước lên đường đánh giặc, để cụ thể hóa phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, có một phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh, thành miền Bắc với các tỉnh, thành miền Nam đậm nghĩa tình. Trong phong trào này, tháng 5-1960, lãnh đạo H. Quảng Xương đã phối hợp cùng Ban liên lạc Hội đồng hương Hòa Vang tại Hà Nội tổ chức lễ kết nghĩa Quảng Xương - Hòa Vang. Đây là sự kiện quan trọng, là “mốc son” trong lịch sử 2 huyện, nhằm tạo sự gắn kết keo sơn, tạo ra một động lực, ý chí tinh thần to lớn thôi thúc, động viên, cổ vũ cho nhau đồng cam cộng khổ. Quan trọng hơn cả là thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau lễ kết nghĩa, hòa trong không khí thi đua của toàn miền Bắc và của tỉnh Thanh Hóa với khẩu hiệu: “Vì Quảng Nam kết nghĩa”, “Vì sự nghiệp giải phóng tỉnh Quảng Nam thân yêu và anh dũng”; Đảng bộ và nhân dân H. Quảng Xương đã dấy lên phong trào thi đua yêu nước, đem hết sức mình vì miền Nam nói chung và Hòa Vang nói riêng. “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, để đạt mục tiêu đó các phong trào thi đua sản xuất giỏi, với khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, phong trào “5 tấn thóc, 2 con lợn, 1 lao động trên một héc-ta gieo trồng”, nổi lên rầm rộ.

Giai đoạn 1965-1975, Quảng Xương đã tiễn đưa gần 30.000 thanh niên nhập ngũ, 5.884 thanh niên xung phong, 8.479 dân công hỏa tuyến, đóng góp 418.000 tấn lương thực, 62.000 tấn thực phẩm cho Nhà nước. Sự chi viện này có một phần đến với Quảng Nam kết nghĩa. Trong thời kỳ này, hàng trăm chiến sĩ là con em Quảng Xương đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Hòa Vang, họ là những người con ưu tú của Quảng Xương tham gia trong Tiểu đoàn Đặc công Lam Sơn do tỉnh Thanh Hóa thành lập để chi viện cho chiến trường Quảng Nam. Đó là những chiến sĩ đã tham gia các trận đánh trên mảnh đất Hòa Vang (cũ) như cầu Đỏ, cầu Cẩm Lệ năm 1968. Năm 1969 có trận đánh tại khu III ở Hòa Hải, trận tiêu diệt xe cơ giới tại Thanh Vinh (Hòa Mỹ)... đều có những chiến sĩ quê Quảng Xương dũng cảm, quên mình tham gia chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại chiến trường Hòa Vang có 410 cán bộ, chiến sĩ là con em của Quảng Xương đã chiến đấu và hy sinh.

Lãnh đạo 2 huyện Hòa Vang và Quảng Xương tham dự lễ đặt tên cung đường mang tên Quảng Xương tại vùng ven TP Đà Nẵng.

Không ngừng chia ngọt sẻ bùi

Đất nước thống nhất, mối quan hệ gắn bó thời bom đạn giữa 2 huyện bước sang một trang sử mới. Trong vô vàn khó khăn, Hòa Vang tiếp tục nhận được sự động viên, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Quảng Xương. Ngay từ những năm đầu, Hòa Vang đón nhận các đoàn cán bộ của Quảng Xương vào thăm, trao đổi nhiều kinh nghiệm quý trong quản lý và tổ chức xã hội mới; đặc biệt là giúp xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp. Thời kỳ đổi mới, 2 huyện sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, nhất là khi thiên tai bão lụt; nhân các sự kiện, các ngày lễ lớn, hai huyện có nhiều hình thức hoạt động tri ân những người đã anh dũng hy sinh; thăm, tặng quà cho gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phối hợp tìm kiếm bốc mộ liệt sĩ đưa vào nghĩa trang Hòa Vang hoặc đưa về Quảng Xương.

Ngoài việc đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ phát động giai đoạn 2010-2020, 2 địa phương còn tiếp tục phát huy truyền thống kết nghĩa, như đưa lịch sử Đảng bộ huyện vào trường học nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; H. Quảng Xương đặt tên cho quảng trường trung tâm của huyện là Quảng trường Hòa Vang; H. Hòa Vang đặt tên cho con đường đi qua Trung tâm hành chính huyện là đường Quảng Xương… Đây sẽ là những chứng tích lịch sử cho mối quan hệ kết nghĩa giữa 2 huyện trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường, chiến tranh đã lùi xa nhưng nghĩa tình Quảng Xương - Hòa Vang vẫn in đậm trong trái tim của mỗi người dân. Những gì mà thế hệ đi trước tạo dựng nên sẽ làm ngọn lửa hừng hực khí thế tiếp sức cho thế hệ trẻ 2 huyện tiếp tục giữ gìn và phát huy. Tình nghĩa son sắt, thủy chung trong quá khứ, hiện tại và tương lai mãi bền chặt và nâng lên tầm cao mới, mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá của quân và dân hai huyện anh hùng. 2 địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

“Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân H. Hòa Vang phấn khởi đón chào sự kiện “60 năm Quảng Xương - Hòa Vang thắm tình kết nghĩa” với nhiều hoạt động tuyên truyền lan tỏa, đầy ắp nghĩa tình. Nếu tính về mốc thời gian thì 2 huyện đã kết nghĩa anh em tròn 6 thập kỷ. Nhưng nếu bàn đến cái tình giữa 2 địa phương thì sẽ chẳng có con số nào thể hiện cho trọn vẹn. Bởi mối quan hệ của những người anh em Nam - Bắc, của những miền đất ở 2 vùng xa xôi của đất nước đã ngày thêm gần, thêm nặng”, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết thêm.

VY HẬU