Vùng cao chào năm học mới!
Hôm nay (5-9), các trường học trên cả nước tưng bừng tổ chức khai giảng năm học 2018-2019. Từ đồng bằng đến miền núi, từ vùng thuận lợi đến những nơi khó khăn nhất đều nhộn nhịp không khí ngày bắt đầu một năm học mới. Đối với thầy trò vùng cao Quảng Nam, dù còn nhiều khó khăn nhưng những ngôi trường mới được xây dựng, những con đường mới mở rộng rãi hơn đã tiếp sức cho hành trình đi tìm con chữ của những học sinh vùng cao. Trong khi đó tại nhiều trường học ở các huyện miền núi Nghệ An, nơi phải gánh chịu nhiều cơn lũ liên tiếp trong tháng qua nhưng thầy trò vẫn nỗ lực gượng dậy bước vào năm học mới dù khó khăn vẫn còn chồng chất...
Học sinh huyện Nam Trà My được hỗ trợ quần áo, sách vở chuẩn bị cho năm học mới. |
Học sinh vùng cao Quảng Nam vào năm học mới
Sau vụ sạt lở núi nghiêm trọng cuối năm 2017 vùi lấp 4 ngôi nhà khiến 5 người bị tử vong tại thôn 2, xã Trà Vân (H.Nam Trà My, Quảng Nam), cuộc sống của người dân nơi đây đã bị đảo lộn hoàn toàn. Gần một năm, hàng trăm hộ dân nơi đây bị đặt trong tình trạng báo động do hiện tượng sạt lở núi luôn thường trực. Chính quyền địa phương lập tức có phương án cụ thể để di dân. Khe Chữ lúc đó được chọn để làm khu tái định cư mới của 144 hộ dân. Mỗi hộ được cấp 200 - 500m2 để dựng nhà mới. Tuy nhiên, quá nhiều khó khăn ập đến, việc ổn định chỗ ở đặt lên hàng đầu khiến suốt một thời gian dài các em học sinh phải học trong những lớp học tạm bợ, thiếu thốn.
Thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng Phòng giáo dục H. Nam Trà My cho biết: "Ngày 5-9 khai giảng năm học mới cũng là lúc thầy và trò đón nhận niềm vui là ngôi trường mới với bốn lớp học khang trang, sạch đẹp. Có được điều này là nhờ tấm lòng hảo tâm của rất nhiều cá nhân, tập thể. Mặc dù suốt một thời gian dài phải học tập trong cảnh "dã chiến" nhưng thầy trò chúng tôi vẫn cùng ăn cùng ở bám trụ với con chữ. Hiện nay năm học mới ở Khe Chữ có tổng cộng 53 em theo học. Đây sẽ là khởi đầu mới không chỉ đối với các em học sinh mà còn gieo mầm sống mới đối với bà con vùng sạt lở", ông Thuận cho biết.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thầy trò vùng cao Quảng Nam vẫn nỗ lực đến trường. |
Cũng là một trong những điểm trường xa xôi nhất của tỉnh Quảng Nam, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (H.Nam Giang) đón năm học mới trong niềm hân hoan. Cô giáo Bùi Thị Kim Thanh- Hiệu trưởng nhà trường cho biết đến thời điểm này trường đã hoàn thành các khâu chuẩn bị để các em có được năm học mới đầy đủ, trọn vẹn nhất. "Ngay từ hè chúng tôi đã tổ chức vận động học sinh đến trường nên tỉ lệ các em ra lớp rất cao. Địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trong công tác vận động học sinh ra lớp, đặc biệt là vào đầu mỗi năm học bởi khi về nghỉ hè, các em thường theo cha mẹ đi làm rẫy, những em lớn hơn thì đi làm thuê ngoài tỉnh và "quên" luôn cả việc đến trường. Chúng tôi cũng vận động cả những em năm ngoái bỏ ngang việc học nhưng vẫn đủ điều kiện đến trường ra lớp nên năm học này sỉ số cơ bản đảm bảo". Theo cô Thanh, vui nhất trong năm học này đối với thầy trò trường Nguyễn Văn Trỗi đó là UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương san ủi tuyến đường vào trường giúp cho việc đi lại, học tập của các em thuận lợi hơn. Theo đó một tuyến đường rộng 2m cắt ngang qua núi sẽ tạo thành trục đường chính vào trường, các em sẽ đến trường thuận lợi hơn vào mùa mưa lũ.
Tại huyện vùng cao Tây Giang, sau nhiều tháng nỗ lực thi công, Trường THPT Võ Chí Công cũng được đưa vào sử dụng từ năm học này. Thầy giáo Nguyễn Công Tươi-Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2018-2019, trường sẽ đón 220 học sinh đến từ 4 xã vùng cao Tr'Hy, A Xan, Ch'Ơm, Ga Ry về học. Trong đó, lớp 10 có 108 học sinh/3 lớp và lớp 11 có 112 học sinh/3 lớp. Có khoảng 11 giáo viên tham gia giảng dạy và 2 cán bộ quản lý. Ngôi trường đi vào hoạt động giúp các em không phải lặn lội hơn 40 km xuống học tận trung tâm huyện...
Đây sẽ là năm học khó khăn cho thầy trò các trường miền núi Nghệ An. |
Nỗ lực của thầy trò vùng lũ
Chưa đầy 1 tháng nay, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Con Cuông đã gánh 3 trận lũ. Do địa điểm học cũ mất an toàn nên chính quyền địa phương đã chuyển trường sang địa điểm khác để ổn định công tác dạy học. BCH Quân sự H. Con Cuông điều 120 CBCS cùng các phương tiện xe vận chuyển tham gia di dời toàn bộ tài sản, thiết bị đến địa điểm mới. Trước đó, ngày 31-8, thủy điện xả lũ lưu lượng lớn khiến nước sông Lam dâng cao, trường lại ngập trong nước và bùn lầy, toàn bộ học sinh, giáo viên phải sơ tán. Nước dâng cao bất ngờ và quá nhanh khiến nhiều trang thiết bị dạy học, sách vở và đồ dùng học tập của hàng trăm học sinh bị ngâm nước, vùi lấp trong bùn đất. Sau lũ, trường bị bùn vùi lấp cả mét, bàn ghế, đồ dùng ở nội trú của học sinh hư hỏng hoàn toàn.
Học sinh trường PTDTNT THCS Con Cuông chưa kịp khai giảng do phải chuyển địa điểm. |
Thầy Nguyễn Đình Nhung-Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sức lực thầy trò không thể nào trụ nổi qua mấy cơn lũ. Trường Trung cấp nghề Con Cuông phải cho trường mượn 12 phòng học để dạy học. Còn 300 học sinh dân tộc nội trú sẽ bố trí ở tạm tại Trung tâm giáo dục thường xuyên H. Con Cuông. Hai địa điểm này gần nhau và nằm tại thị trấn Con Cuông nên đảm bảo về an toàn và đi lại cho học sinh. Hiện phòng học thì tạm ổn vì chỉ cần có đủ bàn ghế, sách vở là có thể dạy-học. Hiện Trường đang nỗ lực chuyển đồ đạc, dự kiến ngày khai giảng phải lùi lại vào ngày 10-9.
Trong những đợt lũ vừa qua, Cầu Chôm Lôm ở xã Lạng Khê, H. Con Cuông bị đứt gãy mố cầu, 167 học sinh Trường THCS Lạng Khê thuộc 3 bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa của xã Lạng Khê nằm ở phía bờ bắc sông Lam không thể qua lại. Hiện học sinh của trường chỉ có con đường duy nhất là đi ngược lên xã Tam Quang, H. Tương Dương để qua cầu khe Bố dài gần 20km và đường rất xấu. "Toàn trường có 351 học sinh, riêng số học sinh ở 3 bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa chiếm hơn một nửa. Sau sự cố hỏng cầu, phụ huynh đã đề xuất nhà trường bố trí chỗ ăn ở tập trung cho các em nhưng trường THCS Lạng Khê không phải là trường bán trú, nhà trường không đủ khả năng sắp xếp ăn ở cho số lượng học sinh nhiều như vậy. Trường đã báo cáo với UBND xã để các em ở trọ, nhờ nhà người quen hoặc họ hàng để đi học được. Trường hợp gia đình nào cần hỗ trợ thì nhà trường địa phương sẽ tìm cách bố trí"- thầy Phạm Quốc Hoàng - Hiệu trưởng Trường THCS Lạng Khê cho hay.
Trường PTDTNT THCS Con Cuông phải chuyển sang địa điểm mới. |
Ngày 4-9, con đường vào xã biên giới Mường Típ, Mường Ải, H. Kỳ Sơn vẫn còn ngập ngụa bùn đất. Giáo viên, BĐBP Trường PTDT bán trú THCS Nậm Típ và Trường Tiểu học Mường Típ phải lội bộ hàng tiếng đồng hồ vượt hơn 12 km đường lầy lội để gùi gạo tiếp tế cho học sinh kịp khai giảng năm học mới. Do đợt lũ ngày 17-8 nên điểm trường bản Na Mỳ bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng, toàn bộ học sinh các lớp khối 3-4-5 phải ra điểm trường chính học. Đường đến điểm trường chính vẫn chưa thông nên học sinh khối lớp 1, 2 còn quá bé để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển nên trường vẫn phải tổ chức lớp học tại điểm bản này.
Hôm nay, Trường Tiểu học Mường Típ 1 sẽ tổ chức khai giảng chung với Trường Dân tộc bán trú THCS Nậm Típ, riêng hai điểm bản Huồi Khí (gồm 3 lớp, cách điểm chính 10km) và Phà Nọi (5 lớp, cách điểm trường chính 18 km) sẽ tổ chức khai giảng tại điểm trường. Thầy Nguyễn Quốc Trí - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Típ 1 cho biết, sách vở cho học sinh vẫn chưa đủ, một số sách đã quá cũ nát, một số sách mới được bổ sung năm ngoái còn mới thì bị đợt lũ vừa rồi nhấn chìm, cuốn trôi nên các em học sinh đang dùng chung sách vở. Số sách vở mới được ngành giáo dục và các đoàn từ thiện ủng hộ hiện vẫn chưa thể chuyển vào trường do tuyến đường từ trung tâm huyện vào đây vẫn chưa thông. Lương thực, thực phẩm khan hiếm, thiếu thốn, các thầy cô giáo và học sinh cùng chia sẻ với nhau, lội bùn cõng gạo, muối và thực phẩm vào trường.
Hà Dung-D.Hóa