Báo Công An Đà Nẵng

Vùng cao Phước Sơn ngổn ngang trước mùa mưa bão ( Kỳ cuối: Ngổn ngang nhà tái định cư )

Thứ hai, 20/09/2021 17:56

Ngoài những bất cập trong việc triển khai tu sửa các tuyến đường ĐH ở một số xã vùng cao huyện Phước Sơn, thì hiện nay nhiều nhà tái định cư (TĐC) được xây dựng cho dân vẫn chưa hoàn thiện. Thời điểm này miền Trung đã vào mùa mưa bão, người dân ở trong các túp lều tạm nơm nớp lo sợ, chưa kể đến sự bức bách mà họ phải chịu đựng trong gần 1 năm qua dưới những túp lều tạm.

Khu TĐC thôn 6, xã Phước Lộc nhìn từ trên cao.

Cơn bão số 9 kèm lũ ống, lũ quét cuối tháng 10-2020 gây thiệt nặng nề về người và tài sản tại 3 xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn). Trong đó, 97 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, hàng trăm căn nhà khác bị hư hỏng, nhiều địa bàn đối diện với nguy cơ sạt lở cao. Sau thiên tai, chính quyền huyện đã có nhiều nỗ lực nhằm giúp dân ổn định chỗ ở. Sau nhiều nỗ lực, Phước Sơn đã lựa chọn 4 khu vực phù hợp, đảm bảo an toàn để san ủi mặt bằng, bố trí cho người dân sinh sống ổn định. Theo ước tính, sau khi hoàn thành, 4 khu TĐC này đủ bố trí cho hơn 150 hộ, gồm các hộ có nhà bị thiệt hại do mưa lũ và nằm trong vùng nguy cơ sạt lở. Mỗi hộ được nhà nước hỗ trợ 140 triệu đồng để địa phương xây dựng nhà cho dân.

Thế nhưng, đã gần một năm qua, nhiều ngôi nhà thuộc diện TĐC ở các địa phương trên vẫn chưa kịp hoàn thiện trước mùa mưa bão theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Tại khu TĐC tại thôn 6 (xã Phước Lộc) những ngày này mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Các xe cơ giới đang nỗ lực san lấp phần mặt bằng còn lại; phía bên trên, những ngôi nhà đang trong quá trình xây dựng dở dang. Bà Hồ Thị Nhía (thôn 6, xã Phước Lộc) cho hay, gia đình bà cùng 5 hộ dân khác sống trong những căn lều tạm cạnh khu TĐC đã gần 1 năm qua. “Gia đình tôi có 4 người sống trong nhà tạm. Hiện nay đã vào mùa mưa bão nên mong chính quyền sớm được bố trí đất dựng nhà để ở”.

Theo chính quyền xã Phước Lộc, khu TĐC này dự kiến sẽ bố trí cho 35 hộ dân. Tuy nhiên một số hộ dân không muốn ở lại ngôi làng này mà đã tìm mặt bằng nơi khác để làm nhà. “Hiện tại nơi đây sẽ bố trí nhà cho 25 hộ dân, trong đó có 12 nhà xây và 13 nhà gỗ. Nhà xây hiện đã hoàn thành phần thô, còn nhà gỗ mới làm được 3 móng, sắp tới có mặt bằng địa phương sẽ tiếp tục triển khai. Phấn đấu đến 30-9 sẽ hoàn thiện hết khu vực này để bàn giao cho dân, qua đó nhằm xóa hết nhà tạm; dù nhà cửa chưa hoàn thiện nhưng vẫn bàn giao cho dân để tránh mưa bão”, ông Lưu Huyền Thoại- Chủ tịch UBND xã Phước Lộc thông tin.

Lý giải về việc chậm trễ bàn giao nhà cho dân, ông Thoại cho rằng, khu vực này địa hình đồi núi là chủ yếu, do đó việc tìm kiếm mặt bằng để xây dựng các khu TĐC mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh xảy ra liên tục nên ảnh hưởng đến việc vận chuyển nguyên vật liệu cũng như thuê mướn nhân công gặp nhiều khó khăn. “Về phương án cho mùa mưa bão năm nay, địa phương đã có những kế hoạch cụ thể. Theo đó xã đã đề nghị huyện hỗ trợ 20 tấn gạo để dự trữ nhằm phân phối cho người dân nếu trường hợp xảy ra chia cắt như năm ngoái. Đến nay, huyện đã chuyển được 5 tấn gạo cất trữ trong kho; hiện nay tuyến đường ĐH chưa được khắc phục, khả năng cô lập khi mùa mưa bão đến là rất lớn, do đó địa phương đã làm việc với một số công ty có xe cơ giới nhằm cơ động khắc phục trong thời gian sớm nhất”, ông Thoại nói.

Còn tại xã Phước Thành, ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, cả xã có hơn 170 hộ dân trong diện TĐC sau đợt mưa lũ năm ngoái, chủ yếu tại thôn 1, thôn 2 và thôn 3. Sau thời gian tìm kiếm không gian phù hợp, đến nay, nhiều khu TĐC đã bàn giao mặt bằng để người dân dựng nhà, ổn định cuộc sống mới. “Tuy nhiên, do việc triển khai xây dựng gặp nhiều trở ngại nên đến nay nhiều hạng mục vẫn chưa được hoàn thiện. Chúng tôi phấn đấu đến cuối tháng 9 này sẽ hoàn thiện nhà ở tái định cư, giúp người dân an tâm cuộc sống, ổn định trước mùa mưa bão”, ông Phức nói.

Dù đã đẩy nhanh tiến độ, nhưng đến nay khu TĐC thôn 2, xã Phước Thành vẫn chưa kịp tiến độ bàn giao nhà cho người dân.

Về việc chậm trễ xây dựng nhà cho người dân TĐC, ông Lê Tấn Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, khi phóng viên so sánh với phía huyện Nam Trà My, cùng một thời điểm xảy ra sạt lở nhưng Nam Trà My đã và đang làm khá tốt việc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, ông Trung cho rằng đó là sự so sánh khập khiễng. “Bởi phía Nam Trà My đã sử dụng diện tích đất vốn dự định làm trường bắn của Ban chỉ huy Quân sự huyện để làm khu dân cư Bằng La, nguồn vốn xây dựng được các tập đoàn lớn đổ vào nên tiết kiệm được thời gian. Và quan trọng nhất, là Nam Trà My đã đưa được các công trình này vào tình trạng báo động khẩn cấp. Phước Sơn thì không”, ông Trung nói.

Theo như ông Trung nói thì do Phước Sơn không đưa các công trình trên vào diện khẩn cấp nên tiến độ triển khai mới chậm như vậy. Vậy tại sao hai huyện trong cùng một tỉnh lại có những giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai khác nhau? Phải chăng do trách nhiệm của người đứng đầu mỗi địa phương khác nhau? Tuy nhiên, dù có nói gì thì mọi chuyện cũng đã rồi. Thiết nghĩ, sau những gì đã xảy ra, chính quyền huyện Phước Sơn sẽ có những giải pháp mạnh mẽ hơn, trách nhiệm hơn trong thời gian đến, để đem lại cuộc sống bình yên, ấm no cho người dân. 

BÃO BÌNH