Vùng cao sâu nặng nghĩa tình
(Cadn.com.vn) - Nhìn ngôi nhà đang trong quá trình nâng cấp, ông Mạc Như Âu (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) xúc động: "Trước đây, nhà cửa của người Cơ Tu nơi đây chỉ bằng tranh nứa lụp xụp, đến năm 2003, huyện xây cho cái nhà kiên cố. Cuộc sống của gia đình mình còn nhiều khó khăn, chỉ trông cậy vào nương rẫy, làm bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu cho dù rất mong muốn nâng cấp ngôi nhà, nhưng không thể nào thực hiện được. Bây giờ được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng sửa chữa nhà nên vợ chồng, con cái mình ưng cái bụng lắm. Ở vùng cao này mà được như vậy thì còn gì hơn, khỏi sợ gió bão, mưa lũ nữa".
Còn theo bà Lê Thị Trâm, bao nhiêu năm nay, gia đình bà sống trong ngôi nhà ẩm thấp, khó khăn không kể xiết. Trời mưa thì nước hắt, nắng nóng thì không khí ngột ngạt. Khi nghe địa phương về khảo sát, hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà, bà phấn khởi đề nghị nâng cao nóc nhà, lợp lại mái tôn. "Bây giờ thợ đang thi công đổ trụ mà tôi vẫn tưởng như đang mơ. Nghĩa tình này, suốt đời mẹ con tôi không quên", bà Trâm xúc động.
Ngôi nhà ông Mạc Như Âu được thi công sửa chữa. |
Được biết, năm 1982, khi Quảng Nam - Đà Nẵng chưa chia tách địa giới hành chính, H. Hòa Vang tiếp nhận 140 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu của huyện Hiên (cũ) về sinh sống, định cư tại các thôn Phú Túc và Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc). Sau khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương, được sự đầu tư của các ngành, các cấp, Hòa Vang đã tập trung chỉ đạo và giải quyết những nhu cầu cấp thiết cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thông qua nhiều chương trình, dự án phát triển KT-XH, làm cơ sở hạ tầng định canh định cư, xóa đói giảm nghèo; trong đó, có chủ trương mang nặng nghĩa tình là xây nhà ở kiên cố cho đồng bào vùng cao...
Trải qua bao thiên tai khắc nghiệt, những ngôi nhà nghĩa tình đó hiện đã xuống cấp rất nhiều. Cho nên, chủ trương hỗ trợ sửa chữa nhà cho các hộ đồng bào DTTS đang được các ngành, các cấp TP, huyện triển khai là việc làm mang tính kịp thời và nhiều ý nghĩa thiết thực. Ngoài nguồn vốn ngân sách, TP cũng kêu gọi sự chung tay, góp sức từ nguồn lực toàn xã hội để chủ trương này hoàn thành một cách nhanh và hiệu quả nhất... Theo bà Nguyễn Thị Hiệp, Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng và huyện đặt mục tiêu đợt này sửa chữa 136 nhà, xây mới 12 nhà với mức hỗ trợ sửa chữa 20 triệu đồng/nhà, xây mới 60 triệu đồng/nhà; trường hợp sửa chữa nhưng nhà hư hỏng nặng, gia đình khó khăn có thể hỗ trợ thêm trên cơ sở phúc tra thống nhất với địa phương kiến nghị, được sự đồng ý của lãnh đạo TP nhưng mức hỗ trợ thêm không quá 20 triệu đồng. Ngoài việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về các hạng mục cần sửa chữa, địa phương còn phải cử người giám sát, giúp các hộ dân mua vật liệu nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện của từng hộ gia đình.
Bà Lê Thị Trâm phấn khởi với ngôi nhà đang đổ trụ nâng cao nóc. |
Bên cạnh đó, phương châm "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với đồng bào DTTS cũng được các cấp chính quyền tiếp tục đề cập, coi đó là động lực nhằm giảm thiểu chênh lệch mức sống của người dân vùng cao với miền xuôi, thoát khỏi nghèo đói. Ngoài sự tiếp sức của huyện, sự đầu tư của TP thì nội lực tự vươn lên của bà con DTTS vẫn là yếu tố mang tính then chốt, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Ông Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ thôn Giàn Bí bộc bạch: "Bây giờ, chúng tôi chẳng muốn ngồi không chờ gạo cứu đói nữa, cũng chẳng muốn lên rừng chỉ để bứt mây, chặt nứa, đào củ mưu sinh; chúng tôi muốn được vay vốn làm ăn, được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, được đào tạo nghề... để lo cho cuộc sống chính mình".
Bây giờ, ở 3 thôn có đồng bào Cơ Tu định cư thuộc H. Hòa Vang, cuộc sống đã có nhiều khởi sắc. Đường giao thông đã thuận lợi hơn rất nhiều, ô-tô vào tận làng. 100% gia đình có công trình vệ sinh và sử dụng nước sạch. 100% hộ có điện sinh hoạt, mỗi thôn đều được xây dựng nhà Gươl để sinh hoạt cộng đồng. Mạng lưới điện thoại, phát thanh, truyền hình đã đến từng nhà, giúp cho bà con tiếp cận với những phương tiện truyền thông hiện đại... Để làm được những điều kỳ diệu này, là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ của các ngành, các cấp, không chỉ đơn giản là những chính sách hỗ trợ hợp lý mà còn tập trung vào việc thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất trên cơ sở giữ nguyên bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơ Tu.
An Dương