Báo Công An Đà Nẵng

Vũng Chùa ngóng chờ Đại tướng về an nghỉ

Thứ tư, 09/10/2013 23:42

(Cadn.com.vn) - Theo ý nguyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi từ trần cũng như nguyện vọng của gia đình, ngày 7-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc- Trưởng Ban tổ chức Lễ tang đã chính thức công bố Vũng Chùa- Đảo Yến sẽ là nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vũng Chùa- Đảo Yến thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, H. Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình,  cách Quốc lộ 1A chừng hơn 2km, cách chân đèo Ngang khoảng 4km. Nằm ở thế tựa lưng vào núi Rồng, Vũng Chùa được xem là một địa thế thơ mộng với bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn màng. Dọc theo bờ biển đi về phía Nam còn có mũi Ông, mũi Rồng, hòn Cỏ, hòn La, hòn Nồm (còn gọi là hòn Vũng Chùa). Ngày xưa, nhân dân ven biển đã xây dựng trên hòn Nồm một ngôi Chùa trên bãi đất bằng phẳng để tế lễ thần linh khi ra khơi vào lộng, nên được đổi thành Đảo Chùa. Khi ngôi Chùa bị sóng đánh sập, không được cải tạo lại nên dần dần mất đi. Hòn đảo sau này  được gọi là đảo Yến, bởi nơi đây chim Yến bay về làm tổ và cư trú rất nhiều...

Sáng 8- 10, khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại Vũng Chùa- Đảo Yến, mới sáng tinh mơ người dân Thọ Sơn đã tập trung bàn tán về sự kiện hết sức vinh dự trên quê hương mình. Cụ Nguyễn Thực (84 tuổi), một trong những người già nhất Thọ Sơn tự hào: "Quê hương chúng tôi rất vinh dự được đón Đại tướng về đây an nghỉ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Đại tướng đáng kính không chỉ của người dân Việt Nam mà là vị tướng lừng danh trên khắp thế giới. Dù Đại tướng an táng ở Lệ Thủy hay Quảng Trạch thì Đại tướng vẫn là người con xuất sắc của quê hương Quảng Bình chúng tôi".

Người dân Thọ Sơn rất tự hào vì Đại tướng chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng.

"Thọ Sơn có 267 hộ với 930 khẩu, nghề nghiệp chính là làm nông. Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, khi thành lập Khu kinh tế Hòn La thì đất nông nghiệp của dân không còn nữa. Thay vào đó, có khoảng 70% người có độ tuổi lao động của địa phương đã có công ăn việc làm ổn định trong khu kinh tế"- anh Chu Văn An, Bí thư thôn Thọ Sơn cho biết. Nơi đây, dù cuộc sống còn gặp khó khăn, song người dân lại có tính siêng năng cần cù, chịu thương chịu khó... Tại vùng biển Vũng Chùa, ông Nguyễn Tình (82 tuổi) rưng rưng nước mắt khi nói về Đại tướng: "Dù chưa một lần gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng trong tâm khảm tôi, đại tướng như là một tượng đài bất tử về tài thao lược quân sự. Một con người sống bình dị, hiền lành, chất phác, luôn vì đồng bào, vì dân tộc. Tôi rất đỗi tự hào vì quê hương Quảng Bình đã sản sinh ra một con người kiệt xuất về quân sự như vậy".

Dạo quanh một vòng Thọ Sơn, từ già đến trẻ, nam phụ lão ấu đều tập trung đầu ngõ để từng giây từng phút ngóng chờ ngày Đại tướng trở về. Tại nhà bà Nguyễn Thị Ninh (48 tuổi), bên ấm chè xanh, hàng chục người dân không bàn tán gì nhiều về sự kiện Tướng Giáp được an táng tại đây, họ chỉ chăm chăm nhìn lên dãy núi Rồng sừng sững hướng ra biển lớn. Họ còn ví với nhau rằng: công lao vĩ đại của Đại tướng còn lớn hơn cả ngọn núi này. Lời ví von chân chất này là cả tấm lòng thành kính họ muốn dâng lên để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc. Ông Tưởng Văn Kế (77 tuổi), người hơn 50 năm gắn bó với Vũng Chùa- Đảo Yến kể: "Tôi đi đánh cá ở Vũng Chùa-Đảo Yến từ khi mới hơn 10 tuổi.

Núi Rồng- nơi Đại tướng sẽ an nghỉ.

Ngày mô cũng đi qua Mũi Rồng, nay nghe tin Đại tướng được an táng nơi đây, bản thân tôi vinh dự lắm, vì hàng ngày đi qua nơi đây được ngắm mộ Đại tướng. Cả cuộc đời đi lo cho dân, cho nước nay qua đời Đại tướng lại về quê, nghĩ mà thương, mà quý". Rất nhiều người dân làng Thọ Sơn đã đi mua ảnh Đại tướng về đóng khung trang trọng, rồi lập bàn thờ thắp nhang bái vọng. Ông Lê Huy Hoàng, xã Quảng Đông tay run run thắp nén nhang lên bàn thờ Đại tướng, giọng bùi ngùi: "Nghe tin Đại tướng về an táng ở Vũng Chùa- Đảo Yến bà con trong xã đều tự hào. Từ nay bà con được ở gần nơi Đại tướng an nghỉ để chăm lo hương khói cho ông".

Sáng cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng thân nhân gia đình Đại tướng đã có mặt ở khu vực Vũng Chùa- Đảo Yến để tiến hành xây dựng, sắp xếp công việc chuẩn bị an táng cho Đại tướng vào ngày 13-10. Tập Đoàn Trường Thịnh ở Quảng Bình được phân công chuẩn bị mặt bằng và làm đường vào khu vực Vũng Chùa. Hiện hàng trăm công nhân của tập đoàn đang làm việc suốt ngày đêm để kịp thời gian đón Đại tướng về quê nhà an táng.

Xuân Sơn