Báo Công An Đà Nẵng

Vùng đất “bốn vua”

Thứ bảy, 10/07/2021 14:00

P. Gia Hội (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là vùng đất có chùa Diệu Đế, là nơi vua Thiệu Trị (nhà Nguyễn) sinh thành và cũng là tiềm để (nơi vua ở trước khi lên ngôi) của vua Thiệu Trị. Gia Hội còn có Phủ Thoại Thái Vương, nơi ở và sau đó là nơi thờ tự hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Y - con trai thứ 4 của vua Thiệu Trị. Ông là người sinh ra vua Dục Đức. Vua Dục Đức sinh ra vua Thành Thái. Vua Thành Thái thì sinh ra vua Duy Tân.

Nét cổ kính xen lẫn hiện đại ở P. Gia Hội. Ảnh: Nguyễn Văn Toàn

Vùng đất “bốn vua”

Chúng tôi tìm đến chùa Diệu Đế ở đường Bạch Đằng thuộc P. Vùng đất xây chùa là nơi vua Thiệu Trị ra đời và cũng là tiềm để của vua Thiệu Trị. Nên sau khi lên ngôi, vào năm 1844, vua Thiệu Trị đã cho xây dựng chùa và đặt tên là Diệu Đế. Diệu Đế chính là Quốc tự thứ ba ở Huế và được vua Thiệu Trị liệt hạng là một trong “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp của chốn kinh thành). Vua Thiệu Trị mong muốn nơi đây sẽ là địa điểm “Vua quan ngày ngày chiêm ngưỡng, càng tăng thêm màu sắc tươi thắm của chốn phồn hoa; xe qua thuyền ghé tấp nập, chen nhau như gấm dệt; mục đích vẫn thức tỉnh những tâm hồn hiếu lợi mê hoặc, vẫn lấy điều thiện làm căn bản”.

Gia Hội còn có Phủ Thoại Thái Vương nằm ở đường Chi Lăng, nơi thờ tự hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Y. Ông có các hậu duệ nổi tiếng là ba vị vua nhà Nguyễn: Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân.

Thoại Thái Vương là con thứ 4 của vua Thiệu Trị. Lúc nhỏ ông thông minh, dĩnh ngộ khác thường, lớn lên giỏi thơ nên được vua cha rất thương yêu. Có giai thoại kể lại rằng, vua Tự Đức rất tự hào về tài năng của mình thế mà đã phải thú nhận khi so sánh với Thoại Thái Vương rằng: “Thẹn rằng ta chẳng ngang bằng, Nhờ hơn bốn tuổi mà thành ta anh”.

Thoại Thái Vương là cha của vua Dục Đức. Cháu nội của ông là vua Thành Thái và chắt nội của ông là vua Duy Tân. Vua Dục Ðức chỉ ngồi trên ngai vàng chưa quá 3 ngày. Còn vua Thành Thái và vua Duy Tân vì yêu nước, chống Pháp nên bị đày sang đảo Réunion (Châu Phi).

Đặc biệt, vua Thành Thái (1879-1954) là một vị vua yêu nước có nhiều giai thoại về việc chống Pháp. Nhà vua có tư tưởng chống Pháp nên đã bí mật chiêu nạp được 4 đội nữ binh (mỗi đội 50 người) để mưu tính nổi dậy chống Pháp. Nhưng sự việc cuối cùng bị lộ khi tên Thượng thư Bộ Lại và “Cơ mật viện” báo cho Khâm sứ Pháp Fernand Ernest Lévecque. Ngày 12-9-1907, vua Thành Thái bị thực dân Pháp đưa đi quản thúc ở Vũng Tàu. Đến năm 1916 vua bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai của mình là vua Duy Tân.

Cuối năm 1917, trên con đường tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nước Pháp lần thứ hai sau lần đầu tiên Người đến nước Pháp là vào tháng 6-1911. Tháng 1-1918, Người đến đảo Réunion thăm vua Thành Thái đang bị an trí tại đây. Nhớ lại việc này, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, vua Thành Thái đã nói: “Tôi già rồi, tôi không có ý định trở lại cuộc đời chính trị. Vả lại cụ Hồ Chí Minh đã là người tiêu biểu của phong trào cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, cụ Hồ Chí Minh không phải là người xa lạ. Ngay từ năm 1918 khi ra ngoại quốc, cụ Hồ Chí Minh đã đến gặp tôi ở đảo Réunion. Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt” (Báo “Cứu Quốc”, số 748, ra ngày 6-11-1947).

Nơi lưu giữ “hồn xưa nét Huế”

Người dân Huế hiện nay ai cũng biết cái tên Gia Hội gắn với tên phường, tên cầu, tên trường. Cầu Gia Hội là cây cầu nối liền đường Trần Hưng Đạo với đường Chi Lăng và từ trên cầu nhìn về hướng sông Hương là ngôi chợ Đông Ba nổi tiếng của mảnh đất Cố đô. Trường THPT Gia Hội là ngôi trường được thành lập năm 1966, hiện nằm ở đường Nguyễn Chí Thanh. Và đường Chi Lăng trước đây cũng từng mang tên đường Gia Hội (Rue Gia Hoi).

Phường Gia Hội còn có Phủ Thọ Xuân. Thọ Xuân Vương là hoàng tử thứ 3 của vua Minh Mạng. Ông nổi danh về thơ và ứng đối. Ở Gia Hội có Phủ Quảng Biên Quận Công, là hoàng tử thứ 51 của vua Minh Mạng, một người có danh về thơ và thông suốt y lý, từng chẩn mạch cho vua Tự Ðức. Bên cạnh đó, Gia Hội còn có Phủ Hòa Thạnh Vương, con thứ 37 của vua Minh Mạng.

Gia Hội cũng là nơi tập trung người Hoa, người Ấn sinh sống và kinh doanh. Đường Chi Lăng thuộc P. Gia Hội là địa điểm có cộng đồng người Hoa nhiều nhất ở Huế từ trước đến nay. Các công trình kiến trúc người Hoa trên trục đường này đẹp không thua gì ở phố cổ Hội An. Gia Hội có Thanh Bình Từ Đường thờ Tổ của ngành hát bội cùng những người có công tích với nghề nghiệp sân khấu trên cả nước thời nhà Nguyễn. Công trình này đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1992.

Là nơi tập trung nhiều di lích lịch sử và văn hóa nên hằng ngày có khá đông thực khách đã tìm đến Gia Hội. Nơi đây hiện cũng có những hàng quán thu hút đông đảo thực khách như bún giấm nuốc đoạn gần cầu Gia Hội và hàng loạt hàng quán bán bún bò, cơm hến, các món chè, bánh khoái, bún mắm nêm, bún thịt nướng, bánh canh Nam Phổ... Còn nhớ vào Festival Huế 2002, khi phố ẩm thực tại đường Bạch Đằng thuộc khu phố cổ Gia Hội mở ra, không chỉ du khách mà cả người dân Huế cũng kéo đến đây để thưởng thức các món ăn đặc trưng, đậm đà chất Huế nhưng giá cả lại hết sức bình dân.

Thiết nghĩ, nếu được quan tâm, đầu tư hiệu quả về mặt du lịch và bảo tồn, chắc hẳn những di tích, những giai thoại và những đặc sản ẩm thực của P. Gia Hội (khu phố cổ Gia Hội xưa) sẽ là “mỏ vàng” để nâng tầm du lịch Huế.

Nguyễn Văn Toàn