Báo Công An Đà Nẵng

Vùng Tây H. Thăng Bình lao đao trong mùa hạn

Thứ năm, 29/06/2017 10:31

(Cadn.com.vn) - Nhiều năm qua, vào mùa nắng nóng người dân Quảng Nam nhất là những vùng đồi núi lại lâm vào cảnh thiếu nước. Trong đó cánh tây H Thăng Bình là một trong những nơi hứng chịu hạn nghiêm trọng bởi đây là vùng đất đá khô cằn. Không chỉ nước tưới nhiều nơi nước sinh hoạt cũng thiếu hoặc nhiễm phèn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Giữa tháng 6, cao điểm của mùa nắng nóng, xã Bình Lãnh (H Thăng Bình) khan hiếm nước sạch trên diện rộng. Do địa hình chủ yếu là vùng đồi núi khô cằn nên nhiều giếng đào đã trơ đáy; còn giếng đóng, hút nước bằng mô tơ điện cũng vô hiệu.  "Dân ở đây ngoài chăn nuôi trâu bò thì chủ yếu làm nông. Tuy nhiên nguồn nước không ổn định khiến năng suất cây lúa rất kém. Tất cả đều phải trông đợi vào ông trời", ông Cảnh (69 tuổi, trú thôn La Nga) cho biết.

Ruộng  bỏ hoang vì thiếu nước.

Không chỉ có xã Bình Lãnh mà nhiều địa phương thuộc phía tây Thăng Bình cũng đang chật vật trong đợt nắng hạn. Ông Đoàn Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết cứ đến vụ hè thu là sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gặp vô vàn khó khăn. Nước tưới cho 520ha đất lúa, bắp, đậu phụng, đậu xanh... hiếm hoi và trở thành vấn đề nan giải. Trước tình trạng khô hạn, UBND xã Bình Phú đã kiến nghị nhiều cấp đầu tư thêm các trạm bơm, công trình cấp nước. Mới đây, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đã vận hành trạm bơm đặt tại tổ 18 (thôn Lý Trường, xã Bình Phú) nguồn lấy nước từ kênh Phú Ninh, cung cấp nước tưới cho 60ha lúa quanh khu vực này nhằm giải quyết phần nào đó nhu cầu nước tưới. Còn tại xã Bình Định Bắc,  nước tưới đã khan hiếm từ tháng 3. Đây là vùng đất đá nên việc khoan giếng vô cùng khó khăn. Thôn Bình An có 291 hộ dân, với 1.263 nhân khẩu,  3 năm trở lại đây tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất hoa màu của bà con diễn ra trầm trọng vào mùa khô hạn. Đặc biệt, riêng tổ 2, thôn Bình An không có nước sinh hoạt, bà con phải đi gánh, chở nước ở các thôn lân cận về dùng. Ngoài ra, diện tích đất canh tác hoa màu ở thôn Bình An cũng đành bỏ hoang nhiều năm vào mùa nắng nóng. Thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu, đời sống người dân rất khó khăn vì không thể tăng gia sản xuất. Mỗi năm chỉ sản xuất  được một vụ lúa đông xuân, còn vụ hè thu đành bỏ hoang. Chia sẻ về vấn đề thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, ông Nguyễn Vinh Sơn, Trưởng thôn Bình An cho biết: "Nguyên nhân thiếu nước do thời tiết một phần. Phần khác là do trạm bơm Phước Chỉ có bắt một ống sắt qua bên cánh đồng ruộng tổ 2 của thôn nhưng nước không chảy qua được. Trong nhiều lần họp HĐND xã, huyện tôi đã có ý kiến về việc này tuy nhiên vẫn chưa có thông tin gì mới. Người dân nơi đây rất cần giếng khoan cộng đồng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân".

Người dân dùng xe bò chở nước về dùng.

Trước sự việc trên, ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết chính quyền xã đã làm hồ sơ, xin kinh phí để đầu tư xây dựng trạm bơm dẫn nước chảy từ trạm bơm Phước Chỉ về các cánh đồng cho bà con nhưng UBND Thăng Bình chưa phê duyệt. Còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân vào mùa nắng nóng, thời gian sắp đến, chính quyền xã sẽ đầu tư xây dựng đập ngăn nước ở suối Ngọc khô để phục vụ nước sạch cho người dân. Đây là vấn đề lâu dài bởi địa hình nơi đây rất phức tạp khó khăn trong việc đào khoan giếng. Thông tin từ chi nhánh thủy lợi Thăng Bình cho biết đang cùng với các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm đồng thời kết hợp với việc dự trữ nước, sử dụng các trạm bơm chống hạn di động để đảm bảo nước tưới. Tuy nhiên, một trong những biện pháp cấp thiết hiện nay là các địa phương tổ chức hướng dẫn cho người dân đắp bờ giữ nước, tiến hành nạo vét kênh mương để khơi thông dòng chảy. Biện pháp mang tính lâu dài hơn đối với vùng tây Thăng Bình đó là làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích đất lúa không chủ động nước sang những cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua đó, giúp người dân chủ động ứng phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra đối với sản xuất nông nghiệp.

ĐỒNG DAO