Vững vàng nơi đầu sóng (Kỳ 2: Ra khơi trong giông bão)
“Những lúc thuận buồm xuôi gió cũng như khi bão tố hiểm nguy, cộng đồng ngư dân và người đi biển luôn yên tâm khi có các đồng chí dõi theo. Trong tình huống lành ít dữ nhiều, các đồng chí đã sát cánh cùng người bị nạn giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản, góp phần giúp nhân dân yên tâm sản xuất, bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”-là bức thư của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, một trong rất nhiều bức thư gửi Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) thể hiện lòng biết ơn những con người không quản ngại hiểm nguy, có mặt như “thần hộ mệnh” mỗi khi ngư dân gặp bất trắc trên biển.
“Mệnh lệnh trái tim”
Biển động, mưa gió vần vũ, bộ đôi tàu cứu nạn SAR 412 và 274 nằm trong trạng thái sẵn sàng đợi lệnh trên cầu cảng Danang MRCC. Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn, người được bà con ngư dân gọi bằng biệt danh thân thương là “ông già biển cả”, cứ tập trung cao độ lắng nghe thông tin thời tiết, các thông báo trên kênh thông tin duyên hải. Dường như mỗi khi nghe đến tình hình thời tiết ở mỗi tọa độ, ông đều “chấm” lại trong đầu để định vị, dự đoán. Từng tốt nghiệp Đại học Hàng hải và rong ruổi trên những con tàu viễn dương với mức thu nhập cao, chàng trai xứ Nghệ ấy đã bỏ ngang công việc hái ra tiền để về đầu quân cho Danang MRCC ngày đầu thành lập. 15 năm làm nghề cứu nạn với nhiều nhiệm vụ cam go, “ông già biển cả” là người truyền cảm hứng cho những người trẻ trong mỗi chuyến ra khơi làm nhiệm vụ mà họ gọi là “mệnh lệnh trái tim”.
Trong gần 300 nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn trên biển được Danang MRCC thực hiện, ông Sơn không nhớ mình đã tham gia chỉ huy, thực hiện bao nhiêu vụ. Nhưng người đàn ông rắn rỏi ấy lặng người, mắt rưng rưng khi kể về lần ông cùng đồng nghiệp thực hiện hành trình đưa 7 ngư dân Quảng Bình thoát hiểm một cách kỳ diệu vào cuối năm 2017. “Tàu của họ bị chìm, chúng tôi mở hết tốc lực lên đường nhắm tọa độ đã được báo. Nhưng được nửa hành trình thì mất liên lạc hoàn toàn, trời tối dần, sóng gió càng lúc càng to. Thường thì mỗi khi có tàu chìm là sẽ có người chết, đó là còn biết tọa độ. Đằng này chúng tôi gần như dùng cảm tính, dự báo họ sẽ trôi về đâu, tốc độ như thế nào để đón đầu chứ không tới tọa độ bị nạn nữa”. Dự báo đó, nếu đúng thì sẽ cứu được người, còn nếu sai thì không còn cơ hội sửa, vì màn đêm đã ập xuống, không có lấy một tín hiệu nào trên biển. “Kinh nghiệm mấy chục năm đi biển cộng với những tính toán của máy móc ở cơ quan “đầu não”, chúng tôi đã đến đúng nơi họ gần như đã buông xuôi cho số phận. Chúng tôi ôm nhau khóc khi đưa được tất cả 7 người lên tàu. Đó là nhiệm vụ thành công nhất trong nghề cứu nạn của chúng tôi”, thuyền trưởng Sơn kể.
Khi được hỏi về lần nguy hiểm nhất trong hành trình cứu ngư dân bị nạn, thuyền phó Trần Duy Hòa vẫn còn nhớ như in việc bám từng mét nước để cứu ngư dân 2 tàu cá Bình Định gặp sự cố ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 2015. Đây là vùng biển chủ quyền của Việt Nam nhưng tàu Trung Quốc thường xuyên cản trở và có những hành vi uy hiếp. Sau khi đến thực địa và cứu nạn xong một tàu ở Tây Hoàng Sa, lực lượng cứu nạn nhanh chóng di chuyển vào khu vực trung tâm Quần đảo Hoàng Sa để hỗ trợ tàu còn lại thì bất ngờ bị tàu hải quân, cảnh sát biển và máy bay Trung Quốc quần thảo. “Với lực lượng quá chênh lệch, thấy chúng tôi hơi lo ngại, thuyền trưởng Sơn hét lên: “Biển của mình, ngư dân mình, phải cứu bằng được, không lui!”. Vừa tránh những hành động gây hấn vừa khéo léo tiếp cận tàu bị nạn trong điều kiện bị cản trở, đe dọa, chúng tôi đã cứu được ngư dân kịp thời và an toàn”, anh Hòa nhớ lại.
Chỗ dựa của người đi biển
Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Thanh Nam– thuyền viên tàu cá QNa – 95959, xã Bình Minh, H. Thăng Bình, Quảng Nam vẫn không quên được khoảnh khắc mà ông cùng 33 ngư dân nắm lấy được những bàn tay rắn rỏi của lực lượng cứu hộ trong đêm tối ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa. Khuya 3-5-2017, nhiều thuyền viên đã lên thúng đi chụp mực, chỉ còn lại một số người cảnh giới và làm công tác liên lạc trên tàu. Lợi dụng đêm tối, một con tàu sắt không rõ số hiệu lao tới đâm chí mạng vào tàu cá, nước tràn vào khoang chìm dần khiến tất cả thuyền viên phải bơi ra khỏi tàu mà không kịp lấy áo phao. “Nếu không có sự ứng cứu kịp thời của một tàu bạn trong khu vực, sau đó là sự hiện diện của lực lượng cứu nạn thì tính mạng của anh em chúng tôi sẽ khó chu toàn. Ai cũng muốn thuận buồm xuôi gió khi mưu sinh, nhưng làm nghề đi biển, không ai không gặp phải sự cố bất trắc. Những lúc như vậy, thấy chiếc tàu màu cam thấp thoáng từ xa, những bàn tay rắn rỏi ôm lấy mình là thấy vững tin. Họ là chỗ dựa vững chắc của chúng tôi”, ông Nam nói về những ân nhân Danang MRCC.
Theo ông Bùi Tân Nguyên – Giám đốc Danang MRCC, từ ngày thành lập đến nay, đơn vị đã thực hiện gần 500 chuyến cứu nạn, cứu được 1.200 người kể cả ngư dân trong nước và thuyền viên tàu vận tải nước ngoài. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với các lực lượng khác như BĐBP, CSB cứu gần 2.500 người, lai dắt 58 tàu bị nạn vào bờ an toàn. Cùng với công tác cứu hộ cứu nạn, đơn vị cũng đã lồng ghép tuyên truyền về an toàn giao thông trên biển, giới thiệu vùng biển Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 để cộng đồng ngư dân, những tàu thuyền tham gia hoạt động hàng hải nắm rõ về chủ quyền biển đảo cũng như các quy tắc trên biển. “Đặc thù của nghề tìm kiếm cứu nạn là hoạt động trong môi trường sóng gió, đầy nguy hiểm nhưng với hạt nhân là những đảng viên gương mẫu, bản lĩnh, kiên định với nghề, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước Đảng, Nhà nước và ngành Giao thông vận tải giao phó. Sự hiện diện của lực lượng tàu công vụ Việt Nam tại các khu vực ngư dân lao động sản xuất, tàu thuyền vận tải hàng hóa cũng là lời khẳng định về chủ quyền của Tổ quốc”, ông Nguyên tâm sự. Để hai con tàu đạp sóng ra khơi cứu nạn đạt hiệu quả cao nhất, đóng góp âm thầm của đội ngũ thợ máy, kỹ thuật, quản lý tàu là hết sức quan trọng. Ngoài việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đo đạc, tính toán để liên lạc với thực địa triển khai tìm kiếm, cứu nạn hiệu quả, nhiều “cây sáng kiến” của Trung tâm đã cải tiến khoang cấp nhiên liệu, két dự trữ để tốc độ cơ động của tàu nhanh hơn, thời gian hoạt động lâu hơn.
Ông Bùi Tân Nguyên cho biết, Huân chương Lao động hạng Ba là phần thưởng cao quý mà Nhà nước đã dành tặng cho những nỗ lực, vượt khó, sát cánh cùng người đi biển của đơn vị. Không chỉ phát huy hết những khả năng của những cử nhân cao đẳng, đại học trong lĩnh vực hàng hải, mỗi cán bộ, viên chức còn nâng cao trách nhiệm của đảng viên trước nhân dân bằng những hành động cụ thể, được người dân tin yêu. “Không đơn giản khi một chi bộ chỉ có 36 đảng viên lại có mặt trong 50 chi bộ tiêu biểu được tuyên dương nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Đảng bộ khối cơ quan Trung ương. Đó là nòng cốt tạo nên sức mạnh để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Nguyên tâm sự.
Phóng sự: Công Khanh – Công Hạnh
Kỳ tới: Tổ quốc nhìn từ biển
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II tổ chức cứu nạn, khám sức khỏe cho ngư dân trên biển.