Báo Công An Đà Nẵng

Vững vàng nơi đầu song (Kỳ 3: Tổ quốc nhìn từ biển)

Thứ năm, 11/10/2018 21:00

Để thực hiện loạt bài viết này, nhóm phóng viên chúng tôi may mắn từng được theo chân các lực lượng chấp pháp can trường trên sóng nước bảo vệ chủ quyền: Cảnh sát biển, kiểm ngư, Bộ đội biên phòng (CSB, KN, BĐBP). Đi giữa lằn ranh sinh - tử, họ tạm gác mọi nỗi niềm riêng, sát cánh tạo dựng “bức tường thép” giữ phên giậu giữa biển khơi.

Kết nạp Đảng cho Kiểm ngư viên Lê Văn Bình trên tàu HP 926.

Sau 10 ngày diễn ra sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, ngày 10-5-2014, tôi nhận mệnh lệnh từ Ban Biên tập "một giờ sau phải có mặt tại cảng Tiên Sa để theo tàu 926 của KN vùng 4 đi Hoàng Sa". Tôi tạt qua nhà gom vội 2 bộ quần áo cùng chiếc máy ảnh rồi nhanh chân ra cảng. Đúng lúc ấy, ông Phan Đình Cát, cán bộ phụ trách lực lượng KN Vùng 4 cùng thủy thủ tàu đang thực hiện nghi lễ chào cờ Tổ quốc trước khi nhổ neo rời cảng.

Vào Đảng giữa trùng khơi

Những ngày ấy, tàu của lực lượng KN, CSB và BĐBP liên tục đối mặt với sự uy hiếp từ hành động đâm va của tàu hải cảnh, hải giám, tàu đầu kéo Trung Quốc nhưng các đồng chí luôn bám thực địa, chung sức đồng lòng hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng trước Đảng, trước nhân dân. Cũng trên sóng biển mênh mông, chúng tôi chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động của những chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển. Với họ, đó là mốc son đáng nhớ nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Hôm 14-5-2014 có lẽ là ngày không thể quên đối với chàng cán bộ KN trẻ Lê Văn Bình (1987, quê Thái Thụy, Thái Bình). Tập thể cán bộ KN Vùng 4, phóng viên có mặt trên tàu chúc mừng, chia vui nhân sự kiện em được kết nạp vào Đảng CSVN ngay trên boong tàu. Giữa biển sóng, đảng viên chi bộ KN vùng sát vai nhau hướng lên phía Quốc kỳ, Đảng kỳ đồng thanh hát vang bài Quốc ca, Quốc tế ca. Lời ca hùng tráng ngấm sâu vào mỗi trái tim, khối óc, thôi thúc từng cán bộ KN kiên trung hơn. Với Bình, đó là niềm động viên để em bền bỉ phấn đấu, vì mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền. "Đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm mơ ước của em nhiều năm qua, nay đã thành hiện thực rồi anh ạ. Càng tự hào, cảm động hơn là được vào Đảng ngay giữa vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc, em thấy vinh dự lắm, nhưng trách nhiệm cũng sẽ cao hơn. Em sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao"–Bình xúc động bày tỏ. Theo đồng chí Đinh Kim Thảo, cán bộ KN Vùng 4, Bình là người đầu tiên được kết nạp Đảng trên vùng biển Hoàng Sa. Suốt 4 năm công tác, Bình luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, sáng tạo trong công tác chuyên môn, nhất là những nhiệm vụ khó khăn khi tham gia tuần tra trên biển.

Khi được điều chuyển qua tác nghiệp trên tàu 2016 Vùng CS biển 2, chúng tôi một lần nữa chứng kiến lễ kết nạp Đảng ngay giữa sóng nước Hoàng Sa cho thiếu úy Nguyễn Đức Hùng. Buổi lễ diễn ra trang trọng trong căn phòng hẹp của câu lạc bộ chiến sĩ, Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, Bí thư chi bộ, Chính trị viên tàu CSB 2016 nhận xét: “Để trở thành đảng viên, Thiếu úy Hùng thể hiện rất rõ sự phấn đấu. Ngay ở thời khắc căng thẳng nhất tàu đối mặt với sự khiêu khích tấn công của các tàu Trung Quốc, Hùng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc. Ngày đêm gần như không ngủ, Hùng bám máy tàu, chấp hành nghiêm các quy định cấp trên giao. Vậy là từ nay, các biên đội tàu CSB có thêm một đảng viên trẻ. Đây sẽ là nhân tố giúp các tàu CSB thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển Việt Nam"…           

Sau này, chúng tôi có dịp gặp lại Trung tá Kiều Khánh Dũng, Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng CS biển 2. Anh bảo rằng, kết nạp Đảng trên tàu là chuyện không mới, nhưng vào Đảng trên sóng biển Hoàng Sa thời khắc ấy là một niềm vui, hạnh phúc, tự hào cho cả Đảng bộ CS biển vùng chứ không riêng gì trung úy Hùng. Được biết, thời điểm đó, ngoài những đảng viên trẻ của lực lượng KN, BĐBP, trên những biên đội tàu CSB, còn có 2 đồng chí khác cũng được kết nạp đảng viên.

Bằng chứng tố cáo hành vi vi phạm chủ quyền

Suốt 75 ngày đêm trên biển, các lực lượng chấp pháp Việt Nam đã bền bỉ đấu tranh tuyên truyền buộc Trung Quốc rút giàn khoan. Có những đồng chí gác lại hết việc nhà với hoàn cảnh cha mẹ ốm đau, vợ mới sinh...để toàn tâm, toàn ý vì nhiệm vụ. Nhiều người dù đang nghỉ phép cũng xin quay trở lại tàu ra biển – nơi hàng loạt tàu Trung Quốc nhòm ngó, gây hấn. Dù bị đuổi, nhiều lần đâm va, nhưng 100% CBCS CSB, BĐBP và lực lượng KN vẫn can trường, kiên quyết đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Ngày ấy, cánh phóng viên chúng tôi cùng các lực lượng đã ghi lại hàng chục thước phim tàu Trung Quốc gây hấn, làm bằng chứng trong việc đấu tranh gìn giữ chủ quyền.

Đến nay, có một hình ảnh chất chứa nỗi căm phẫn trong lòng mỗi người dân Việt Nam, đó là vụ tàu Trung Quốc vây ráp, đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 TS của Việt Nam chiều 26-5-2014 khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa (TP Đà Nẵng). Dù cả 10 ngư dân được cứu sống, nhưng hành động gây hấn của tàu Trung Quốc luôn bị dư luận thế giới phản đối, chỉ trích gay gắt, nhất là khi tàu được trục vớt về Đà Nẵng, gia đình hiến tặng cho UBND huyện Hoàng Sa trưng bày, làm bằng chứng lịch sử. Thời điểm ấy, bằng chứng quý giá nhất chính là đoạn video quay lại được cảnh tàu cá ĐNa 90152 TS bị 11209 đâm chìm. Bởi không có tư liệu ấy, có lẽ mọi chuyện cũng trôi đi giữa trùng khơi. Chúng tôi gặp lại người quay thước phim – Thượng úy Phạm Hùng, đồn biên phòng Sơn Trà. Hùng kể: “Khi đó, em đi làm nhiệm vụ trên tàu DNa 90363TS, gần với tàu cá ĐNa 90152 TS của Việt Nam đang hoạt động đánh bắt hoàn toàn hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế nước nhà. Bất ngờ, đến giữa chiều, tàu bị nhiều tàu vỏ sắt của Trung Quốc to lớn gấp 5-6 lần truy đuổi. Chúng vây ráp thành vòng cung, sau đó tàu Trung Quốc số hiệu 11209  đuổi với tốc độ cao đến tàu ĐNa 90152, đâm chìm. Từ xa, thấy tàu Trung Quốc lao thẳng tới tàu cá của ngư dân, em  rút điện thoại cố quay lại, đồng thời la lớn để tàu cá Việt Nam tăng tốc nhưng tàu của chúng ta công suất thấp, không chạy nhanh được. Mặc cho các ngư dân gào thét, tàu Trung Quốc vẫn cố tình thực hiện hành vi sai trái. Họ lao thẳng, đè ngang và dìm tàu ĐNa 90152 xuống biển. Đây là tội ác không thể tha thứ được”-Thượng úy Phạm Hùng kể lại trong bức xúc.

Ngày các ngư dân tàu cá ĐNa 90152 trở về đất liền, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2, lúc đó là Đại tá Trần Văn Dũng bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc: "Vùng CSB 2 chúng tôi cực lực phản đối hành động ngang ngược, hung hãn của phía Trung Quốc khi cho tàu sắt đâm chìm tàu đánh cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng". Ông Trần Văn Lĩnh, quyền Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng cũng khẳng định, đoạn phim quay được trên biển thật sự rất quý, là bằng chứng chân thật nhất để đưa vào hồ sơ vụ khởi kiện tàu Trung Quốc ra tòa, đồng thời khẳng định rằng chủ quyền của chúng ta đã bị xâm phạm…

Phóng sự: CÔNG KHANH – CÔNG HẠNH

Kỳ cuối: Đồng lòng giữ chủ quyền biển đảo