Vùng Vịnh lại dậy sóng
Một trong các tàu chở dầu đã bị tấn công khi đang trên đường đi nạp dầu thô từ một nhà máy dầu của Saudi Arabia cho khách hàng ở Mỹ.
Vụ tấn công xảy ra khu vực ngoài khơi gần cảng Fujairah của UAE. Ảnh: AP |
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 13-5 tuyên bố, 4 tàu vận tải đã bị tấn công ở khu vực ngoài khơi gần cảng Fujairah, một thành phố cảng ở sườn đông của nước này.
Vụ việc xảy ra vào ngày 12-5, khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất ngờ hủy chuyến thăm theo kế hoạch đến Nga để đến Bỉ nhằm đàm phán với các quan chức Châu Âu về vấn đề Iran, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở một khu vực bị chấn động bởi cuộc chiến giữa Washington và Tehran. Và chỉ vài giờ trước đó, truyền thông Iran và Lebanon đưa tin về các vụ nổ gần cảng Fujairah. Giới truyền thông dẫn lời Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran Heshmatollah Falahatpisheh cho biết, các vụ nổ gần cảng Fujairah cho thấy an ninh các quốc gia vùng Vịnh vô cùng mong manh. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Fujairah bác bỏ thông tin này, khẳng định cảng Fujairah vẫn hoạt động bình thường.
Những con tàu bị tấn công
Trong tuyên bố đưa ra hôm 13-5, UAE xác nhận, 4 tàu hàng bị tấn công ở khu vực ngoài khơi gần cảng Fujairah. UAE lên án hành động này là âm mưu hòng làm suy yếu an ninh của các nguồn cung cấp dầu thô toàn cầu.
“Không có người thương vong trong sự việc”, Bộ Ngoại giao UAE ra thông cáo, gọi đây là diễn biến nguy hiểm và kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn những hành động tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, nước này không nói rõ các tàu bị tấn công là của nước nào, cũng không đưa ra nhận định về việc thủ phạm của chiến dịch phá hoại là các cá nhân hay một nhóm lớn hơn hay một quốc gia. Nhà chức trách UAE tuyên bố đang hợp tác với các cơ quan trong nước và quốc tế để điều tra sự việc.
Trong khi đó, Saudi Arabia xác nhận 2 trong số các tàu chở dầu bị tấn công là của họ. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết, một trong 2 tàu kể trên đang trên đường vận chuyển dầu thô của Saudi Arabia từ cảng Ras Tanura tới các khách hàng của Cty dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco tại Mỹ. Vụ tấn công không gây thương vong hay rò rỉ dầu nhưng làm hư hại nghiêm trọng cấu trúc của hai tàu trên. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia chỉ trích các vụ tấn công này, cho rằng, nó cấu thành “mối đe dọa đối với sự an toàn hàng hải và ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh khu vực và quốc tế”.
Các nước phản ứng như thế nào?
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi làm rõ về những gì đã xảy ra với các tàu bị tấn công. Người phát ngôn bộ trên, ông Abbas Mousavi bày tỏ quan ngại về các vụ nổ ảnh hưởng đến các tàu chở dầu nói trên và cho biết cần có thêm thông tin chính xác về những gì đã xảy ra. Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran cũng dẫn lời ông Mousavi cảnh báo chống lại bất kỳ âm mưu nào do những kẻ xấu dàn dựng và chủ nghĩa phiêu lưu của người nước ngoài nhằm phá hoại sự ổn định và an ninh của khu vực.
Mỹ cũng ra cảnh báo cho các tàu sau vụ tấn công. Sáng 13-5, mặc dù nhấn mạnh vụ việc chưa được xác nhận, Cơ quan Hàng hải Mỹ cảnh báo các hãng vận tải đường biển cần thận trọng khi đi qua Fujairah, nằm cách eo biển Hormuz khoảng 140km về phía nam. Cơ quan này cũng công bố tọa độ của vụ tấn công phá hoại, cách Fujairah không xa về phía bắc. Trong khi đó, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) mạnh mẽ lên án các hành động phá hoại như thế này. Trong một thông báo, Tổng Thư ký GCC, ông Abdul Latif Al Zayani cho rằng, điều này “sẽ làm gia tăng căng thẳng và xung đột trong khu vực và gây hại tới lợi ích của người dân”.
Eo biển Hormuz, một tuyến đường vận chuyển dầu khí quan trọng của thế giới, ngăn cách các nước Vùng Vịnh và Iran, quốc gia vốn bị lôi kéo vào cuộc khẩu chiến căng thẳng với Washington xung quanh các lệnh trừng phạt và sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực. Khoảng 1/3 lượng dầu mỏ xuất khẩu vận chuyển đường biển đi qua eo biển này.
KHẢ ANH