Vươn khơi đón giao thừa
(Cadn.com.vn) - Căng lá cờ Tổ quốc lên đỉnh tàu bay phần phật, ngư phủ Phạm Thái Vinh cất giọng hào sảng: “Nhà báo có ra biển ăn Tết không? Ra Hoàng Sa buông lưới đón giao thừa!”. Làng ngư phủ miền Trung cười lên giòn tan, hòa vào không khí chộn rộn giữa Cảng cá Thọ Quang. Đây không phải là những ngày thời tiết lý tưởng, nhưng cũng đã qua mùa mưa bão. Ngay bên những con tàu vừa cập bến, nhiều đội tàu khác lại cấp tập chuẩn bị ngư lưới cụ, thực phẩm để đi chuyến biển vắt qua… 2 năm!
Ngư dân căng cờ Tổ quốc, chuẩn bị cho chuyến ra khơi ăn Tết trên biển. Ảnh: C.K |
Tết ở Hoàng Sa, cá của Hoàng Sa
Các thành viên của tàu cá QNg – 94560 TS đã dọn cỗ cúng tất niên ngay trên tàu sau khi chia quân về Sa Kỳ chuẩn bị tết cho gia đình. Ra Đà Nẵng, thuyền trưởng phân công nhiệm vụ đi chợ để chuẩn bị lương thực cho chuyến đi kéo dài nửa tháng. Ngoài những thứ thiết yếu như một chuyến đi biển bình thường, tàu còn có thêm bánh chưng, bánh tét, dưa muối, giò chả và một ít rượu quê để “khui” vào đúng thời khắc giao thừa. Hơn chục năm đi biển, anh Vinh và bạn tàu thường “quán triệt” với gia đình là nếu năm nay đón giao thừa ở nhà thì năm sau sẽ là trên biển. “Ngồi quây quần trên boong tàu anh em cũng có lúc nhớ gia đình. Nhưng năm nào đón giao thừa ở nhà lại khắc khoải nhớ biển, nhớ sóng gió, nhớ những mẻ cá tươi roi rói được kéo lên vào thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ. Tết ở Hoàng Sa thú vị lắm”, “sư huynh” của tàu QNg – 94560 TS hào hứng. Không có thời gian để tiếp chuyện riêng, anh Nguyễn Huệ Dương, chủ tàu cá BĐ – 96795 TS của Bình Định gào lên át tiếng máy cắt đá: “Đón tết ở nhà thì vui rồi, nhưng nhiều hôm say mèm vì chúc tụng. Chuyến vừa rồi cũng khá, sắm sanh đầy đủ, lì xì sớm cho bọn trẻ, mừng tuổi người già, còn lại nhờ vợ “giữ hộ” rồi lên đường. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bia rượu có cả trên tàu. Vừa có tết lại vừa có cá”, anh Dương hét oang oang giữa cảng cá.
Nhiều tàu cá ra khơi, đón Tết trên biển. Ảnh: Công Khanh |
Trong đội tàu miền Trung tại âu thuyền Thọ Quang, các tàu cá Quảng Bình đi câu mực sẽ có hành trình xa nhất, thời gian lâu nhất. Có khi kéo dài từ giữa tháng Chạp đến rằm tháng Giêng mới cập bờ. Đổi lại họ thoả sức tung hoành trên ngư trường rộng lớn, “đổ bộ” cú nào trúng cú đó. Theo ngư dân Nguyễn Văn Bảy, cũng giống như những lao động ở ngành nghề khác thường có lương gấp đôi, gấp ba nếu làm việc trong những ngày lễ tết, anh em đi biển về trong những ngày đầu tiên của năm mới thường rất nhiều lộc, ít lắm cũng đút túi hơn chục triệu đồng. Khi đó về quê ăn tết, thăm thú người thân cũng rủng rẻng, xông xênh. “Đi ngày thường có khi phải ráng, lương thực vơi nhưng khoang chưa đầy mà về thì lỗ chết. Còn đánh bắt ngày tết thì mật độ tàu trên ngư trường ít hơn nên tha hồ thăm dò trước khi buông neo. Mười tàu đi thì cả mười tàu trúng”, ông Bảy kinh nghiệm.
Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm để ra khơi. Ảnh: Công Khanh |
Chờ mẻ lưới “Thân-Dậu”
Theo quan niệm của ngư dân, chuyến đi biển vắt qua 2 năm thường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc “chốt hạ” năm cũ, “khai tiệc” năm mới. Ngoài việc chuẩn bị thật sung túc trên tàu, đầm ấm và nhàn nhã vào thời khắc giao thừa thì còn lại sẽ là những khoảng thời gian bận bịu, hối hả để tăng năng suất, đẩy tiến độ. Đây không phải là những ngày thời tiết thuận lợi nhưng đã qua mùa mưa bão nên nếu chịu khó, biển sẽ không phụ người. Đầu xuôi đuôi lọt, nếu về cảng xông đất năm mới cá tôm đầy ắp thì cả năm đó sẽ làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Nguyễn Văn Toàn, ngư dân tàu BĐ – 96795 TS hành nghề lưới rút vừa rà sổ ghi chép, kiểm đếm lương thực, thực phẩm trong kho vừa kể lại câu chuyện đón giao thừa tết Bính Thân 2016…Đó là cái tết đầu tiên trên biển, Toàn nhớ nhà ngồi thu lu trong khoang bếp mở điện thoại nghe nhạc xuân. Mãi đến khi được anh em gọi ra bật lon bia trước khi kéo lưới, Toàn mới cảm nhận được niềm hứng khởi trong thời khắc giao thừa trên biển. “Mẻ nớ trúng đậm, chưa hết Mùng đã đóng máy hướng đất liền. Năm rồi kiếm được cũng kha khá. Giờ cả tàu háo hức mẻ lưới từ năm Thân qua năm Dậu. Mẻ lưới mà từ khi buông đến khi kéo mất…2 năm”, Toàn cười sảng khoái. Lão ngư Trần Văn Bình nổ máy “làm nóng” con tàu QNg 04546 TS để chuẩn bị xuất phát. Hướng buông neo sẽ là khu vực gần đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ. Ông Bình khẳng khái: “Năm rồi đánh bắt gần bờ có bận liêu xiêu vì sự cố môi trường biển. Nhưng rồi bà con cũng đứng vững được với nghề, thời tiết cũng thuận lợi, mưa nhiều nhưng không có bão lớn. Giờ cũng đang là mùa gió, nhưng trời ấm dần lên, tết sẽ rất đẹp. Với ngư dân, tết trên biển cả quê hương thiêng liêng lắm”.
Rất nhiều ngư dân miền Trung ra khơi vào dịp Tết, đón giao thừa trên biển. |
Những chuyến ra khơi cận Tết và vắt qua Tết Nguyên đán của ngư dân miền Trung |
Ông Nguyễn Lại, Trưởng phòng Kế hoạch và dịch vụ, Ban Quản lý Cảng cá và đâu thuyền Thọ Quang, Chánh văn phòng Hội Nghề cá Đà Nẵng cho biết, trong 20 ngày của tháng 1-2017, sản lượng thủy sản qua cảng đạt 4.164 tấn. Trong thời điểm các tàu lưới giã nghỉ tết thì nhiều tàu công suất lớn hành nghề lưới cản, lưới vây đánh bắt rất hiệu quả. Những ngày tới, nhiều tàu cá của Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Bình sẽ cập cảng và nhanh chóng ra khơi ngay trong tết. Trước rằm tháng Giêng, lượng tàu này sẽ trở về xông đất năm mới với lượng thủy sản dồi dào và rất được giá.
Bảo Nam