Báo Công An Đà Nẵng

“Vườn Mẹ” hay một miền sử ca...

Thứ năm, 24/06/2021 21:21

Bình Dương - một xã của miền cát Thăng Bình (Quảng Nam) đã in dấu đậm nét trong nhiều trang sử. Một xã 3 lần được vinh danh Anh hùng, cả trong chiến đấu và lao động, xứng đáng với sự tôn vinh ấy. Song chừng ấy thôi vẫn chưa đủ, nhất là với những người con sinh ra, lớn lên, chiến đấu để giành giật từng tấc đất, giọt nước, hạt cát… ở vùng đất chứa đựng bao nhiêu điều diệu kỳ này…

Cột mốc chủ quyền Trường Sa tại xã Bình Dương do cựu chiến binh xã đóng góp, xây dựng theo nguyên mẫu cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn.

Dự án “Vườn Mẹ”, với mong ước tiếp nối trang sử vẻ vang Bình Dương, nhằm tái hiện, lưu giữ những gì là tinh hoa, gắn bó mật thiết, chân thực nhất của đất và người nơi đây, bằng những thực thể sinh động…

Tác giả của dự án “Vườn Mẹ” cũng là một người con của quê hương Bình Dương: Kỹ sư Phan Đức Nhạn. Chia sẻ về ý tưởng khai sinh dự án, anh trầm tư: “Lạc Câu là làng có từ thời cha ông mở cõi. Thời kháng chiến chống Pháp, Lạc Câu thuộc vùng tự do. Để chống lại chiến thuyền Pháp. Nhân dân ta đã lập hàng cừ trên sông vùng “Cây mộc”. Từ thời chống Mỹ, Bình Dương trở thành ngọn cờ đầu của vùng Đông Thăng Bình. Nhắc tới cái tên Bình Dương, kẻ thù hoang mang, khiếp sợ. Nhân dân Bình Dương luôn kiêu hãnh, tự hào với quê hương 3 lần được tuyên dương Anh hùng. Bình Dương đã phải chiến đấu, hy sinh để có vinh dự ấy. Gần 2.000 thương binh liệt sĩ, hàng trăm người bị bắt bớ, tù đày, hàng trăm người bị thảm sát. Sau 10 năm chiến đấu (từ 1964 đến 1975) đã có 4.700/7.800 người dân ngã xuống. Sự hy sinh mất mát, tang thương không thể kể xiết”.

Tái hiện lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng ấy là nghĩa vụ, trách nhiệm của thế hệ đang sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Phan Đức Nhạn - cậu bé tên Nhạn trong “Nhật ký Chu Cẩm Phong” - khi thành danh đã nuôi ý tưởng đó từ lâu, nhưng đến nay khi đã về hưu mới có thời gian triển khai. Ban cố vấn của dự án 24 người được mời tham gia cũng là nhưng người đã sống, chiến đấu, xây dựng và phát triển Bình Dương qua các thời kỳ. Trong số đấy, có Trung tướng Nguyễn Trung Thu - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Anh hùng LLVTND; Trung tướng Châu Văn Mẫn - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND; Trung tướng Ngô Quý Đức; Trung tướng Nguyễn Văn Tuyên; nữ Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Kim Cúc... Ban tư vấn có ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; ông Hồ Thanh Hải - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, nguyên Trợ lý Thường trực Ban Bí thư - Chủ tịch nước; Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng...

“Mục đích xây dựng “Vườn Mẹ” là để lưu danh thành quả cách mạng qua các thời kỳ ở xã Bình Dương, vinh danh quá khứ và tưởng nhớ công lao những người Mẹ Việt Nam Anh hùng vĩ đại đã sinh ra và nuôi dưỡng những anh hùng cho dân tộc, vì đất nước Việt Nam. Tạo ra một công viên - nghĩa trang để vinh danh gần 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng, lập bia tưởng niệm hơn 1.360 liệt sĩ là một việc không hề đơn giản. Vì vậy, chúng tôi đã mời và kêu gọi những vị trên vào ban cố vấn và ban tư vấn”, Phan Đức Nhạn giải thích.

Phác thảo ý tưởng dự án “Vườn Mẹ”

Quả thật, tái tạo lịch sử Bình Dương với những cái tên như sự tích, đi vào giai thoại như vụ thảm sát Trảng Trầm, làng Lạc Câu, Bàu Bính, cây Dương thần... không thể chỉ là công việc của một vài cá nhân. Việc tái hiện trên thực địa một số công trình ngầm một thời như địa đạo, giao thông hào, bờ làng chiến đấu, điểm chốt tiền tiêu, hầm trú ẩn, công sự, trạm phẫu thuật...; quá trình xây dựng đài tưởng niệm, khu nghĩa trang, công viên, vườn hoa, bảo tàng các loại cây xương rồng, cây dương và những loài thực vật đặc thù vùng cát như cỏ lông chông, đầm sen và một số công trình văn hóa, thể thao, trung tâm đào tạo nghề, hệ thống giao thông kết nối, nơi lưu giữ hiện vật lịch sử... rõ ràng cần lắm nhân lực, tài lực. “Bình Dương đã có nghĩa trang liệt sĩ khang trang, đẹp vào loại nhất nhì Quảng Nam. Song trên và trong lòng cát kia, bao nhiêu mẹ, chị vẫn còn hòa trong cát? Khó nhưng vẫn phải làm, bởi ai biết mai sau nữa Bình Dương sẽ mất đi những gì...”, Phan Đức Nhạn ưu tư.

Khi nghĩ về cây xương rồng, tôi liên tưởng đến những câu chuyện mà người dân đã kể cho nghe việc loài cây giúp người giữ đất, giữ làng, nuôi người khi đói kém, che chở cách mạng, ngụy trang cho bộ đội chiến đấu. Người Bình Dương cũng kể về cây dương, kể về giai thoại Dương thần, về hàng triệu cây dương được người dân Bình Dương trồng để lợp lại màu xanh trên vùng đất chết, đất cháy, tạo nên thành quả là danh hiệu Anh hùng Lao động. Tương tự với hoa sen, là Quốc hoa, là biểu tượng cho sự thanh khiết, cho phẩm giá, đức hạnh, tượng trưng cho những phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam... Rõ ràng, người dân Bình Dương không muốn mất đi những gì thân thuộc như thế.

Tôi đã đến Bình Dương trong những ngày còn khó khăn vất vả. Tôi cũng đã về Bình Dương gần đây và chứng kiến sự thay da, đổi thịt từng ngày. Đường ven biển như xa lộ thênh thang nối Đà Nẵng - Hội An, vùng ven biển Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ hứa hẹn bao nhiêu điều mà người dân vùng Đông khao khát. Khu đô thị Nam Hội An, những resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp thay nhau mọc lên. Những thửa vườn, cồn cát năm xưa hàng thế kỷ cây mè dù chăm bẵm đến mấy cùng không cao quá gối người, một hạt lúa, nhành rau phải đánh đổi bao nhiêu gàu nước... giờ đây mỗi mét vuông có giá trị xấp xỉ nơi phố thị...

Người Bình Dương khao khát và biết nắm cơ hội để làm giàu. Đó là thực tiễn. Nhưng đó cũng chưa phải là tất cả. Cần một chút gì đằm sâu hơn thế, như “Vườn Mẹ”, như một miền sử ca... 

THẾ SINH