Báo Công An Đà Nẵng

Vườn Mẹ - tri ân những người mẹ chiến sĩ

Thứ tư, 22/12/2021 13:03

Theo góc nhìn của một trong những người tham gia và còn lại trong kháng chiến chống Mỹ, sau khi đọc bài báo "Vườn Mẹ" của tác giả Phan Đức Nhạn trên báo Nhân Dân ngày 27-7-2021, tôi rất xúc động và có một sự đồng cảm sâu sắc, nay xin đóng góp mấy lời chia sẻ cùng tác giả và bạn đọc.

Chân dung tác giả. 

Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đại Lộc thân yêu, đi theo cách mạng từ thời niên thiếu, trải qua và chứng kiến biết bao nhiêu cảnh tàn khốc của chiến tranh với biết bao gian khổ hy sinh của đồng bào, đồng chí, trong đó có biết bao bà mẹ, bà chị đã cống hiến hy sinh vì nghĩa lớn, với biết bao người cha, mẹ, anh, chị và đồng đội đã vĩnh viễn ra đi. Trong ký ức của tôi, điều tâm nguyện trong những ngày kháng chiến, nếu ngày mai còn sống, đất nước thanh bình, mình và đồng đội còn lại sẽ cùng nhân dân tổ chức xây dựng một số công trình văn hóa biết ơn những người đã ngã xuống như nghĩa trang, tượng đài chiến thắng, đền tưởng niệm, bia chiến tích... để ngưỡng vọng công đức; bia chứng tích để khắc ghi tội ác của kẻ thù xâm lược. Chính vì vậy, ngay những ngày đầu sau giải phóng, khi làm Bí thư xã Đại Cường, tôi đã cùng Đảng bộ và nhân dân nơi đây quy hoạch sớm khu nghĩa trang liệt sỹ để quy tập anh em về, sợ để lâu ngày thất lạc.

Vào những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trong thời gian làm Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, mặc dầu đất nước còn nhiều khó khăn, huyện Đại Lộc còn nhiều khó khăn nhưng với lòng biết ơn và ngưỡng vọng công đức của anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho độc lập tự do, Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc đã huy động công sức xây dựng Đài Chiến thắng Thượng Đức, nơi đây là một chi khu quân sự, là cánh cửa thép trấn giữ phía tây căn cứ liên hợp hải lục không quân của Mỹ- ngụy tại Đà Nẵng.

Vào tháng 7-1974, thực hiện ý đồ chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng quyết tâm giải phóng dứt điểm một chi khu của địch, tạo điểm đối đầu trực diện để so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, suốt 10 ngày đêm quân ta bao vây và tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Đúng với ý đồ của ta, quân địch đã đưa lực lượng tổng dự bị dù và thủy quân lục chiến ra tái chiếm Thượng Đức. Gần 4 tháng, chủ lực ta và địch quần nhau quyết liệt, cuối cùng quân ta giành được thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng Thượng Đức mang ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, góp phần để Trung ương đánh giá đúng tình hình và hoạch định chiến lược để giải phóng miền Nam, bảo vệ Tổ quốc. Bởi từ trận đánh này trung ương rút ra kết luận trên chiến trường chủ lực ta đủ khả năng đánh bại hoàn toàn chủ lực địch. Có thể nói chiến thắng Thượng Đức mang một ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng để so sánh tương quan lực lượng, để bộ tổng hoạch định chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày hòa bình, Đại Lộc đã xây dựng một số bia chiến tích: Gò Đình, Hà Vy, Đông Hà, sông Cầu Lữ…, đặc biệt là Tượng đài chiến thắng Thượng Đức.

Nhắc về thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, chúng ta đã không thể nguôi ngoai với tội ác tày trời khi kẻ thù có dã tâm tàn sát hàng ngàn đồng bào ta. Đáng chú ý nhất, ngày 9-5-1969, lính thủy đánh bộ Mỹ đã tổ chức một cuộc càn quét cả sáu xã vùng B- Đại Lộc. Chỉ trong một ngày, chúng đã sát hại trên 500 người, gồm nhiều phụ nữ và trẻ em. Đại Lộc đã xây dựng nhà bia chứng tích Ngũ Bách Anh Linh tại điểm cuối cùng của điểm tàn sát ở thôn Khương Mỹ, Đại Cường, Đại Lộc.

Bia ghi dấu căn cứ lõm Bàu Bính (Bình Dương) điển hình trụ bám chiến đấu của quân và dân Quảng Nam giai đoạn 1971- 1972.

Để tỏ lòng tri ân và ngưỡng vọng công đức của tiền nhân, bao lớp trước và anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, vì tự do Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Đại Lộc đã xây dựng 18 nghĩa trang liệt sỹ, hàng chục bia di tích và chứng tích, một số đền đài tưởng niệm tri ân. Đặc biệt, Đại Lộc ngay từ cuối thập niên 80, đã xây dựng một ngôi Đền Tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công và anh hùng liệt sỹ. Tại đồi Trường An Đền Báo Ân với quy mô hoành tráng đưa tất cả những bậc tiền bối hữu công và anh hùng liệt sỹ, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng quy tụ về đây và hằng năm vào đầu tháng Ba âm lịch tổ chức lễ hội tri ân. Tại đền tưởng niệm tiền liệt xã Đại Cường, chúng tôi đã ghi vào đá một minh bia:

Đó là những anh hùng nhiều

                                     lớp trước

Sống âm thầm trong thế giới

                                  mênh mông

Chưa bao giờ được hưởng

                           ánh quang vinh

Nhưng can đảm và tận tình

                                   vì nước....

... Anh linh xưa hòa quyện giống

                                   Lạc Hồng

Hoàng nguyên khí hồn thiêng

                           thành hồn Việt

Công đức đó ngàn đời oanh liệt

Thân bất tồn khí tiết mãi

                               lưu quang,,,

Trở lại câu chuyện "Vườn Mẹ" của tác giả Phan Đức Nhạn ở phần đầu. Qua những nội dung trình bày trong bài báo, tôi vui mừng nhận thấy, đây là công trình của hồn thiêng sông núi Tổ Quốc Mẹ Hiền, là loại hình văn hóa biết ơn với đạo lý uống nước nhớ nguồn, công trình tâm linh lắng đọng để ngưỡng vọng công đức bao bà mẹ Việt Nam nói chung, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng nói riêng trong hai cuộc kháng chiến kiến quốc là những người phụ nữ Việt Nam Anh hùng Bất khuất, Trung hậu Đảm đang dám xả thân vì nghĩa lớn, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì ấm no bình đẳng của hôm nay và con cháu mai sau chấp nhận hy sinh cả đời mình và chồng con như Mẹ Nguyễn Thị Thứ, mẹ Lê Thị Ngoạt… ở xứ Quảng cùng bao Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng khác trên cả nước.

  Với tất cả sự đồng tình, ủng hộ, tôi hy vọng và tin tưởng, ý tưởng này của tác giả Phan Đức Nhạn chắc chắn sẽ thực hiện sớm hoàn thành, để trên quê hương chúng ta có thêm một công trình đền ơn đáp nghĩa, sau Tượng đài Mẹ Thứ, xứng tầm với mảnh đất và con người Quảng Nam- Đà Nẵng trung dũng kiên cường...

Nguyễn Hữu Mai

(Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam)