Báo Công An Đà Nẵng

"Vườn thú" ở làng đá

Thứ tư, 04/12/2013 10:54

(Cadn.com.vn) - Mục kích “vườn cò” của nghệ nhân Lê Công Thạnh (50 tuổi), nằm bên đường Trường Sa thuộc P. Hòa Hải (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) ai cũng thấy “đã mắt” và khâm phục sự đam mê đến... tỉ mỉ của anh. Gọi là “vườn cò”, nhưng thật ra trong khu vườn nhỏ có nhiều “thú”, trong đó cò vẫn chiếm số rất đông. Khu vườn tuy tương đối hẹp nhưng “bầy cò” trước sân trông rất sinh động: Có con đang đậu, có con đang bay, có con đang tỉa lông trong không gian cỏ cây, giả sơn bể cạn hài hòa... Giữa sân, trên hòn non bộ còn có cảnh thầy trò Đường Tăng đang qua núi thỉnh kinh, cảnh trẻ mục đồng ngồi vắt vẻo trên mình trâu thổi sáo... khung cảnh rất thanh bình, thơ mộng.

Anh Thạnh cho hay, cái máu nghệ thuật này anh được truyền từ người cha Lê Tuất (1910 – 1984), nguyên là nghệ nhân nổi tiếng của nhà máy  sứ Bình Quý (Thăng Bình,  Quảng Nam). Trước khi đi bộ đội, anh Thạnh theo nghiệp cha làm công nhân Xí nghiệp sứ Bình Quý (phân xưởng mỹ nghệ), sau khi xuất ngũ (1986), anh trải qua nhiều nghề như bảo vệ khu du lịch, tạc tượng đá Non Nước... Từ năm 2005 đến nay, anh chuyên nghề sản xuất các loại thú và sản phẩm trang trí non bộ, giếng trời, nhãn viên...

Du khách ngắm “vườn cò”.

Anh Thạnh bộc bạch, muốn  có sản phẩm đẹp, cái khó nhất là tạo ra khuôn đúc. Trước tiên, anh tạo ra  “hàng mẫu” bằng đất sét, sau đó tạo khuôn bằng xi-măng hay thạch cao bao bên ngoài sản phẩm đó. Muốn có tác phẩm đẹp, sinh động phải làm đi làm lại nhiều lần mới ưng ý. Khi có khuôn mẫu rồi, anh trộn xi-măng với một tỉ lệ cát mịn phù hợp đưa vào khuôn để đúc. Sau đó, tùy theo sở thích của khách hàng, dùng sơn tốt để sơn theo màu đặc trưng hoặc giữ nguyên màu xám “xi-măng”. Đến nay, anh đã có hơn 500 khuôn các loài vật như chim, ếch, nhái, cò, hạc, gấu, hổ, “canh tiều ngư mục”... Riêng về cò, có tới vài chục mẫu, kích cỡ.

Gần đây, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xuất hiện một loại hình nghệ thuật mới trong trang trí vườn nhà, đó là “nhãn viên”, nói nôm na là “con mắt” của khu vườn. Con mắt này chính là các “bể” nước trong, đáy  sơn màu xanh, hay đen, để “in” cảnh mây trôi bồng bềnh, trên nền trời xanh thẳm, vài lá súng, lá sen, vài bông nở khoe sắc màu thanh tao trên mặt nước, thêm nét gợi cảm, hài hòa... Và cũng từ đó, anh Thạnh trở thành “chuyên gia” chuyên cung cấp sản phẩm trang trí nhãn viên và thủy hoa viên cho nhiều nơi như tác phẩm “ngư tiều canh mục” là 4 thú vui của người ẩn sĩ là câu cá, đốn củi rừng, cày ruộng, chăn trâu cũng được du khách ưa chuộng.

Khách tham quan sau khi “ngắm nghía”, ưng con nào mua con đó hoặc có thể đặt hàng theo mẫu của mình. Khách đặt hàng, mua hàng có thể là người nước ngoài, có thể là chủ nhân những nhà hàng, nhà vườn, quán cà-phê... Đặc biệt, tác phẩm “sen – cò” tuy nguyên liệu bằng xi-măng – cát nhưng với bàn tay tài hoa của anh Thạnh đã trở thành tác phẩm rất sinh động với lá sen mượt mà, hoa sen hồng tươi thắm, gương sen sinh động với con cò trắng đang “dạo” bước dưới gốc sen...

Anh Thạnh đang sơn một con cò.

Bằng niềm đam mê hiếm có và sự cần cù, tỉ mẩn của mình, hằng ngày anh Thạnh luôn bận rộn với “đơn” đặt hàng khắp miền đất nước cũng như nước ngoài. Sản phẩm trang trí của anh đã theo chân du khách các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật... mua về “nuôi” trong các “khu vườn” nhỏ.

Giữa “bầy thú” hoang dã, chúng tôi mê nhất là bầy cò trắng “bay lả bay la” qua cảnh đồng quê thanh bình yên ả mà thời thơ ấu đã nhiều lần nghe hát. Theo anh Thạnh, hình ảnh của “đàn cò” ăn nơi bờ sông gắn liền với hình ảnh người vợ hiền tảo tần nuôi chồng một thời thất nghiệp và nuôi con ăn học, sâu lắng qua mấy câu thơ của Trần Tế Xương “Lặn lội thân cò khi quảng vắng / Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

Một góc “vườn cò” của anh Lê Công Thạnh.

Tiên Sa