Vườn tượng đặc biệt của nghệ nhân Trọng Hà
Từ lòng ngưỡng mộ
Đến thăm vườn tượng của nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà vào thời điểm ông đang miệt mài đắp tượng ông già Noel. Ông lý giải, hiện khuôn viên vườn tượng của gia đình đã hoàn thành quy hoạch nhưng để đánh dấu thời điểm kết thúc năm cũ, chào mừng năm mới, ông đắp bức tượng ông già Noel cho trẻ con trong làng chiêm ngưỡng.
Theo lời nghệ nhân chia sẻ, ý tưởng đắp tượng vĩ nhân, anh hùng dân tộc được xuất phát trong thời gian làm Trưởng Ban tuyên giáo H.Yên Thành, ông có dịp đi tham quan ở Trung Quốc vào năm 2001. Khi nhìn thấy 8 bức tượng La Hán trong khuôn viên của một gia đình, một ý nghĩ chợt nảy ra trong ông. “Bản thân tôi chưa từng được học qua điêu khắc hay hội họa nhưng xuất phát từ lòng ngưỡng mộ của mình đối với Bác Hồ, đối với các vĩ nhân, anh hùng dân tộc nên tôi quyêt tâm thực hiện. Tôi cũng mong muốn bà con nhân dân ở quê được chiêm ngưỡng tượng vĩ nhân, các anh hùng dân tộc như người dân ở thành phố. Suốt 18 năm trời, hai vợ chồng tự làm, không thuê thợ nào cả, đến nay cũng đã thoả lòng mong muốn” – ông Hà cho hay.
Cũng theo nghệ nhân Hà, để có bức tượng thành công, bản thân phải tìm hiểu kỹ về các vĩ nhân, anh hùng dân tộc này. Sau đó tìm mẫu, lựa chọn mẫu, dựa vào mẫu để mày mò đắp dần. “Ngày hì hụi đắp còn đêm chụp ảnh đưa vào máy tính so sánh với hình mẫu xem đã giống chưa. Công đoạn này tôi được mọi người trong gia đình, đặc biệt là vợ tôi góp ý rất thẳng thắn. Bởi vậy, có khi thấy chưa hài lòng là tôi thức trắng đêm làm việc vì vật liệu bê tông cốt thép nên không để lâu được” – ông Hà cho biết.
Từ lòng ngưỡng mộ cùng niềm đam mê đắp tượng, không ngừng học hỏi, vườn tượng của nghệ nhân Hà quy tụ hàng chục bức tượng vĩ nhân, anh hùng dân tộc như tượng Vua Hùng, Thánh Gióng, Nguyễn Trãi, mẹ Thứ, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…Thành quả nhận được là sự tán dương, ủng hộ của bà con trong vùng, giáo viên, học sinh....trong, ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm ngưỡng. Đó là động lực để ông tiếp tục theo đuổi đam mê. “Mỗi một bức tượng có một quy chuẩn khác nhau về chất liệu, kích thước. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là nghệ nhân phải thổi hồn vào tượng. Đây cũng là một trong những thành công mang tính quyết định của một bức tượng. Những bức tượng vĩ nhân, anh hùng dân tộc đều là nhân vật tiêu biểu, xuất chúng, đại diện cho từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Ngoài cổng vào, tôi gắn chữ “Tri ân” với ý nghĩa tri ân công lao to lớn của các vị anh hùng dân tộc. Mỗi bức tượng đều có một ý nghĩa và câu chuyện lịch sử riêng của nó biểu hiện qua từng đường nét, thần thái trên khuôn mặt” – nghệ nhân Hà chia sẻ thêm.
Đưa tay về phía bức tượng Bác Hồ, nghệ nhân Hà cho biết, một điều ngẫu nhiên là bức tượng về Bác được đắp và hoàn thành trong vòng 79 ngày, tượng trưng cho 79 mùa xuân có Người. Xung quanh tượng là những bông hoa sen được bố trí theo kiểu lá úp lá lật - trường phái nghệ thuật rất đặc trưng một thời của Nam Bộ với ý nghĩa “miền Nam luôn trong trái tim Người”. Bên cạnh là bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - học trò xuất sắc của Bác Hồ. Dưới chân tượng là mô hình đồi núi và cỗ pháo binh sừng sững giúp người xem liên tưởng ngay đến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập chiến thắng đế quốc Mỹ. Hay bức tượng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với một tay chỉ về phương Bắc, tay kia nắm chặt gươm thần có ý nghĩa to lớn trong công cuộc giữ nước.
Đến kho tàng lịch sử quý báu
Kể từ khi có vườn tượng này, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” để học sinh đến tham quan, chiêm ngưỡng. Bên cạnh vườn tượng, nghệ nhân Hà còn xây dựng một thư viện gia đình với hàng trăm đầu sách do ông trực tiếp sưu tầm, cất giữ suốt thời gian qua. Thư viện luôn mở cửa miễn phí đón các bạn đọc lớn nhỏ có nhu cầu tìm hiểu.
Cô Trần Thị Tuyết – Giáo viên Trường mầm non Nam Thành chia sẻ, vườn tượng của nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà thực sự là một kho tàng về lịch sử của dân tộc. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho các cháu đến tham quan, trải nghiệm tại đây để qua đó giáo dục truyền thống, nhắc nhớ các cháu luôn biết ơn, khắc ghi công lao to lớn của các vị anh hùng dân tộc.
Đắp tượng là đam mê, tiền đắp tượng là lương hưu dành dụm của hai vợ chồng. Thỉnh thoảng người dân đến tham quan, chiêm ngưỡng có gửi lại tiền công đức, vợ chồng ông tổng hợp lại và đóng góp cho quê hương. “Tôi quan niệm, thông qua vườn tượng, người dân, đặc biệt là những người mù chữ, người già sẽ hiểu hơn về công lao của các vĩ nhân, các anh hùng dân tộc. Các cháu học sinh trong xã thông qua các buổi ngoại khóa, tham quan vườn tượng sẽ vun đắp tinh thần yêu nước. Đó là niềm vui lớn nhất của bản thân tôi sau khi hoàn thiện công trình” - nghệ nhân Hà thổ lộ. Ông chia sẻ thêm, ngoài cuốn sách do chính mình biên soạn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sắp được xuất bản, ông sẽ tiếp tục sưu tầm, biên soạn sách về các vĩ nhân để thế hệ sau này có thêm tư liệu tham khảo, đồng thời bổ sung thêm đầu sách cho thư viện của mình.
Theo ông Nguyễn Công Quỹ- Bí thư Chi bộ xóm Phan Đăng Lưu, xã Nam Thành, vườn tượng cùng với tủ sách gia đình của ông Hà đã trở thành “địa chỉ đỏ” để các thế hệ học sinh trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đến học tập, tham quan. Cũng theo ông Quỹ, ông Hà là đảng viên hơn 50 năm tuổi đảng đã có nhiều đóng góp cho quê hương. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Hà đã vận động, quyên góp 60 triệu đồng để làm đường bê tông, xây dựng quỹ khuyến học.
Với những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ, nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Huân, Huy chương của Đảng và Nhà nước trao tặng. Năm 2015, ông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tôn vinh, trao bằng công nhận “Nghệ nhân, chủ nhà vườn sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015”.
Ngày 2-11, nghệ nhân Hà là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An được tôn vinh là điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 2023.
Dương Hóa