Báo Công An Đà Nẵng

Vườn tượng Huế bị lãng quên

Thứ tư, 16/09/2015 08:58

(Cadn.com.vn) - Huế được xem là nơi đi đầu với 5 lần tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế, với hơn 140 tác phẩm đa phong cách, bằng nhiều chất liệu; nhiều tác phẩm được các chuyên gia trong ngành đánh giá rất cao. Thế nhưng, hơn trăm bức tượng được đặt chen chúc ở công viên dọc bờ sông Hương, khu du lịch Hồ Thủy Tiên... đang bị mất cắp, hư hại.

Hư hại, hoang phế

Tại khu du lịch hồ Thủy Tiên thuộc xã Thủy Bằng (TX Hương Thủy, TT-Huế) rộng 49ha, nằm trên đồi Thiên An được đầu tư xây dựng hơn 70 tỷ đồng nhưng nhiều năm nay, khu du lịch này đã trở thành những đống hoang phế nằm im lìm giữa đồi thông. Trong khuôn viên khu du lịch hoang phế này, có hàng chục bức tượng của các họa sĩ người nước ngoài và người Việt đang "ở nhờ". Một ngày giữa tháng 9, có mặt tại khu vực này, chúng tôi chứng kiến những tác phẩm điêu khắc diễn ra tại kỳ Festival 2004 thiếu bàn tay bảo vệ của con người nên bụi bẩn, rêu xanh bám đầy, nhiều bức đang xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, do sự thiếu ý thức của một số người nên nhiều bức tượng bị phá biến dạng, hư hỏng. Tác phẩm "Giai điệu và tình bạn" của họa sĩ Sushil Sakhuja người Ấn Độ được làm bằng chất liệu đá trắng và inox thì phần inox không còn nguyên vẹn.

Tác phẩm "Giai điệu và tình bạn" ở khu du lịch hồ Thủy Tiên bị biến dạng.

Tương tự, tại Công viên 3-2 nằm trên đường Lê Lợi, trước Trường Đại học Sư phạm Huế, tác phẩm "Sảng khoái" của một tác giả Nhật Bản đã bị mất trộm, hư hỏng hoàn toàn, còn trơ lại chân đế xây bằng gạch thô kệch, xấu xí. Cạnh đó là một tác phẩm điêu khắc khác cũng đã biến mất chỉ còn lại hàng rào bằng xích, với tấm bảng "Không được xâm phạm hiện vật". Tác phẩm "Hoa trinh nữ" của tác giả người Philippines với rất nhiều lần bị bẻ gãy cánh tay, dù đã sửa chữa nhưng chắp vá sơ sài, cánh tay lòi cả những thanh sắt. Tác phẩm này được vây kín bởi hàng rào dây xích, cắm biển "Không được xâm phạm hiện vật" trông rất lạnh lùng, dưới chân tượng còn có thùng rác bốc mùi hôi thối. Theo quan sát của chúng tôi, các tác phẩm tượng ở công viên này được đặt dày đặc, nhiều tác phẩm chỉ là những phiến đá nguyên hình như lúc nó được khai thác, thô kệch đứng bên dòng Hương thơ mộng. Ở đây, dường như bất cứ chỗ trống nào trong công viên đều được "nhét" tượng vào.

Tại công viên bờ bắc sông Hương, nhiều tác phẩm cũng đã xuống cấp, hư phế. Tác phẩm "Lắng đọng" của nhà điêu khắc Nguyễn Hiền bị mất hết các họa tiết bằng inox như chiếc thuyền, cụm nón lá. Cạnh đó, một số tác phẩm điêu khắc khác làm bằng chất liệu sắt đã bị hoen gỉ, nhiều tượng bị trôi phần chân đế, mất bảng tên tác phẩm. Tại công viên Quốc Học, tác phẩm điêu khắc "Nón và gió" của một tác giả Mỹ đã bị cưa trộm 3 chiếc nón bằng đồng, trơ trọi những cọng sắt nhọn cắm lởm chởm trên tảng đá. Tại đây, tượng được sắp xếp một cách tùy tiện, mật độ quá dày, cả chục bức tượng chen chúc nhau trong một khuôn viên nhỏ hẹp, gây cảm giác rối mắt. Hầu như du khách đến Huế không đi tham quan các khu vực dựng tượng. Rất ít người biết đây là những tác phẩm điêu khắc quốc tế có giá trị.

Một tác phẩm khác tại khu du lịch hồ Thủy Tiên cũng bị hư hỏng
do không có người bảo vệ.

Nên sắp xếp lại tượng ở công viên

Nhà điêu khắc Nguyễn Hiền - nguyên Trưởng khoa Điêu khắc Trường ĐH Nghệ thuật Huế, Phó thường trực ban điều hành, phụ trách cả 5 trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Huế (các năm 1998, 2002, 2004, 2006 và 2008) cho biết, qua 5 trại sáng tác quốc tế với khoảng 140 tác phẩm điêu khắc hiện nằm tạm bợ, nhiều tác phẩm bị hư hỏng, bị xâm hại, thậm chí có tác phẩm bị xóa sổ. Theo ông Hiền, toàn bộ tác phẩm tượng giao lại cho Trung tâm công viên cây xanh Huế quản lý, trong khi đơn vị này không có chuyên môn gì về điêu khắc, không có kinh phí  sửa chữa, bảo dưỡng, vậy nên số tượng bị hư hại tăng cao theo năm tháng. Nhà điêu khắc Nguyễn Hiền cho biết, phần lớn tác phẩm bị xâm hại, xuống cấp đều của các tác giả nước ngoài. "Nhiều tác giả sau khi quay lại Huế thấy tác phẩm của mình bị hư hỏng, họ rất đau lòng. Như trường hợp nữ điêu khắc người Indonesia trở lại Huế vào năm 2004 thấy tác phẩm của mình sáng tác năm 1998 đang đặt ở bờ sông Hương bị xâm hại, bà đã bỏ tiền ra để sửa chữa lại tác phẩm bị cắt, bẻ cong, hoen gỉ, hư hỏng. Cũng theo nhà điêu khắc Nguyễn Hiền, việc tập trung các tác phẩm điêu khắc quốc tế này về vườn tượng ở núi Ngự Bình là quá viển vông, khó thực hiện. Do đó trước mắt tỉnh phải sắp xếp lại tượng ở các công viên phù hợp với mỹ quan dọc bờ sông Hương, muốn vậy phải có sự thống nhất họp bàn đi đến tiếng nói chung giữa nhà điêu khắc với kiến trúc sư và cán bộ quy hoạch đô thị.

Một tác phẩm trong trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Huế năm 2006 được dựng ở công viên
bờ sông Hương do không được bảo dưỡng đã bị trôi phần đế.

Ông Nguyễn Cẩn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế, đơn vị hiện được giao quản lý vườn tượng cho biết, bộ phận bảo vệ thường xuyên tuần ban đêm, lau chùi định kỳ các tác phẩm bị bẩn. Theo Sở VH- TT & DL tỉnh TT-Huế, sở này đã trình UBND tỉnh "Đề án phát triển mỹ thuật TT-Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", trong đó có quy hoạch vườn tượng quốc tế Bắc Ngự Bình. Nếu quy hoạch vườn tượng quốc tế Bắc Ngự Bình được triển khai sẽ không còn tình trạng cả trăm bức tượng chen chúc trong công viên chật hẹp ở hai bờ sông Hương. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì quy hoạch vườn tượng quốc tế Bắc Ngự Bình rất khó thực hiện vì không có kinh phí để triển khai.

H.Lan